I) THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người
Tác giả: George Berkeley
Dịch giả : Đinh Hồng Phúc, Mai Sơn
Hiệu đính : Bùi Văn Nam Sơn
Khổ sách: 12 x 20 cm
Số trang: 280 trang
Giá bìa: 60.000VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013
II) GIỚI THIỆU SÁCH
1) Về tác giả:
George Berkeley (1685 – 1753), một trong những triết gia quan trọng nhất của nền triết học Tây phương hiện đại thời kỳ đầu. Tinh thần triết học của ông được gói gọn trong câu cách ngôn (esse est percipi) (tồn tại là được tri giác). Các công trình chính của ông: Thử hướng đến một lí thuyết mới về cái nhìn (1709), Ba cuộc đối thoại giữa Hylas và Philomous (1713), Bàn về sự vận động (1721), Alciphone (1732), Nhà giải tích hay bài luận gửi cho một nhà toán học vô tín ngưỡng (1734), Bảo vệ tự do tư tưởng trong toán học (1735), v.v
2) Về tác phẩm:
Về đại thể, cấu trúc của công trình Các nguyên tắc gồm hai phần: Dẫn nhập (gồm 25 tiểu đoạn) và Phần I (gồm 156 tiểu đoạn)[1].
Trong phần Dẫn nhập, Berkeley chủ yếu tập trung phê phán học thuyết của Locke về các ý niệm trừu tượng như là một nguyên tắc sai lầm cơ bản đã “đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học” (§1). Đối với Locke, và nhiều triết gia khác, trí óc hay tinh thần “có năng lực tạo ra những ý niệm trừu tượng” (§6) bằng cách thực hiện thao tác tách biệt trong tư tưởng các yếu tố hay các thuộc tính của những sự vật cá biệt thành những cái cấu thành đơn giản để rút ra yếu tố hay thuộc tính mà các sự vật cá biệt đều có, tức những cái phổ biến. Berkeley công kích học thuyết này bằng luận điểm cho rằng thao tác trừu tượng hóa các ý niệm như thế là điều ta không thể làm được, và nguồn gốc của sai lầm ấy chính là quan điểm ngộ nhận về công dụng của ngôn ngữ: mục đích của ngôn ngữ là truyền đạt các ý niệm của ta và mọi tên gọi (names) có nghĩa đều biểu thị một ý niệm trừu tượng. Đối với Berkeley, ngôn ngữ chỉ biểu thị các ý niệm phổ biến (general ideas) chứ không biểu thị bất cứ một ý niệm trừu tượng nào. Do đó, phương cách để ta có thể đi đến chân lý và tránh mọi sai lầm là hãy “loại bỏ trở ngại và sự lừa dối của những từ ngữ ra khỏi những đệ nhất nguyên nhân của nhận thức” (§25).
Toàn bộ nội dung của Phần I được Berkeley triển khai thành 156 tiểu đoạn liền mạch. Về sau, để giúp độc giả nắm bắt nội dung trình bày của Berkeley được dễ dàng hơn, các nhà biên tập các tác phẩm của Berkeley đã phân chia Phần I thành các nhóm tiểu đoạn như sau: 1) Đối tượng và chủ thể của nhận thức (§§1-2); 2) Những luận cứ ủng hộ thuyết phi vật chất (§§3-33); 3) Những luận cứ phản bác và trả lời (§§34-84); và 4) Những hệ quả và áp dụng quan niệm của Berkeley (§§85-156).
3) MỤC LỤC
Lời người dịch
tóm tắt chủ đề các nội dung
Lời nói đầu
Dẫn nhập
Phần I
Niên biểu George Berkeley
Bảng đối chiếu từ ngữ
Thư mục và đọc thêm
Chỉ mục
4) Điểm nhấn
“Mục đích của tôi là cố gắng, nếu có thể, phát hiện xem đâu là những nguyên tắc đã đưa toàn bộ sự nghi ngờ, sự không chắc chắn, những sự phi lý và những mâu thuẫn ấy vào trong một vài trường phái triết học; đến mức những người thông thái nhất cũng đã tưởng rằng sự ngu dốt của chúng ta là vô phương cứu chữa, và cho rằng tình trạng ấy xuất phát từ sự trì độn tự nhiên và những giới hạn của các quan năng của chúng ta.”
(trích Dẫn nhập, &4, Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người, George Berkeley, dịch giả : Đinh Hồng Phúc, Mai Sơn, hiệu đính : Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri thức, 2013).
[1] Phần II chưa bao giờ được xuất bản. Có tài liệu nói là Phần II của công trình đã bị ông để thất lạc, không tìm lại được, nên công trình chỉ có Phần I.