Thân thương như tên gọi, Góc Nhỏ Miền Tây - Bánh Trái Mùa Xưa đầy ắp cảm xúc và những lời thủ thỉ. Tác giả kể về đầm, về đất, về nhà, về sông, về gió... nhưng trong tất cả những thứ được gọi bằng tên đó, có nhiều thứ không thể gọi thành tên. Bởi nó là tình yêu, là kỉ niệm, là những thứ vô hình không nắm bắt được.
Trong “Của nước và gió”, có đoạn “Người ta sống trên nó, rửa chân và vất rác lên nó nhưng quên lãng nó. Và một buổi sáng mở cửa sau, sông bỗng tràn đầy trong mắt”. Đâu dễ gì quên được thiên nhiên, như là hơi thở, như là tình yêu vậy. Trong “Khoảnh khắc của hoa quỳnh” là sự tiếc đất, tiếc người, để rồi giữa con người và thiên nhiên, giữa cái hữu hình và vô hình, tác giả đứng trước một sự đổi thay đành thốt lên: “Như là tôi vừa chứng kiến xong một cuộc hoa quỳnh nở, rồi tàn nhanh, mang theo một vẻ đẹp tuyệt tích". Trên “Xe miền Tây” cũng khác, cũng đáng để yêu: “Thôi thì chân chất, ừ thì quê mùa... miền Tây mà, vẫn hoang dã vẫn xa xôi. Đây không phải Sài Gòn, Hà Nội, đây là một thế giới khác rồi. Thế giới mà người ta vẫn còn mua bắp luộc, bánh mì ở bến xe đem về xứ làm quà, trẻ con vẫn reo mừng tở mở... Những người miền Tây quăn queo lam lủ thật thà này, bolero này, dầu gió này mình không bao giờ gặp trên những chuyến bay...”.
Đôi khi đằm thắm, đôi khi cà tửng với lối viết kiểu đặc trưng người vui tánh mà thâm sâu Nam bộ, trong "Ông Cà Bi ở Xẻo Quao” triết lý sống cũng được đề cập tới. Đời này không biết ai tội nghiệp ai. Người giàu tội người nghèo hay người nghèo tội người giàu. Cái sướng thì không ai giống ai, chớ cái khổ thì giống cả: sợ mất của, sợ già, sợ chết. Ông Cà Bi quan điểm, sướng là không nhiều tiền của, bởi “Có tiền nhiều giống như có con vợ đẹp, mắc công giữ...’’.
Mỗi khi được đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, như được sống lại với chính mình và những nơi “nhớ đầy”.