Chuyện của Paco được viết trên bối cảnh cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và những năm tháng hậu chiến của một người lính Mỹ hồi hương trong tâm trạng của kẻ bại trận. Nhưng hơn thế, đó là câu chuyện về con người và khả năng kỳ diệu của con người vượt lên những nghiệt ngã của số phận, như lời mở đầu của cuốn tiểu thuyết: “James, hãy bắt đầu bằng điều nói thẳng thứ nhất: đây không phải là câu chuyện chiến tranh”.
Hay như lời tựa của dịch giả Phạm Anh Tuấn: “Đối với những người lính ngoài chiến hào, chiến tranh đã kết thúc, song chưa chấm dứt. Khi họ bắn giết, họ không chỉ bắn giết những con người cụ thể. Họ đồng thời giết chết một nguyên lý, một lời răn: không được giết đồng loại. Họ giết chết nhân tính ở bên trong họ. Trở về nhà, họ thấy bơ vơ, lạc lõng kèm theo một cảm giác đau đớn thường trực giữa đồng bào của họ, giữa những người thân của họ:những ngườichưa bao giờ thực sự biết chiến tranh là như thế nào, những chuyên viên của bộ máy chiến tranh, những kẻ coi chiến tranh đơn thuần như một nghề nghiệp – những kẻ sáng vác ô đi tối vác ô về, ngồi trong những văn phòng sạch sẽ ngăn nắp để quan sát chiến tranh từ xa (the ticket-punching lifers) và một công chúng dễ tin vào những lời dối trá (dụ ngôn hội chợ ở Chương 1). Các nhà tâm lý học gọi trạng thái tâm lý của những người lính từ mặt trận trở về nhà là rối loạn tâm lý sau chấn thương (post traumatic stress disorder) hoặc hội chứng chiến tranh (war syndrom)”.
Chuyện của Paco nén lại trong 330 trang sách, nó viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng cũng có thể là câu chuyện về mọi cuộc chiến tranh trên thế giới. Chuyện của Paco là thân phận của người lính trong và sau chiến tranh, và là câu chuyện đi tìm lại bản thân mình của mỗi cá nhân.
Tác giả
Larry Heinemann sinh năm 1944 tại Chicago, Illinois, trong một gia đình thuộc tầng lớp bình dân. Sau khi học xong trung học, ông đi làm rồi học đại học. Ông bỏ học giữa chừng và bị gọi nhập ngũ (năm 1966). Từ tháng 3 năm 1967 đến tháng 3 năm 1968, ông là lính của Sư đoàn bộ binh số 25 tham chiến tại Củ Chi và Dầu Tiếng.
Sau khi giải ngũ, Larry Heinemann theo học môn sáng tác tại Đại học Columbia ở Chicago và từ năm 1971 ông bắt đầu dạy môn sáng tác tại đại học này, cho tới khi ông xuất bản Chuyện của Paco năm 1986.
Cũng năm 1986, với Chuyện của Paco, Larry Heinemann được trao Giải thưởng Sách Quốc gia dành cho thể loại hư cấu (National Book Award for Fiction), vượt qua bốn nhà văn được đề cử khác, trong đó có Toni Morrison là người được Giải Nobel Văn học 5 năm sau đó.
Ngoài Chuyện của Paco, Larry Heinemann còn có ba tác phẩm tiêu biểu khác:
Giáp lá cà (Close Quarters), xuất bản năm 1977, là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về cuộc chiến tranh Việt Nam trong văn học Mỹ.
Ở ven hồ thì mát hơn (Cooler by the Lake), xuất bản năm 1992, cuốn sách viết về thành phố Chicago và là tác phẩm duy nhất của Heinemann không có mối liên hệ rõ rệt với cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Núi Bà Đen: Một lần trở lại Việt Nam (Black Virgin Mountain: A Return to Vietnam), xuất bản năm 2006.
Hiện nay Larry Heinemann là tác giả thường trú tại Đại học Texas, thành phố College Station, bang Texas.
Dịch giả
Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1958) là dịch giả Pháp ngữ, Anh ngữ, với những tác phẩm dịch nổi tiếng như Đệ nhất Phu nhân: Chuyện về những người đàn bà trong Nhà Trắng (tác giả Bill Harris, NXB Phụ nữ, 2007), Dân chủ và giáo dục (tác giả John Dewey, NXB Tri thức, 2008, được trao Giải thưởng Dịch thuật năm 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh).
Với Chuyện của Paco, dịch giả Phạm Anh Tuấn đã gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển ngữ tiếng lóng và ngôn ngữ thô ráp đậm chất lính tráng của nguyên bản.
Thông tin thêm
Chuyện của Paco có lời giới thiệu của nhà văn Bảo Ninh và lời bạt của dịch giả Phạm Anh Tuấn.
Từ khi xuất bản tại Mỹ năm 1986, Chuyện của Paco chưa bao giờ đứng ở vị trí bestseller, nhưng mỗi năm đều được tái bản hàng ngàn bản.
Buổi họp báo giới thiệu Chuyện của Paco của Larry Heinemann và Vòng tròn của Hạnh, cuốn hồi ký của nhà thơ cựu chiến binh Bruce Weigl, được Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức vào lúc 9h ngày 17 tháng 12 năm 2010 tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Buổi họp báo có sự tham dự của nhà văn Larry Heinemann và nhà thơ Bruce Weigl.