Sách: Giữa miền đất ấy

Giữa miền đất ấy
28.000
53a6e4187f8b9a77248b456c

vi
266
13 x 20,5 cm

Mô tả

Tóm tắt tác phẩm
 
Magda, cô gái đồng trinh già sống cô đơn trong trang trại bên cạnh người bố tàn bạo, thô lỗ. Bố cô dan díu với Anna - vợ của Hendrik, người làm thuê cho ông. Magda vì ghen tuông với người phụ nữ da đen đã giận dữ bắn một viên đạn vào trong căn phòng của bố. Bố cô trúng đạn và chết giữa đám chăn đệm hôi hám đầy ruồi. Magda chôn xác cha và bịt kín căn phòng. Không có tiền trả công cho Hendrik, cô bị hắn cưỡng đoạt để thỏa cơn điên giận. Sau đó, Hendrik và vợ bỏ đi, Magda còn lại một mình trong trang trại hoang tàn, chết dần đi cùng với những ảo ảnh trong nỗi cô độc.


 
Nhận định
 
Giữa miền đất ấy là một trong những ví dụ tiêu biểu cho phong cách sáng tạo hàm súc, đa nghĩa của Coetzee. Ông đã miêu tả lại nỗi cô đơn, héo mòn của một người phụ nữ giữa miền đất gần như hoang vắng và trơ trọi, một ốc đảo lặng lẽ giữa sa mạc mênh mông bằng giọng điệu đắng cay, chua xót đến mức có thể làm bạn đọc quên mất mình đang sống trong ánh sáng. Trong Giữa miền đất ấy Coetze đã phá bỏ mọi logic của suy tư, ông cũng không cần biết đến ranh giới giữa hiện thực và tưởng tượng. Nhân vật của ông, cô độc, kiêu ngạo và tự ti trong thế giới riêng, từ chối những mối quan hệ bình thường của nhân loại. Cuốn sách của ông quả thực là một khám phá về nỗi cô đơn u tối nhưng kì thú của con người.
- Nhã Nam
 
“Một câu chuyện ngụ ngôn hiện thực, khắc nghiệt, tiết độ và hấp dẫn”
- The New York Times Book Reviews
 
*****
Trích đoạn tác phẩm
 
87/ Tôi là một goá phụ mặc đồ đen, để tang tất cả những nghĩa vụ mà người ta không giao cho. Người ta bỏ mặc tôi kéo lê suốt cuộc đời lầm bụi, bị bỏ quên như một chiếc giày cũ. Tôi cố gắng làm cho tốt, thu xếp trong nhà cho gọn ghẽ, chỉ huy đầy tớ. Nhưng có một quan niệm khác hẳn về bản thân rụt rè, le lói trong cái nội tâm tăm tối: tôi là một cái bao, một cái dạ con, che chở cho cái bên trong rỗng tuếch. Sự hiện diện của tôi trên thế giới này không phải là sự hiện diện của một lưỡi dao rạch gió, cũng không phải là sự hiện diện của một tượng đài kiến trúc có mắt, theo kiểu cha tôi; nó là một cái lỗ, một cái lỗ bao quanh là một cơ thể. Với đôi chân cà kheo lủng lẳng bên trên, đôi tay xương xẩu ngọ nguậy hai bên sườn, và trên hết là một cái đầu to tướng lắc lư. Tôi là một cái lỗ khóc than vì không được đầy. Tôi biết, theo một ý nghĩa nào đấy, đó là một cách nói, một cách tự hình dung, nhưng làm sao có thể tạo nên một ảo ảnh về mình mà không dùng đến từ, đến hình ảnh? Tôi tự hình dung là một đứa con gái bằng rơm, là một con bù nhìn. Không hoàn thiện, với vẻ mặt nhăn nhó để dọa quạ. Và một chỗ hổng ở giữa trong đó lũ chuột nhắt xảo trá có thể làm tổ. Nhưng đó không phải là sự lột xác: tôi không phải không biết sinh lí cơ thể đến mức phủ nhận sự thật của hình ảnh này. Thể tạng của tôi cũng gợi cho tôi một sự tò mò nào đó. Bên cạnh những thứ khác, tôi là một thôn nữ sống giữa sự náo động thiên nhiên; giữa những gì mà sa mạc có thể gây ra để làm nên sự náo động. Tôi có ý thức rằng giữa cặp đùi có một cái lỗ mà tôi không thể lấp đầy, cũng như cái lỗ thứ hai mà nó dẫn tới. Đôi khi tôi tự thuyết phục nếu tôi là một con số không, đó là vì tôi là một người đàn bà. Cũng chẳng kém nhọc nhằn, sau những suy ngẫm có thể mang vinh dự cho nhà tư tưởng, khi đã rơi xuống bẫy thì phải chấp nhận với một người đàn ông can trường, chia sẻ những đêm dài của tôi và cho tôi những đứa con, mọi thứ có thể sẽ đâu vào đấy, khi khoẻ khoắn lại, tôi tập cười, thân hình tôi tròn trịa lên, nước da sáng ra, cái tiếng nói vẫn cư ngụ trong đầu sẽ nghẹt đi và chìm trong im lặng. Tôi không tin rằng mình sẽ thành công bằng một cuộc hôn phối quê mùa - ít nhất cũng không phải lúc này. Khó mà biết được tôi sẽ xoay sở cách nào. Tạm thời, tôi nghĩ rằng số phận mình phải cao hơn. Nếu do một phép lạ, mà một ngày đẹp trời nào đấy, một trong những người làng xóm cục mịch đến ve vãn tài sản thừa kế của tôi, với một bó hoa trên tay, thì tôi toát mồ hôi, đỏ rừ người, tôi giữ rịt căn phòng, đọc cho gã nghe những bài sonnet kinh khủng của tôi, hay lăn ra đất dưới chân gã trong một cơn động kinh. Tóm lại tôi sẽ làm tất cả để gã phải chạy trốn. Tôi tiếp tục giả định rằng chúng tôi có hàng xóm, mà không để ý rằng chẳng có dấu vết của người hàng xóm nào. Chúng tôi cũng có thể sống trên mặt trăng.
 
