Cho nên với tôi, Kim Cương không chỉ là một kỳ nữ của nghệ thuật sân khấu mà phải là một nữ hoàng, bởi vì chỉ có một nữ hoàng mới có thể tạo nên, gìn giữ và xây dựng, bảo vệ được triều đại của mình, bảo vệ được ngai vàng của mình. Triều đại đó là triều đại kịch nói Kim Cương và ngai vàng nghệ thuật sân khấu. Bởi Kim Cương hội tụ tất cả mọi tố chất, mọi năng lực đó là TÀI, SẮC, TRÍ, UY, VŨ, DŨNG, NHÂN... Và trong lòng tôi Kim Cương sẽ mãi mãi là nữ hoàng kịch nghệ.
GS. Trần Văn Khê
Có thể nói văn học kịch Kim Cương thể hiện qua ngôn ngữ của đối thoại độc thoại kịch về đề tài Mẹ, về tình Mẫu tử đã tạo nên những hình tượng bà mẹ Việt Nam rất điển hình và rất chân thật sinh động, nhưng ngược lại chính những vở kịch viết về Mẹ về tình Mẫu tử của Kim Cương đã tạo thành một dòng chảy riêng cho kịch Kim Cương, để kịch nói Kim Cương tạo nên “chuẩn” văn học kịch miền Nam rất dung dị, đôn hậu mà ta đã tìm thấy sự thuần phác ấy qua những tiểu thuyết vang bóng một thời của nhà văn chuyên viết về thân phận những người nghèo, nhà văn mở đầu cho văn xuôi Việt Nam hiện đại - Hồ Biểu Chánh.