Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người lại thành công vang dội trong khi những người khác cùng chỉ số IQ lại không có một chút tiếng tăm? Liệu có điều gì bí mật ẩn sau danh tiếng của Beatles, Bill Gates và các doanh nhân sinh vào thập niên 1830 mà không phải là 1840?
Cuốn sách Những kẻ xuất chúng sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời thông qua các phân tích về xã hội, văn hóa và thế hệ của những nhân vật kiệt xuất như Bill Gates, Beatles và Mozart, bên cạnh những thất bại đáng kinh ngạc của một số người khác (ví dụ: Christopher Langan, người có chỉ số IQ cao hơn Einstein nhưng rốt cuộc lại quay về làm việc trong một trại ngựa). Theo đó, cùng với tài năng và tham vọng, những người thành công đều được thừa hưởng một cơ hội đặt biệt để rèn luyện kỹ năng và cho phép họ vượt lên những người cùng trang lứa.
Với giọng văn lôi cuốn và cách kể chuyện hết sức có duyên, Malcom Gladwell cũng viện dẫn rất nhiều giai thoại thú vị như tại sao phần lớn các cậu bé giỏi môn khúc côn cầu lại sinh vào tháng một, tại sao con cái của những người Do Thái nhập cư lại trở thành những luật sư quyền lực nhất New York, tại sao truyền thống văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước lại có thể giúp trẻ em châu Á giỏi toán... Nhưng không chỉ có thế. Thông qua những ví dụ này, Gladwell muốn bàn luận về những con đường phức tạp dẫn đến thành công của con người.
Thách thức niềm tin về “con người tự lực”, tác giả quả quyết rằng các vĩ nhân không tự dưng mà có, cũng không được thúc đẩy bởi thiên tài hay tài năng. Họ là những người được hưởng một “lợi thế vô hình” và cơ hội khác thường từ môi trường và hoàn cảnh, nhờ đó họ vươn tới những đỉnh cao mà người khác không thể đạt được. Theo ông, “một vài người xứng đáng với điều đó, một vài người khác thì không, một số người tạo ra thành công, một số đơn giản là do may mắn”.
MỤC LỤC:
Lời giới thiệu
Bí ấn Roseto "Những người này qua đời vì tuổi cao. Có vậy thôi"
Phần I: Hiệu ứng Matthew - Vi phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.
Chương II: Quy tắc 10.000 giờ "Ở Hamburg, chúng tôi phải chơi tám tiếng đồng hồ".
Chương III: Mỗi phiền phức với các thiên tài
Phần I: Biết về chỉ số IQ của một cậu bé cũng chẳng giúp ích gì mấy nếu bạn phải đối mặt với cả một nhóm những cậu bé thông minh.
Chương IV: Mối phiền phức với các thiên tài
Phần II: "Sau những cuộc đàm phán kéo dài, người ta đồng tình rằng Robert sẽ phải chịu quản chế"
Chương V: Ba bài học của Joe Flom
...Trân trọng giới thiệu!
Báo chí giới thiệu:
Theo Báo Tuổi trẻ
Những kẻ xuất chúng(Thứ sáu, 18/09/2009 08:42:01 AM)
Malcolm Gladwell - tác giả hai cuốn sách bàn về tư duy đột phá khá nổi tiếng là Ðiểm bùng phát và Trong chớp mắt - vừa trở lại với độc giả VN qua cuốn Những kẻ xuất chúng (AlphaBooks và NXB Thế Giới).
Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện liên quan đến các nhân vật nổi tiếng thế giới mang lại cho người đọc cái nhìn mới lạ về nguồn gốc của thành công. Theo Malcolm Gladwell, vĩ nhân không tự dưng mà có, cuộc đời của những người thành công luôn tuân thủ những điểm chung thú vị.
Tuy nhiên, khi đọc những câu chuyện đầy tính gợi mở trong cuốn sách, nhiều câu hỏi sẽ bật lên trong người đọc liên quan đến những nhận định của Malcolm Gladwell: Tại sao một số người thành công vang dội trong khi những người khác cùng chỉ số thông minh lại không có chút tiếng tăm? Có phải muốn thành công phải trải qua 10.000 giờ luyện tập?...
Cách nhìn của Malcolm Gladwell có thể sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhau, song đây chính là điểm thú vị của cuốn sách - một cuốn sách với suy nghĩ mở để bạn đọc chiêm nghiệm rút ra suy nghĩ tích cực cho chính mình.
N.T.U
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)
Theo Báo Lao Động
Những kẻ xuất chúng(Thứ năm, 17/09/2009 09:14:10 AM)
Đã có nhiều cuốn tự truyện được xuất bản trên thế giới, mà trong đó, các nhân vật nổi tiếng thường có chuyện đời được viết theo kiểu: Sinh ra trong một hoàn cảnh gieo neo, nhưng nhờ tài năng và sự nỗ lực bền bỉ đã trở nên thành đạt.
Do vậy, có không ít người đã lầm tưởng rằng, những phẩm chất cá nhân đó đủ để giải thích cách một người đạt tới đỉnh cao.
Nhưng trong cuốn “Những kẻ xuất chúng” (Alpha Books và NXB Thế Giới phối hợp ấn hành), tác
giả Malcolm Gladwell đã đưa ra cách lý giải khác: Con người ta không vươn lên từ chỗ hoàn toàn trắng trơn, mà thừa hưởng một chút gì đó từ dòng dõi gia đình hoặc sự bảo trợ. Nền văn hóa mà chúng ta thuộc về và những di sản do tổ tiên để lại đã định hình những khuôn mẫu thành công bằng những cách thức mà chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi.
Qua cuốn sách này, người đọc có thể nhận ra một điều: Không phải cứ là người xuất sắc nhất thì sẽ thành công và cũng không phải thành công chỉ bởi đơn giản là tổng cộng của những quyết định và nỗ lực... “Những kẻ xuất chúng” dày 320 trang, giá 68.000 đồng/cuốn.
Nhân dịp ra mắt ấn phẩm này, Cty sách Alpha và Trường Đại học FPT sẽ tổ chức chương trình giao lưu “Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện của sự thành công” vào ngày 18.9 tại Đại học FPT (15B đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, HN) với sự tham gia của ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ InvestConsult Group và ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Cty sách Alpha, nhằm chia sẻ về quan điểm thành công của Malcolm Gladwell và áp dụng quan điểm đó tại VN.
Hà Thành
(Nguồn: Báo Lao động)
Theo Tuần Việt Nam
Thành công: câu chuyện của những cơ hội? (Thứ sáu, 28/08/2009 08:54:19 AM)
Cuốn sách mới nhất của tác giả non-fiction hàng đầu nước Mỹ Malcom Gladwell có tên Outliers: Story of Success (Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện của sự thành công). Nói một cách chính xác nhất thì, Gladwell không kể những câu chuyện thành công mà kể câu chuyện của những cơ hội.
Mái tóc xoăn tít dựng ngược, gương mặt gày gò ngộ nghĩnh, Malcom Gladwell có cái thần của một đứa trẻ nghịch ngợm hơn là một tác giả sách nghiên cứu đã 45 tuổi. Trông ông như một đứa trẻ ham khám phá, hay táy máy, lục lọi mọi thứ để tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Trong vô số những cuốn sách, bài báo viết về những người thành đạt, ta bao giờ cũng bắt gặp một câu chuyện có phần na ná nhau. Một “người hùng” trưởng thành từ môi trường gian khó, nhưng bằng nỗ lực và trí tuệ phi thường đã vượt qua bao giông gió để vươn tới thành công. Từ chủ tịch các tập đoàn lớn tới các chính trị gia lỗi lạc, từ văn nghệ sỹ tới các nhà khoa học lừng danh, câu chuyện thành công của họ bao giờ cũng nằm trong một khuôn mẫu đã cũ, thành công là kết quả của những yếu tố mang tính cá nhân.
Thành đạt đồng nghĩa với giỏi giang, thông minh, trí tuệ, tài năng, đam mê, chăm chỉ, kiên định, quyết tâm… còn những kẻ thất bại thiếu một vài hoặc tất cả các yếu tố đó. Những kẻ xuất chúng (outliers) đương nhiên có tố chất ăn đứt những kẻ ngoài rìa (outsiders).
Với Outliers, Gladwell khẳng định rằng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ông tìm cách xóa bớt lớp son phấn mà những người kể chuyện đã tô vẽ lên khuôn mặt những người thành đạt. Hóa ra, khoảng cách giữa outliers và outsiders đôi khi chỉ mong manh đến mức một cái kim cũng chui lọt.
Ngôi sao khúc côn cầu Canada Scott Wasden có cơ hội tham gia trận chung kết lịch sử chỉ đơn giản vì anh ta sinh vào… tháng Giêng. Nếu không may sinh vào tháng 12 thì có lẽ anh ta đã ngồi ngoài đường biên để xem trận đấu. Ngôi sao của chương trình Ai là Triệu Phú Chris Langan với chỉ số IQ lên tới 197 lại chỉ ngồi nhà “chăn ngựa”… Gladwell kể lại những câu chuyện lạ lùng với những diễn giải lạ lùng chỉ để chứng minh cho chúng ta rằng: thành công là câu chuyện của những cơ hội chứ không đơn giản phụ thuộc vào năng lực cá nhân.
Từ Bill Gates, Bill Joy tới ban nhạc The Beatles, Gladwell truy tìm dấu vết của những cơ hội độc nhất vô nhị, những may mắn lạ kỳ mà họ có được để thành công. Gladwell viết: “Chúng ta đều biết những kẻ thành công như những cây sồi vươn lên từ những hạt mầm cứng cỏi. Nhưng liệu chúng ta có hiểu biết đủ nhiều về thứ ánh sáng mặt trời đã sưởi ấm cho chúng, về thứ đất đai mà trong đó chúng cắm sâu bộ rễ, và cả những con thỏ hay thợ rừng mà chúng đủ may mắn tránh thoát”.
Có không ít những cây sồi nảy sinh ra từ những quả sồi cứng cáp không kém, nhưng chúng đã thiếu mất môi trường và sự may mắn để vươn lên. Cũng có không ít những cá nhân có đầy đủ tố chất để thành công nhưng họ không thành đạt bởi những lý do tương tự. Những truy dấu của Gladwell minh chứng rằng “thành công đúng hơn là một món quà, kẻ xuất chúng là những người được trao tặng các cơ hội…”, tất nhiên, họ phải “đủ nội lực và trí não để nắm bắt các cơ hội ấy…”
Nếu như một cuốn sách hay là cuốn sách khiến người đọc phải thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận thế giới này theo một nhãn quan mới thì Gladwell đã thành công với Outliers, cuốn sách nổi bật thứ 3 của ông. Bắt đầu với Điểm bùng phát viết về những sự kiện phi thường, tiếp theo là Trong chớp mắt viết về những khoảng khắc phi thường và lần này là Những kẻ xuất chúng hay những con người phi thường, có thể coi Gladwell là nhà nghiên cứu những hiện tượng phi thường.
Điều phi thường nhất là Gladwell luôn khiến người đọc phải chờ đợi những cuốn sách phi thường mới của ông.
Khánh Duy
(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)