 
88/ Mặt khác, đôi khi trong nhiều ngày liên tiếp, tôi đánh mất đi cái ý thức rằng mình là một kẻ tốt số mà chỉ thấy mình là một cô gái già, xấu xí, mà nhờ một cuộc hôn nhân, trong mức độ nào đấy, có thể bứt ra khỏi tình trạng cô đơn hiu quạnh, bằng cách gắn với một con người cô độc khác: có lẽ tham lam hơn bình thường, ngớ ngẩn hơn, xấu mã hơn, một đám đáng buồn. Nhưng tôi có phải là một đám hấp dẫn? Tôi tự nguyện phục vụ gã như một con nô lệ đặc biệt phục tùng và, tối thứ bẩy, tôi cởi quần áo trong bóng tối - để khỏi làm cho gã sợ, tôi kích thích gã - nghệ thuật kích thích có thể học được. Tôi hướng cho gã đến cái lỗ thích hợp, một chút mỡ gà đựng trong cái lọ để ở đầu giường có thể giúp việc thâm nhập được dễ dàng, tôi chịu đựng hơi thở hổn hển và những cố gắng của gã, và tinh dịch của gã tràn trề trong tôi. Lúc đó tôi chỉ còn nghe gã ngáy cho đến lúc tôi thiếp ngủ. Tôi cố gắng bù đắp cái thiếu kinh nghiệm của mình bằng sức mạnh của ảo tưởng. Nếu sự mô tả quan hệ giữa đàn ông và đàn bà trên đây không chính xác, thật ra nó cũng gần như thế. Tôi có thể tưởng tượng sau nhiều tuần trăng, tôi có mang - tuy nhiên tôi không ngạc nhiên nếu mình vô sinh; tôi giống như ý nghĩ của mọi người về người đàn bà vô sinh. Bẩy hay tám tháng sau, tôi đẻ mà không có bà đỡ, người chồng say như chết, nằm ở phòng bên cạnh. Tôi cắn đứt cuống nhau bằng răng. Tôi ôm sát vào bộ ngực dẹt dơ xương của mình khuôn mặt xanh xao của đứa trẻ sơ sinh. Sau mười năm nuôi nấng, kiêng gió kiêng máy, dưới nách tôi là một mẫu cố đạo ốm yếu, giống tôi như lột, cau có dưới ánh mặt trời, chuyệnh choạng vấp ngã, cũng mặc áo choàng xanh, giày đen mũi vuông; rồi sau mười năm nữa, phải nghe tiếng la hét và chịu đựng những cào cấu của chúng, tôi lần lượt ném chúng vào đời để chúng tự xoay xở như những đứa con gái vô duyên, sống trong những quán trọ, làm việc ở một bưu cục và đẻ ra những đứa con hoang như con chuột, lại trở về trang trại để tìm thấy ở đây một thánh địa.
 
