Tên sách: Kỷ yếu Hội thảo - Về bản sắc văn hoá Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ XX
Đơn vị tổ chức Hội thảo: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật & NXB Tri thức
Hội đồng biên soạn: Lại Nguyên Ân, Nguyễn Quân, Bùi Như Hương, Phạm Trung
Khổ sách: 18x24 cm
Số trang: 280 trang
Giá bìa: 89 000 đồng
Loại bìa: Mềm
Thời gian xuất bản: Tháng 12/2010
Giới thiệu sách
Đây là tập hợp những tham luận, những ý kiến có giá trị được chọn lọc từ hội thảo “Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học – nghệ thuật thế kỷ XX” do Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Tri thức đồng tổ chức ngày 23 tháng 9 năm 2010 tại Hà Nội. Cuốn sách không có tham vọng nói về một Thăng Long – Hà Nội xa xưa 1000 năm văn hiến mà chỉ muốn tập trung đi tìm một mẫu số chung cụ thể nhất tạo nên bản sắc văn hóa của Hà Nội ở thế kỷ 20, thế kỷ gần đây nhất, sinh động nhất thông qua 3 thời kỳ: 1900-1945; 1945-1975; Từ Đổi mới 1986.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
…khi đến một thành phố nào đó, ta thường tìm kiếm một tâm hồn…
Marcel Proust, Nữ tù nhân
Hà Nội là một thành phố đa dạng. Sự đa dạng này được tạo nên qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, bởi nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Hà Nội của cách mạng, của buôn bán phố phường; Hà Nội của thơ ca, hội họa; Hà Nội của phố thị, của đôi quang gánh, của làng quê. Tâm hồn của thành phố nằm ở đâu đó, dường như rất rõ ràng mà lại khó nắm bắt – như không tồn tại. Bản sắc của thành phố cũng giống như tâm hồn của nó ở đặc tính mơ hồ, khó nắm bắt mà lại rõ ràng, như đời sống hằng ngày trên phố, như tiếng rao buổi trưa hè.
Bản sắc của văn hóa Hà Nội qua văn học nghệ thuật thế kỷ XX là gì?, nằm ở đâu? là câu hỏi đề dẫn cho tập sách này. Đây là tập hợp những tham luận, những ý kiến có giá trị được chọn lọc từ hội thảo “Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học – nghệ thuật thế kỷ XX” do Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Tri thức đồng tổ chức ngày 23 tháng 9 năm 2010 tại Hà Nội. Phần I của cuốn sách là những bài viết, xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ nghiên cứu sử học, nghiên cứu văn bản học, mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc… về những góc văn học – nghệ thuật Hà Nội thế kỷ XX. Phần II của cuốn sách là những ý kiến đa chiều được phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Phần III là một nghiên cứu xã hội học về cách hưởng thụ văn hóa của những chủ nhân của thành phố 1000 năm. Phần IV là những sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ Hà Nội trong thế kỷ XX.
Công trình này như một nỗ lực nhằm truy tầm cái mơ hồ là bản sắc ấy bởi như Amartya Sen, kinh tế gia đoạt giải Nobel có viết: “Ý thức về bản sắc có thể không chỉ là nguyên do cho niềm kiêu hãnh và vui sướng, mà còn là nguồn cho sức mạnh và sự tự tin.”[1] Nhận biết được bản sắc 100 năm của thế kỷ XX, trong lịch sử 1000 năm của thành phố là một công việc khó khăn, nhưng tốt đẹp biết bao nếu nó đem lại sự tự tin và nguồn sức mạnh cho cả một cộng đồng trong 100 năm, 1000 năm tiếp theo.
Cuốn sách được Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức bản thảo. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả trong nước và quốc tế đã nghiêm túc đóng góp ý kiến, quan điểm của mình, cảm ơn các dịch giả đã giúp truyền tải nội dung những bài viết xác đáng của các học giả nước ngoài sang tiếng Việt với văn phong trong sáng.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này!
