Cuốn sách Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật của Cynthia Freeland nhìn một cách nào đó, chính là một trong những thực hành thuộc mô hình giáo dục xã hội hóa nghệ thuật nói trên. Trong suốt hơn 200 trang sách, ngắn gọn và cô đọng, được viết với một văn phong trong sáng và thông tuệ, cả một lịch sử dài các khái niệm về nghệ thuật, không chỉ của riêng phương Tây, mà còn từ phương Đông, đã được điểm qua và phân tích. Qua cuốn sách, người đọc chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng và có lẽ sẽ phần nào được cắt nghĩa rằng, khái niệm về nghệ phẩm và nghệ thuật, theo thời gian, đã phát triển để không chỉ còn là một khái niệm thuộc về cái Đẹp, khơi gợi thẩm mỹ, mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, chính trị của nghệ sỹ. Người đọc chúng ta cũng sẽ được tiếp cận với hầu hết các lý thuyết mới nhất về nghệ thuật hiện đang chi phối mặt bằng phê bình nghệ thuật phương Tây, như lý thuyết nghệ thuật vị định thế (Institutional theory of art), lý thuyết nghệ thuật vị triết (Philosophical theory of Art), để rồi qua đó, có thể nắm bắt phần nào được phương cách mà nghệ thuật đương đại thế giới hiện nay đang được quan niệm, diễn giải và khởi hoạt. Một điểm đặc biệt của cuốn sách này là, khi đề cập tới sự phát triển của các khái niệm nghệ thuật, nó không chỉ nhìn nhận các khái niệm ấy trong những hệ thống lý thuyết đóng- mà còn liên đới chúng tới các hệ thống ngoại vi về mặt xã hội và chính trị, song có quan hệ chặt chẽ tới sự hình thành và khai triển các khái niệm ấy, trong đó có hệ thống các định chế nghệ thuật -như bảo tàng và các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, hoặc hệ thống các khái niệm và biến cố về chính trị, khoa học, xã hội - như sự phát triển của ngành khoa học nhận thức, của Nữ quyền luận, của quan điểm Hậu Thực dân, v.v... Nói cách khác, bằng một tiếp cận mang tính nhân học, cuốn sách này đã liên đới nghệ thuật với tất cả những yếu tố ngoại vi mà nó cho là có tác động tương tác tới những cuộc chuyển hóa của chính khái niệm nghệ thuật...