 
89/ Là một kẻ tốt số, với tôi có nghĩa không buộc phải sắm vai trong vở hài kịch điền viên mà tôi vừa gợi ra, là không phải giải thích thân phận mình bằng sự nghèo khổ, suy tàn, đờ đẫn, lười biếng. Tôi muốn lịch sử của tôi, có khởi đầu, có kết thúc, thay vì cái bụng mềm oặt mà tôi ấn mình trong đó, hoặc tôi là kẻ đồng lõa của những mối tình thoáng qua của cha tôi, trong khi chờ đợi thời kỳ lão suy của ông, hoặc một gã si tình nào đấy trong làng sẽ dắt tôi đến trước bàn thờ. Mở ra cho tôi triển vọng duy nhất: cái chết già của một bà lão teo quắt trên chiếc ghế xích đu. Tôi không được ngủ giữa đường đời. Tôi phải nhặt nhạnh trong không gian ảm đạm quanh tôi, từng sự kiện nhỏ nhặt có thể giữ tôi lại với cuộc sống. Những mẩu chuyện quá khứ người ta thêu dệt trong những đầu óc mê muội không hợp với tôi. Đời tôi không tương hợp với quá khứ. Nghệ thuật của tôi không thể là nghệ thuật của ký ức. Cái gì sẽ đến với tôi chưa đến. Tôi là một cái đốm mù loà, mắt mở to, lao vào cái mõm rộng ngoác của tương lai. Mật hiệu là: "Và bây giờ thì sao?" Nếu cuộc chạy của tôi đến tương lai chẳng rõ ràng thì bởi vì tôi la cà một lát nơi ngôi nhà vắng vẻ, trong cảm giác yên ổn vững lòng. Mặt trời lấp lánh trên những đồ đồng, nhưng nó đã từng lấp lánh rất lâu trước khi tôi ra đời. Tôi sẽ tự chối bỏ mình khi cứ vô cảm trước những cám dỗ của ngôi nhà bằng đá mát mẻ, trước những thói quen cũ tiện lợi, trước ngôn ngữ cổ xưa, phong kiến. Mặc dù bộ quần áo đen tôi mặc, con tim bằng thép của tôi (hay bằng đá? Thật khó nói vì thời gian đã xa quá). Có lẽ tôi là người bảo thủ hơn là kẻ phá hoại: cơn điên giận của tôi đối với cha, có lẽ đơn giản là chống lại những vi phạm ngôn ngữ cổ xưa, thứ ngôn ngữ đúng đắn, mỗi khi ông trao đổi những nụ hôn hay những lời đường mật với người con gái, mới hôm qua thôi còn kỳ cọ nền nhà, và hôm nay lẽ ra phải lau cửa kính.
 