Nhà xuất bản Tri thức
LỜI GIỚI THIỆU
Khi nói đến Thủ đô, ai cũng sẽ nghĩ đó là trung tâm của một đất nước mà ở đó thu hút mọi người khắp nơi về sinh sống và có điều kiện thể hiện khả năng của mình nhất. Ai đã từng đến Thủ đô Hà Nội đều có thể nhận thấy ở nơi đây vừa có nhiều nét văn hóa chung của các vùng miền, vừa có những nét văn hóa rất riêng của người Hà thành.
Hà Nội với một phong cảnh thiên nhiên ưu đãi, có sông, có núi, có hồ, có cây cối phong phú đa dạng, khí hậu bốn mùa thay đổi đã tạo cho con người sống ở đây hay từ nơi khác đến, cũng phải xao lòng bởi cảnh sắc của nó. Không đâu có mùa thu như mùa thu Hà Nội. Sương khói bảng lảng mong manh của mùa thu trên mặt hồ Gươm hay mặt hồ Tây kèm theo cái lạnh se lòng của gió thu mơn trớn lòng người khiến cho bao nghệ sĩ phải thốt nên những câu thơ, viết nên những nốt nhạc đẹp, ca ngợi những hàng cây, góc phố, những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” của Hà Nội. Cũng chính những mầu sắc của thiên nhiên, của đời sống văn hóa người Hà Nội, đã làm cho nhiều họa sĩ đến từ các vùng quê khác phải thay đổi quan niệm thẩm mỹ của mình và cũng phải khẳng định rằng chỉ có Hà Nội mới hợp với chất của họ trong khi sáng tác. Hà Nội cổ kính với những mảng tường rêu phong, những mái ngói thâm nâu, những quán cà phê có hương vị riêng của người Hà Nội là đề tài cho bao bức tranh đẹp về mảnh đất yêu kiều. Tạo nên một phong cách riêng Hà Nội.
Thật thú vị khi cây hoa sữa được đưa từ xứ nhiệt đới về để trồng ở phố Hà Nội, đến nay ai xa Thủ đô đều nhớ mùi hương của nó, mùi hương lãng mạn, nồng nàn làm nao lòng bao đôi trai gái và cũng làm cho bao nghệ sĩ rung động sáng tác nên những tác phẩm rất Hà Nội. Hoa sữa trở thành hình tượng nghệ thuật trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, rõ ràng nghệ sĩ đã làm cho hương hoa sữa trở thành nét đặc trưng văn hóa của Hà Nội.
Hà Nội là trung tâm giao lưu của các nền văn hóa, tiếp nhận tinh hoa văn hóa từ mọi nơi và lan tỏa ngược lại. Không khí chợ đêm trung thu với những đèn ông sao, những ông tiến sĩ giấy, những con thiềm thừ, cá chép, đèn ông sư…phản ánh phần nào hình ảnh của những làng nghề từ các vùng quê, nhưng chỉ có chợ đêm trung thu Hà Nội mới đặc biệt, vừa là đi chơi chợ, sắm quà, vừa rước đèn, múa sư tử, tạo nên một bản sắc rất riêng biệt của Thăng Long. Đây cũng là hình ảnh và mầu sắc đem lại cho nhiều nghệ sĩ cảm hứng sáng tác, từ những tác phẩm của họ lại phản ánh rõ nét hơn bản sắc văn hóa Hà Nội.
