Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là hoạt động của tổ chức đảng có thẩm quyền (chi bộ, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp) đúng nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục theo các quy định của Đảng để xem xét, nhận xét, đánh giá, kết luận và xử lý chính xác đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên được kiểm tra theo mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Để các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ kiểm tra vận dụng thực hiện tốt công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và các kết luận, hướng dẫn, quy trình nói trên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thực tế khắc phục những hạn chế tồn tại, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm thời gian qua, từng bước nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện nhiệm vụ này có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải xây dựng kỹ năng cụ thể theo từng nhiệm vụ kiểm tra, trong đó có kỹ năng kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ kiểm tra các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nắm vững và thực hiện đúng quy định.
Cuốn sách Cẩm nang về kỹ năng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên của tác giả Cao Văn Thống, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề lý luận về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Phần thứ hai: Phương pháp, trình tự, kỹ năng, quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Phần thứ ba: Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, hướng dẫn quy trình và các văn bản trong kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.