Nhà thơ Phù Hư thành danh gần năm mươi năm, đã cộng tác với các tạp chí văn chương trước năm 1975: Khởi Hành, Văn, Thời Tập, Đứng Dậy... tuy vậy bây giờ ông mới tập họp những bài thơ trước đây và một số sau này vào tuyển tập đầu tay.
Ngậm Thẻ Qua Sông là tên chung của tập thơ được lấy từ bài thơ nổi tiếng Ngậm thẻ qua sông đăng trên tạp chí Văn năm 1972; ngoài bài thơ lấy làm tựa còn có những bài khác của thời tham gia chiến trận như Đồn Sơn Yểm, Quân Bộ Khúc..:
Đóng núi đồn xa đoàn pháo yểm
Quanh năm ngủ miết với chân mây
Nhìn sâu xuống vực nham hiểm đá
Thú rừng cành trút lá mặc cây
(Đồn Sơn Yểm)
Quân bộ qua thầm quân bộ qua
Nón ngụy trang thép lạnh màu da
Câm trăm miệng hến trừng gò ụ
Súng dại dột nòng chực đạn ra
(Quân Bộ Khúc)
Mượn thể cổ phong để đưa vào ngôn ngữ hiện đại sáng tạo ra cấu trúc lạ lẫm, có cái gì đó khúc khuỷu lởm chởm khiến người đọc phải đi hết chiều dài bài thơ. Bên cạnh đó có những bài thơ mới làm cũng rất lạ:
Thơ đi tu thành Phật
Phật rong chơi lâu ngày biến thành thơ
nửa thơ, nửa Phật lật đật
thành Phật, thành thơ ngơ ngơ
nam mô tận hư không biến pháp giới
quá hiện vi lai chư Phật, chư thơ
(Nghĩ về thơ)
Hoặc nhắm hướng Bắc phương:
Một đài hoa mãi không nở được
đất nước nín nhịn ngàn năm
trang sử
buổi sáng sương lạnh dăng màn
gió Bắc phương buốt, ngái ngủ mặt hồ
...........
(Chùa Một Cột)
Nhà văn Trần Văn Nam, một người chuyên viết về tác giả tác phẩm đã nhận xét: "Ngậm Thẻ Qua Sông vừa có nghĩa đen "giữ im lặng bí mật khi hành quân" vừa có nghĩa bóng "giữ kín ý nghĩa thầm có thể phạm tới luân thường đạo lý", nhất là khi người chồng của người thiếu phụ cũng là lính bôn ba xuôi ngược như mình, cũng bặt tăm như mình qua bao năm chinh chiến chưa một lần ghé thăm nhà."
Trong phần phụ lục có ba bài thơ được chuyển thành ca khúc của ba nhạc sĩ: Vũ Ngọc Giao, Quốc Bảo, Châu Đăng Khoa.
Đây là tập thơ nằm trong Tủ sách Văn Tuyển, do nhà thơ Nguyễn Liên Châu chủ trương.
(theo Nhà văn TP. HCM)