Không biết đã có bao nhiêu bậc phụ huynh chỉ vì chuyện cho con đi học mẫu giáo mà phải cảm thấy đau đầu, lo lắng và bận tâm. Đầu tiên họ không ngừng nghe ngóng xem trường mẫu giáo nào mới thích hợp với con, trường mầm non kiểu truyền thống tốt hơn hay trường mầm non kiểu thực nghiệm tốt hơn. Trường công lập tốt hơn hay trường dân lập tốt hơn. Trường ở gần nhà nhưng lại không có tiếng tăm, trường cách xa nhà thì sợ trẻ đi lại vất vả. Đến khi khó khăn lắm mới tìm được một ngôi trường để gửi con đi học, lại sợ môi trường sống của trẻ bị thay đổi đột ngột, khiến trẻ cảm thấy lạ lẫm và khó thích ứng. Từ trước đến nay trẻ chưa từng sống xa cha mẹ, bây giờ đi học mẫu giáo con sẽ ăn thế nào? Ngủ ra sao? Nếu gặp khó khăn có thể chịu được không? Con có biết nhờ cô giáo giúp đỡ không? Sao con có thể trải qua một ngày dài như vậy chứ? Các giáo viên có chăm sóc tốt không? Ở nhà trẻ con có bị bắt nạt không? Có bị giáo viên trách phạt không? Nếu gặp vấn đề thì con phải làm thế nào? Ngộ nhỡ không hợp với giáo viên, cha mẹ lại tiếp tục tính toán, suy nghĩ xem làm thế nào để chuyển trường cho con, và chuyển đến trường nào? Một lần nữa họ lại bị rơi vào tình cảnh lo âu, phiền phức, thật đúng là ăn không ngon ngủ không yên.
Lẽ nào những đứa trẻ của chúng ta không thể không đi học mẫu giáo sao? Chúng ta nên lựa chọn ngôi trường như thế nào cho trẻ? Lúc trẻ đi học chúng ta cần giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn khi mới bước chân vào môi trường mầm non như thế nào? Khi nghe thấy những chuyện kinh khủng, đáng sợ xảy ra ở các trường mầm non, chúng ta nên làm gì để có thể yên tâm gửi gắm con mình đi học?
Có rất rất nhiều gia đình phải trải qua cả niềm vui lẫn nỗi buồn khi cho con đi học mẫu giáo, trong đó những vấn đề mà mỗi một gia đình gặp phải có thể giống hoặc khác nhau. Vì vậy lựa chọn trường mầm non như thế nào, tuy không phải là chuyện quan trọng nhất đối với cả cuộc đời trẻ, nhưng cũng tuyệt đối không phải là chuyện nhỏ. Làm thế nào để trẻ xây dựng được nhân cách lành mạnh, rèn luyện được khả năng tập trung lâu dài, bồi dưỡng những năng lực mang tính xã hội tốt ngay từ những năm đầu đời, để tương lai có thể trở thành một cá nhân ưu tú, xây dựng được tính tự lập, lòng tự tin và tính tự tôn, tất cả những điều này đều liên quan đặc biệt đến giai đoạn đi học mẫu giáo của trẻ.” (Lý Diệu Nhi)
Bạn đã đang và sẽ là những bậc cha mẹ. Nếu bạn cũng mang trong mình những băn khoăn kể trên trong việc lựa chọn trường học đầu đời cho thiên thần nhỏ của mình, cuốn sách “Khi trẻ đi mẫu giáo” sẽ giúp bạn tìm ra một hướng lựa chọn phù hợp nhất. Không giống như những cuốn sách dạy kỹ năng thông thường “Khi trẻ đi mẫu giáo” truyền tải nội dung của nó thông qua lời tâm sự của một bà mẹ, kết hợp với lời khuyên của tác giả sau mỗi tình hướng xảy ra. Điều này đem đến một góc nhìn gần gũi, chân thành với người đọc. Đối với tác giả Lý Diệu Nhi, thành công lớn nhất mà cuốn sách của bà có thể đem lại là giúp các bậc phụ huynh “xóa bớt được những lo lắng, ưu phiền” và “nhận ra được làm thế nào để trẻ có được sự phát triển toàn diện, lành mạnh”.
Về tác giả
Tác giả Lý Diệu Nhi - một chuyên gia giáo dục trẻ em nổi tiếng, đồng thời là người sáng lập ra trường mầm non “Ba Học Viên Lý Diệu Nhi” hay còn gọi là trường “Ba Học Viên”. Các tác phẩm khác cùng thể loại như: “Ai là người cướp mất hạnh phúc của trẻ”, “Ai là người hiểu sai hành vi của trẻ”, “Ai là người biết rõ bí mật phát triển của trẻ”…
Trích đoạn
Ôn Na lên mạng và tìm đọc rất nhiều bài viết giới thiệu về các trường mẫu giáo, rồi cô quyết định đọc bài giới thiệu về một trường mầm non nước ngoài trước vì nghĩ rằng một quốc gia có nền kinh tế phát triển thì chắc chắn nền giáo dục cũng có sự tiến bộ tương đồng. Cô cho rằng tìm hiểu về môi trường giáo dục mầm non nước ngoài, sau đó so sánh với môi trường mầm non trong nước cũng là một cách hay.