 
90/ Nhưng cái đó chỉ là lí thuyết, như nhiều thứ làm nên tính cách của tôi. Chẳng có lý gì mà tôi lại khăng khăng hình dung mình là một nữ anh hùng trả thù cho những tập quán cổ xưa, mắt quắc lên, gươm tuốt trần. Cáo mượn oai hùm. Tôi đã đọc trong một cuốn sách: con ốc trú nhờ hết từ vỏ này đến vỏ khác, mỗi khi nó lớn lên. Nhà luân lý nghiêm khắc có lưỡi gươm lửa chỉ là một bước tạm dừng, còn tạm hơn khoảng thời gian người vợ nhớn nhác ngồi đan trên hàng hiên và tạm hơn nữa những lúc người con gái lạc lõng đi dưới mặt trời ban trưa, trò chuyện với bạn bè sâu bọ, đó dẫu sao cũng chỉ là một giai đoạn. Cái vỏ ốc tôi mượn làm nơi trú ngụ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu nếu con ốc đã chết, quan trọng là thân xác lo âu và yếu đuối của tôi tìm được chỗ trú ẩn trước các hiểm nguy nơi sâu thẳm: bạch tuộc, cá mập, cá voi, và những con vật khác có thể lại xuất hiện từ cái vỏ náu hình. Tôi không biết các đại dương, nhưng tôi tự hứa khi nào trở thành góa phụ hay một gái già giàu có, tôi sẽ mang bánh kẹp trong giỏ, tiền trong ví, tôi sẽ lên tàu và nói với người kiểm soát vé rằng tôi muốn thấy biển; điều đó sẽ cho bạn một ý niệm về sự ngây thơ của tôi. Tôi bỏ giày, đi trên cát lạo xạo. Tôi tự hỏi về hàng nghìn con vật nhỏ chết. Tôi kéo cao váy lên, lao vào vùng nước sâu. Một con cua cắp tôi - một con ốc mượn hồn, sự liên tưởng vĩ đại, tôi nhìn chân trời, thở dài trước cảnh mênh mông, tôi ăn bánh kẹp, hơi có vị bột chua, mứt vả xanh, tôi suy ngẫm về sự vô nghĩa của mình. Rồi nguôi dịu, trầm tư, tôi lên tàu về nhà. Ngồi trên hiên, tôi ngắm cảnh mặt trời lặn đỏ ối pha mầu son, mầu hồng, mầu tím, mầu cam, mầu đỏ máu, tôi thở dài, cúi đầu, rơi lệ, những giọt nước mắt hoàng hôn, khóc cho chính mình, khóc cho cuộc đời mà tôi chưa hề sống, cho niềm vui và thiện ý tốt đẹp của một tấm thân từ nay đã thành cát bụi, khô héo, mạch đập chậm dần. Tôi rời ghế, lê vào phòng. Tôi cởi quần áo trong ánh ngày cuối cùng để tiết kiệm dầu, thở dài rồi lại thở dài, chẳng bao lâu tôi ngủ thiếp. Tôi mơ thấy một hòn đá, một hòn cuội trên bãi biển, dải cát hướng lên trời xanh, thanh bình, những con sóng liếm bờ cát. Nhưng không biết là có đúng tôi mơ như thế không, vì khi gà gáy sáng thì tôi không còn nhớ gì các sự kiện ban đêm nữa, như biển rút khỏi bờ. Có lẽ tôi chẳng ngủ gì cả: những quả vả tẩm đường ngọt quá khiến tôi đau răng. Tôi trằn trọc trên giường. ở đây chúng tôi không giữ vệ sinh, miệng hôi, và hậu quả không tránh được là răng sâu, chúng tôi không biết chữa cách nào, rút cục phải đi đến biện pháp cực đoan là dùng kìm của thợ đóng móng ngựa, hoặc đốt bằng dầu đinh hương hoặc nữa là chảy nước mắt. Cho đến nay tôi vẫn tránh khóc, nhưng tất cả mọi sự đều có một thời điểm, một nơi chốn của mình. Một ngày nào đó chắc chắn tôi sẽ đến đấy, khi tôi chỉ có một mình, họ đã bỏ trang trại đi hết, Hendrik và vợ, Anna và Fakob, cha và mẹ tôi, những đứa cháu mặt chuột. Tôi có thể không ngại đi dạo trong nhà, mặc áo lót ra sân, ra bãi chăn, đến tận đồi; lúc đó sẽ là lúc để khóc, để rứt tóc, nghiến răng mà không sợ ai bắt gặp và trừng phạt, không cảm thấy mình phải gìn giữ bề ngoài. Đó sẽ là lúc để thử thách lá phổi - tôi chưa từng thử thách khả năng của nó - để làm cho những quả đồi, cả cánh đồng, vang lên tiếng hét, tiếng than, tiếng rên la. Biết đâu đó cũng sẽ là lúc xé tan quần áo cũ của tôi, chất đống trước nhà, quần áo, đồ dùng nội thất, những bức tranh, nơi đó cha tôi, mẹ tôi, người anh chết sớm của tôi, co rúm lại trong lửa, giữa những khăn lót bằng đăng-ten, trong tiếng kêu vui man dại của tôi khi trông thấy trời đêm cháy rực lên, có thể tôi còn đem những cành củi cháy vào nhà, đốt chăn, nệm, tủ, lớp phủ trần, tầng thượng đầy hòm chứa kỷ vật. Cho đến khi hàng xóm thấy cột lửa bốc cao phía chân trời, chạy đến lôi tôi ra chỗ an toàn - mụ già lẩm cẩm, quàng quạc, hành động vì muốn được mọi người chú ý.
 



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận