“Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ... ”
- Bernhard Schlink
Không có gì lãng mạn trong lần gặp mặt đầu tiên của họ. Cậu bé 15 tuổi, là học sinh trung học. Còn cô là người soát vé xe điện. Từ trường trở về sau mỗi buổi học, cậu lại lao mình vào cuộc phiêu lưu thầm kín. Nhưng tình sử lãng mạn ấy kéo dài không lâu. Một ngày nọ, Hanna biến mất, rồi xuất hiện trong tình huống khó ngờ...
Người đọc, được so sánh với Những kẻ bị cầm tù ở Altona của Sartre và Ván bi-a lúc chín rưỡi của Heinrich Böll, là một trong không nhiều tác phẩm văn học Đức trở thành bestseller trên toàn cầu. Lồng trong một câu chuyện tình yêu khác thường là nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự tiếp nhận quá khứ mà thế hệ hậu chiến Đức phải đối mặt. Nên khi đã đặt xuống rồi cuốn sách nhỏ 200 trang của Bernhard Schlink, bên những bâng khuâng day dứt về tình yêu, người ta sẽ còn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng, và để lại dấu hằn vĩnh viễn trên số phận bao người còn lại...
Người đọc là tác phẩm gây tranh cãi mạnh ở Đức, nơi người dân cho đến nay vẫn chưa hẳn thỏa mãn với cách giải quyết các tàn dư lịch sử từ thời phát xít và Thế chiến II. Trong một bài phỏng vấn, Bernhard Schlink cho rằng các nhà phê bình đã hiểu lầm tác phẩm này của ông. Được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và quảng bá rộng rãi, Người đọc thể hiện rõ rệt tính cách người Đức với phần thế giới còn lại, ngay cả khi sự cảm nhận thường mang nặng tính chủ quan và ảnh hưởng văn hóa từ phía người thưởng lãm.