Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Ðẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5-2%/năm; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Trong những năm qua, việc tập trung thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập thấp nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao; tốc độ giảm nghèo không đồng đều; chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng yếu kém trên là do nhiều nguyên nhân như điều kiện mọi mặt của đất nước ta còn nhiều khó khăn, các cơ chế, chính sách ban hành chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn, nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và yếu,… trong đó có nguyên nhân là do quá trình thực hiện, vận dụng chính sách và quản lý chương trình giảm nghèo chưa sát với thực tế, thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể dẫn đến cán bộ cơ sở còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.
Vì vậy, cuốn sách Cẩm nang về chính sách và quản lý chương trình giảm nghèo sẽ cụ thể hóa, quy trình hóa việc thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành.
Nội dung sách gồm ba phần.
Phần thứ nhất: Tiêu chí và cách thức xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã nghèo.
Phần thứ hai: Các chính sách giảm nghèo hiện hành – quy trình và cách thức thực hiện.
Phần thứ ba: Quản lý chương trình và tổ chức thực hiện.