Chuyện của lính Tây Nam thực chất lại gần như là một tác phẩm tự sự hơn là một tiểu thuyết văn học.
Nhân vật chính trong cuốn sách, người lính gốc Hà Nội có biệt danh Tuấn “Tròn”, nhập ngũ năm 1976, đóng quân tại Thanh Hóa. Dưới cái nhìn của anh, nhập ngũ khi ấy sẽ chỉ là người lính của thời bình. Thế nhưng, khi quân Khmer Đỏ xâm phạm biên giới Tây Nam của Tổ quốc, những người lính trẻ bắt đầu xung trận, một cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Tổ quốc lại diễn ra.
Người lính trẻ Tuấn “Tròn” là một người lính vận tải có nhiệm vụ chính là tải thương, tải đạn, do đó góc nhìn của anh khác với những tác phẩm khác về cuộc chiến Tây Nam của những người lính trực tiếp chiến đấu. Dưới góc độ của anh, cuộc chiến có sự khốc liệt riêng của nó, không có những chi tiết xung trận, truy kích, phản kích nhưng lại có những hình ảnh gùi nước trên vai chuyển lên trận địa cho đồng đội, những giây phút nghẹn thở bò dưới tầm đạn đại liên đưa đồng đội bị thương, hy sinh về tuyến sau, những đêm ôm súng nằm canh thú dữ không vào phá xác đồng đội… và có cả những hy sinh mất mát của những người lính vận tải vốn tưởng chỉ ở phía sau trận đánh.
Để có thể miêu tả theo giọng văn tự sự đầy chân thật như chính tác giả có mặt vào những ngày tháng ác liệt nhất ở biên giới Tây Nam năm ấy, Thủy Hướng Dương đã phải lặn lội thu thập thông tin của những người lính đã từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam.
Từ câu chuyện của những người lính, rồi những người chỉ huy và cả những người vợ, người mẹ của những người lính năm ấy để làm tư liệu viết nên cuốn sách. Chính vì thế, nhân vật trong Chuyện của lính Tây Nam rất gần gũi, không lên gân, không hào nhoáng. Người lính trẻ tuổi 20 năm ấy cư xử và suy nghĩ rất tự nhiên như chính cuộc sống chiến trận đã tạo nên, có khi hèn nhát nhưng có lúc lại rất kiên cường.