Hà Nội là mảnh đất gắn bó với nhiều thế hệ, những nét kiến trúc xưa, những dấu tích trên mỗi mảng tường, góc phố, ô cửa, trên những hàng cây, cột điện, những chiếc xe xích lô lăn nhẹ bánh qua từng phố nhỏ, đưa du khách thưởng ngoạn nét đẹp của 36 phố phường, đã làm cho bao nghệ sĩ bâng khuâng, rung động mà làm nên những bức tranh phố xao xuyến lòng người. Bản sắc văn hóa Hà Nội được ghi dấu trên những bảng mầu, trên từng nét vẽ, trên những mảng tường, mái ngói…
Thế kỷ 20, Hà Nội là nơi tiếp nhận sớm luồng gió văn minh từ phương Tây với những tư tưởng mới, những cách sống mới đã làm thay đổi một phần nào văn hóa người Hà Nội. Người nghệ sĩ Hà Nội tiếp thu những kiến thức nghệ thuật phương Tây, nhưng với tình yêu nước và tài năng của con người Việt Nam đã làm cho nghệ thuật có nhiều nét khác lạ, nhưng vẫn mang hồn của nghệ thuật dân tộc. Sự kết hợp khéo léo cộng với tài năng của nghệ sĩ đã tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội qua những sáng tác của họ. Từ khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, bằng tài năng của mình, nghệ sĩ Việt Nam đã làm nên thể loại tranh sơn mài Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Không thể không nhắc đến bản sắc văn hóa Hà Nội khi xem những bức tranh sơn mài vẽ về Hà Nội.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng long, người Hà Nội đã không biết bao lần để Thăng Long bỏ ngỏ, giữ cho Thủ đô luôn mãi vẻ đẹp thanh bình. Nhưng một khi cần, người Thăng Long Hà Nội cũng sẵn sàng hy sinh cả những nét thiêng liêng, hy sinh cả những cái cao quí nhất để bảo vệ thủ đô. Người Hà Nội anh hùng, sẵn sàng “ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã trở thành hình tượng trong văn thơ, nhạc, họa, phim ảnh…Bản sắc văn hóa người Hà Nội không chỉ thanh lịch hào hoa, mà còn giàu lòng yêu nước. Bản anh hùng ca Hà Nội còn vang mãi đến ngày hôm nay.
Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, không đâu có nhiều bảo tàng, nhiều trường đại học, nhiều các trung tâm văn hóa nước ngoài như ở Hà Nội. Tại những nơi này, người ta có thể trưng bày, biểu diễn, thể nghiệm những ý tưởng nghệ thuật với công chúng, với bạn bè quốc tế. Qua những cuộc trưng bày biểu diễn, giao lưu, người ta nhận rõ bản sắc văn hóa của mình hơn, tiếp nhận và làm giầu thêm bản sắc văn hóa của người Thủ đô.
Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, dân số ngày một đông, người dân từ nhiều vùng đổ về, các công trình kiến trúc pha tạp, giao thông chen chúc, văn hóa du nhập, pha trộn lẫn lộn, nghệ thuật cũng có nhiều sự thay đổi. Có những mặt được và chưa được cũng cần phải có thời gian để kiểm chứng. Tuy vậy Hà Nội vẫn luôn khẳng định một vị thế của vùng đất trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Trong những ca khúc, ngợi ca Hà Nội hôm nay vẫn còn phảng phất đâu đây nhịp phách ca trù – một loại hình sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội. Những bức tranh trong nghệ thuật của các nghệ sĩ đương đại vẫn còn toát lên bao sắc mầu của tranh Hàng Trống. Bản sắc văn hóa Hà Nội không chỉ thể hiện ở những hình ảnh, những hình tượng trong văn thơ nhạc họa, mà còn ở tinh thần, tình cảm, ngôn ngữ của các tác phẩm và phong cách của các tác giả, các nghệ sĩ.
Trong không khí của mùa thu Hà Nội, chúng tôi rất vui mừng được đón các Quí vị, các thầy, các cô và các bạn đến dự hội thảo: Về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ 20.
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam- Viện Mỹ thuật cùng Nhà xuất bản Tri thức cùng chung một ý tưởng đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học này. Chúng tôi không có tham vọng nói về một Thăng Long – Hà Nội xa xưa 1000 năm văn hiến mà chỉ muốn tập trung đi tìm một mẫu số chung cụ thể nhất tạo nên bản sắc văn hóa của Hà Nội ở thế kỷ 20, thế kỷ gần đây nhất, sinh động nhất thông qua 3 thời kỳ:
- Thời kỳ trước cách mạng 1900 – 1945 với mỹ thuật Đông Dương, kiến trúc thuộc địa, tân nhạc, văn thơ mới…
- Thời kỳ chiến tranh cách mạng 1945 – 1975 với nền văn học cách mạng.
- Thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập Quốc tế sau 1986 với văn nghệ đổi mới. Hy vọng thông qua các tham luận và trao đổi của các nhà khoa học, các giáo sư, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, và các bạn sẽ làm rõ hơn về bản sắc văn hóa Hà Nội, đem lại một cái nhìn nghiên cứu có tính đa chiều, phong phú về bản sắc văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật.
Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của quỹ văn hóa Phan Chu Trinh, Trung tâm nghệ thuật Việt, Công ty Cà phê Nola.
Xin cảm tất cả các quí vị.
Hiệu trưởng trường Đại học mỹ thuật Việt Nam
Viện trưởng Viện Mỹ thuật
PGS.NGND. Họa sĩ Lê Anh Vân
Mục lục
Lời giới thiệu
Lời mở đầu
PHẦN I: CÁC BÀI THAM LUẬN
- Đào Hùng: Nghĩ về lối sống người Hà Nội thời thuộc địa
- Trịnh Lữ: Bản sắc cũng phong trần như lịch sử
- Nguyễn Quân: Đặc trưng Văn hóa Thăng Long - Hà Nội
- Hoàng Đạo Kính: Hà Nội cũ và Hà Nội mới
- Tôn Đại: Bản sắc kiến trúc Hà Nội thế kỷ XX
- Lại Nguyên Ân: Vai trò của Hà Nội trong sự phát triển của chữ quốc ngữ, báochí và văn học Việt Nam thời hiện đại (nửa đầu thế kỷ XX).
- Bùi Trọng Hiền: Thăng Long - Hà Nội, nơi cổ nhạc hội tụ và kết tinh
- Nguyễn Thị Minh Châu: Có một Hà Nội trong âm nhạc
- Bùi Như Hương: Có một Hà Nội cổ điển và lãng mạn
- Ngô Tuấn Phong: Ảo ảnh khúc xạ
- Phoebe Scott: Nghệ thuật Hà Nội thời thực dân: Sự tổng hòa được gợi hứng
- Nguyễn Đình Đăng: Đi tìm một phong cách Hà Nội trong hội họa
- Vũ Huyên: Bản sắc riêng biệt của Mỹ thuật Hà Nội hiện nay là gì?
- Phan Bảo: Tranh Bùi Xuân Phái và bản sắc văn hóa Kẻ chợ của Hà Nội
- Phạm Trung: Bản sắc Hà Nội, như là kết tinh giá trị văn hóa của các cá nhân đặc sắc (Qua trường hợp họa sĩ Nguyễn Sáng)
- Natalia Kraevskaya: Nghệ thuật và thành phố - Chân dung Hà Nội trong mắt nghệ sĩ Việt Nam
- Nguyễn Trương Quý: Cái chết và sự thay thế của một “Gu Hà Nội”
PHẦN II: MỘT SỐ Ý KIẾN TẠI HỘI THẢO
- Trần Thanh Vân: Hà Nội đẹp vì Hà Nội có linh hồn
- Hoàng Ngọc Hiến: Cứ vài ba năm, người Hà nội lại sáng tạo ra một từ mới...
- Lê Huy Tiếp
- Vân Thuyết
- Nguyễn Hào Hải
- Nguyễn Xuân Diện
PHẦN III: THAM KHẢO
Nguyễn Đình Tấn & Đỗ Văn Quân: Phân tầng xã hội về hưởng thụ văn hóa tinh thần ở Hà Nội hiện nay
PHẦN IV: ẢNH MINH HỌA
Một số hình ảnh Hà Nội qua dòng chảy lịch sử
Một số tác phẩm thị giác
[1] A. Sen, Bản sắc và bạo lực, Lê Tuấn Huy dịch, NXB Tri thức, 2011.