Dễ thương, dí dỏm, hài hước và sâu sắc… Những Giọt Mực, món quà của Lê Tất Điều dành cho các em thiếu nhi nhưng những ẩn dụ từ mỗi câu truyện nhỏ làm người lớn cũng phải ít nhiều suy ngẫm.
Qua cái nhìn nhân ái của nhà văn, mỗi đồ vật trong phòng học của một chú bé đều có đời sống và những suy tư riêng như Tình bạn của đôi guốc, Trung thu của bác đèn xếp, Diều giấy mắc nạn, Tờ lịch đầu tháng, Những giọt mực, Tâm sự bác đinh già, Những mũi tên trưởng thành, Một chút anh hùng, Ô đen đi du lịch, Cơn giận của bác đồng hồ, Lão dao sắc.
Thật tội nghiệp khi Ông Bàn liên tục càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông: “Ông già rồi, mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh tím, dung nhan tàn tạ. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá”. Đó là chưa kể đến tuổi già, ông bị cái bệnh “mọt ăn trong xương” ngày càng trở nặng. Mỗi vật dụng có một số phận khác nhau. Ông Cung Tên là một kẻ “quý phái, nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm chinh chiến”. Có lẽ cô đơn nhất phòng là Bác Đèn Xếp vì cả năm chỉ làm việc có một ngày: dịp Trung thu. Cụ Sách thì cực kỳ thông tuệ, uyên bác và là nhân vật được nể trọng nhất phòng bởi cụ có cả một kho kinh nghiệm với bốn trăm hai mươi trang sách trong mình. Còn chàng Guốc “quê mùa, cục mịch” thì sao? “Một chiếc guốc cô đơn là chiếc guốc hoàn toàn vô dụng”. Vì thế anh quyết định đi tìm bạn “dù nguy hiểm tôi cũng phải đi tìm. May mắn gặp được nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi đã không sống như một kẻ tàn phế”. Thật cảm động, sau quyết tâm đó, chàng Guốc lặng lẽ phóng mình xuống đường mương. Chàng biến rất nhanh trong mưa mù và bóng tối.
Rõ ràng dù số phận khác nhau nhưng vật dụng nào cũng muốn cuộc sống của mình thú vị và phải có ích. Nhà văn Lê Tất Điều đã nghĩ ra một tình huống thật hay: bác Đèn Xếp chấp nhận cháy sáng tới mức đốt cháy cả thân mình để cho ông Cung Tên có thể trông thấy và bắn chết con chuột, giải cứu Cụ Sách.
Là tập sách viết cho thiếu nhi nên tính giáo dục là “cảm hứng chủ đạo” của tác giả. Ta hãy nghe lời nghe Ông Bàn an ủi nỗi buồn của ba giọt mực cuối cùng còn lại dưới đáy bình: “Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ” và “đã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó trên thế gian”.
Còn đây là lời dặn dò của tờ lịch ngày Ba Mươi Mốt tâm sự tờ lịch ngày Mồng Một: “Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào”.