Quãng thời gian học mẫu giáo của trẻ em Đức là gần 4000 giờ. Trong ba năm đó, giáo viên sẽ cho bọn trẻ ngồi xe điện, học cách ghi nhớ đường về nhà; tham quan Sở cảnh sát, học cách trình báo cảnh sát, học cách xử lý tình huống khi gặp phải người xấu; tham quan Sở phòng cháy chữa cháy, cùng các chú lính cứu hỏa học một số kiến thức cơ bản về cách phòng cháy, chữa cháy, cách tránh lửa; tham quan Bưu điện, tìm hiểu cách chuyển thư từ nhà đến Bưu điện và từ Bưu điện chuyển đi nơi khác; tham quan Tòa thị chính thành phố, để biết ngài thị trưởng lãnh đạo thành phố trông như thế nào. Các giáo viên còn hướng dẫn bọn trẻ mang theo tiền để học cách mua bán, học cách phân biệt sự khác nhau giữa thị trường tự do và cửa hàng.
Bọn trẻ còn được dẫn đến các khu vườn sinh thái, được tham gia trồng cây, được học cách nhận biết các loại cây, loại hoa. Đến mùa thu hoạch bí ngô, giáo viên sẽ dạy bọn trẻ làm súp bí ngô.
Ngoài những địa điểm trên, trẻ em ở Đức khi đi học mẫu giáo còn được tham quan trường đua ngựa, rạp hát thiếu nhi và xem ảo thuật, được dẫn vào thư viện để học cách mượn sách, trả sách.
Trong khi đó, các trường mầm non ở Mỹ thường dạy bọn trẻ nhận biết các con số, họ dùng những đồ vật cụ thể như viên bi, que tính để biểu đạt những khái niệm số học trừu tượng; bọn trẻ được nhận biết hai mươi sáu chữ cái Latinh, phân biệt nguyên âm và phụ âm; phân biệt nghề nghiệp khác nhau của mọi người để xem họ làm gì, ví dụ như bác sĩ, giáo sư, người đưa thư, cảnh sát, lính cứu hỏa; được tìm hiểu quá trình diễn biến của sinh vật, bao gồm cả quá trình sống của con người, hoặc quá trình sâu biến thành bướm; được học địa lý bằng bản đồ, quả địa cầu, tìm hiểu trên trái đất có bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu quốc gia, sự khác biệt giữa các màu da; được dạy về các quy luật tự nhiên trong xã hội như con người phải có nhà ở, trẻ em phải được đi học, người lớn phải đi làm.
Ôn Na tìm đọc tất cả những nội dung đó, cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ các phương pháp giáo dục mầm non ở nước ngoài, trong khi đó con gái cô dù đã hơn hai tuổi nhưng chưa biết gì nhiều, lúc nào cũng dựa dẫm, làm nũng với cha mẹ. Nếu như có thể tìm được một ngôi trường mầm non giống như ở Đức hoặc ở Mỹ, nhất định cô sẽ cho Tiểu Tây vào đó học.
Ôn Na đọc thêm bài viết của một bà mẹ giới thiệu về môi trường mầm non ở Mỹ. Bà mẹ đó nói rằng hệ thống các trường mầm non ở đây rất đa dạng, có trường với quy mô lớn toàn liên bang, trường mầm non Montessori, trường mầm non tư thục, trường mầm non giáo hội, trường mầm non gia đình… ở mỗi một nơi lại có những đặc điểm khác nhau.
Xem ra, bất luận là trường mầm non trong nước hay trường mầm non nước ngoài đều có rất nhiều đặc điểm đa dạng, không thể tổng quát chung chung được. Nhưng vấn đề cho trẻ đi học mẫu giáo thực sự là chuyện khiến cho không ít các gia đình phải lo lắng, bận tâm, lẽ nào chọn trường mầm non lại khó khăn đúng như một số bà mẹ khác đã nói sao?
Lời khuyên của Lý Diệu Nhi
Thực ra không có loại hình giáo dục nào là hoàn hảo tuyệt đối, hầu hết các trường mầm non bên nước ngoài đều xây dựng dựa trên cơ sở phát triển tâm lý học của trẻ, và đã có lịch sử hơn trăm năm. Còn những trường mầm non trong nước mặc dù đã có quy định của “Cương yếu mầm non quốc gia”, nhưng đại đa số vẫn chịu ảnh hưởng từ hình thức giáo dục thử nghiệm, và các phương pháp thử nghiệm này được sử dụng bắt đầu từ trường mầm non. Các bậc phụ huynh có thể thông qua việc tìm hiểu một số trường mầm non nước ngoài, để biết thêm các phương pháp giáo dục mầm non khác nhau.
Các phương pháp giáo dục mầm non hoàn toàn không giống nhau, do đó sẽ nảy sinh ra những tính cách, đặc điểm khác nhau, nên khuynh hướng năng lực của trẻ trong tương lai cũng không giống nhau. Phụ huynh cần phải có một mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho con cái. Có rất nhiều cha mẹ nói rằng, chỉ cần con mình đi học cảm thấy vui vẻ là được. Nhưng sự phát triển của trẻ rất cần sự giúp đỡ từ người lớn chúng ta, còn niềm vui dù có nhiều đến mấy cũng không thể bằng sự hỗ trợ kịp thời khi trẻ cần, không thể bằng sự phát triển tốt mà trẻ sẽ có được khi đi học mẫu giáo. Trong lúc những lý luận giáo dục giữa các trường mầm non trong nước còn chưa thống nhất, thì việc lựa chọn một ngôi trường phù hợp với sự phát triển của trẻ vẫn là điều rất cần thiết.