KAHLIL GIBRAN, tác giả cuốn Ngôn sứ (The Prophet - Kẻ tiên tri), một danh tác được đón nhận nồng nhiệt từ thế kỷ 20 tới nay, là triết gia hiện sinh hữu thần, họa sĩ thần bí, văn thi sĩ với ngữ điệu rao giảng và chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo.
Thâm tâm ông tin mình là ngôn sứ có nghĩa vụ nhắc nhở loài người bức thông điệp của Thượng đế rằng chúng ta xuất hiện giữa đời chính là để sống tử tế với nhau, đồng thời ông không ngần ngại xem mình như một trong những trung gian giữa loài người và trời cao.
Đối với Gibran, cuộc đời sẽ ngày càng tươi đẹp hơn nếu con người sống nhạy cảm, chung tay xây dựng trần gian dưới ánh sáng Chân Thiện Mỹ. Giữa cõi thế tích cực ấy, mọi người đối đãi với nhau trong yêu thương, an hòa, đúng với quả vị anh chị em của nhau vì mỗi người đều có thiêng liêng tính, mang hình ảnh của Thượng đế, và từ tâm là chiếc bóng của Thượng đế trong mỗi người.
Trên cuộc hành trình đó, con người xua tan mây mù mông muội, làm sáng tỏ và củng cố tinh thần của mỗi người, phát triển tâm linh, cái được hiểu là trí huệ bát nhã của tâm trí, hay nói theo thuật ngữ Nho giáo: “minh minh đức: làm sáng cái đức sáng”. Toàn mãn tâm linh là thành quả của hiểu biết, nếm trải, nhạy cảm và chiêm nghiệm. Nó là linh mẫn nội quan nhìn tận chiều sâu tâm thức của con người và nhìn thấu suốt những hình tướng của cuộc đời. Nó là nội lực giữ con người vững vàng ứng xử với mọi vấn đề vật chất và tinh thần đang lay động con người như một toàn bộ. Cơ bản, nó là sự xác tín nội tại, vượt lên trên các niềm tin đến từ bên ngoài, những tập quán thâm căn, những thành kiến cố đế, nghĩa là những vô minh và nọa tính sở dĩ đeo bám ta do bởi con người yếu đuối của ta bị môi trường sống điều kiện hóa.
Cuốn Mây trên đỉnh núi có nguyên văn bằng tiếng A Rập: Kalimàt Jubràn xuất bản tại Cairo Ai Cập năm 1927. Bản chuyển ngữ này dựa theo bản tiếng Anh Spiritual Sayings of Kahlil Gibran (Châm ngôn tâm linh của Kahlil Gibran) do Anthony R. Ferris dịch và xuất bản lần đầu năm 1962 tại Hoa Kỳ, như một biểu lộ lòng tôn kính Gibran mà các tác phẩm của ông làm phong phú đời sống tâm linh của nhiều thế hệ.
Mây trên đỉnh núi xuất hiện như một sự kiện đáng hoan nghênh, không chỉ vì bút pháp thi vị mà còn vì những châu ngọc minh triết trong đó vẫn khả thi, một cách đáng kinh ngạc, trong diễn tiến cứu chữa bệnh tật của thời đại.
Thêm nữa, trong những lời của Kahlil Gibran lấp lánh minh triết cổ đại. Nhãn quan khôn ngoan muôn đời ấy cho thấy nó vẫn xứng đáng được dùng làm phương châm giải quyết các vân đề hiện đại, cả trong đời sống cá nhân lẫn thân nhân và cộng đoàn, để cuộc đời này thành nơi đáng sống hơn cho mình, gia đình, bằng hữu và mọi người.