Sách: Những mẩu chuyện nước Ý

Những mẩu chuyện nước Ý
38.000
53a6e4237f8b9a77248b4578

vi
303
13 x 20,5 cm

Mô tả

Sơ lược về tác phẩm
 
Cuốn sách gồm 27 chương, được dịch giả đặt tên như 27 mẩu chuyện trong bối cảnh đất nước, con người Ý. Tác phẩm được viết sau khi Maxim Gorki đã sống bảy năm tại Napoli, thể hiện rõ hiểu biết của ông về đời sống tại đất nước này. Hình ảnh người lao động với tâm hồn cao thượng và ý chí mãnh liệt, quá trình đấu tranh giai cấp, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, con người và thiên nhiên… trong không gian Ý đã được tác giả miêu tả súc tích qua những truyện ngắn mà ông tự gọi là “đoản thoại”.
 

Nhận định

Cuốn sách của Maxim Gorki mang dáng dấp của những trang ghi chép ngắn gọn nhưng vẫn là sự nối tiếp phong cách truyện kể hấp dẫn của ông. Trong những mẩu chuyện của ông, người đọc vẫn nhận ra được âm hưởng chuyện kể dân gian với những yếu tố kì ảo, lãng mạn vốn là nét đặc sắc trong truyện ngắn Gorki. Đồng thời, những câu chuyện của mà nhà văn kể lại thường là sự diễn tiến của những đoạn đối thoại, qua đó nhân vật soi tâm hồn mình vào tâm hồn người khác. Tác phẩm của ông không phải lúc nào cũng có một kết thúc hạnh phúc, nhưng người đọc luôn cảm nhận được một niềm tin lạc quan, sắt đá của tác giả về con đường tương lai tươi sáng dành cho những thân phận nghèo nàn.
- Nhã Nam
 
*****
 
Trích đoạn tác phẩm
 
Cha tôi nói:
- “Guydo ơi, cha con ta đi câu cá petchonni đi". Xinho ạ, petchonni là một loại cá có vây màu hồng, rất nhỏ và rất ngon. Nó còn được gọi là cá san hô vì chỉ sống ở những nơi nào có san hô, những chỗ rất sâu. Muốn câu thì phải dùng một thứ lưỡi câu có buộc một miếng chì thật nặng. Quả là một loài cá đẹp.
Thế là cha con tôi ra khơi, không chờ đợi gì khác ngoài một mẻ cá lớn. Cha tôi là người khoẻ mạnh, một tay chài có kinh nghiệm, nhưng trước đó không lâu ông bị ốm, đau ngực, các ngón tay co quắp lại vì phong thấp, chứng bệnh của dân chài chúng tôi.
- Thứ gió mà ông đang thấy đây là một thứ gió vừa độc ác vừa giảo quyệt. Khi còn trong bờ thì nó thổi rất mơn man, khẽ dụ dỗ để đưa dần con nhà người ta ra biển, rồi đến lúc ấy nó mới mò tới, bất thần đập vào đầu mình, cứ như mình vừa nói xúc phạm đến nó vậy. Con thuyền lập tức không thể nào điều khiển được nữa. Nó cứ thế bay theo gió, có khi sống thuyền lật ngược, còn người thì lộn xuống dưới nước. Mọi việc xảy ra chỉ trong nháy mắt. Chưa kịp mở miệng nguyền rủa một câu, chưa kịp nghĩ tới Chúa thì mình đã bị cuốn xoáy ra xa rồi. Thật ra một tên cướp cũng vẫn còn lương thiện hơn cái thứ gió này. Chung quy bao giờ con người cũng vẫn còn lương thiện hơn thiên nhiên.
Phải, chính là một ngọn gió như thế này đã đánh vào cha con chúng tôi ở một chỗ cách bờ bốn cây số, rất gần, như ông trông thấy đấy, đánh rất gần như một tên nhát gan hèn đớn.
Cha tôi cố giữ hai mái chèo bằng hai bàn tay tàn tật. Ông nói:
- “Guydo! giữ chắc lấy, Guydo! Kéo neo đi, nhanh lên con!”
Nhưng trong khi tôi đang kéo neo thì cha tôi bị mái chèo đập một nhát vào ngực: con chèo tuột ngay khỏi tay ông, và ông lăn xuống đáy thuyền bất tỉnh nhân sự. Lúc ấy tôi còn tay chân đâu mà giúp đỡ cha tôi vì bất cứ lúc nào cha con tôi cũng có thể bị lật thuyền.
Đầu tiên mọi việc xảy ra rất nhanh: đến khi tôi nắm được mái chèo thì con thuyền đã bị lôi đi không biết tới đâu, khắp chung quanh bọt nước tơi bời, gió đập toé các đầu ngọn sóng, rẩy nước vào chúng tôi như một ông mục sư, chỉ có điều là hăm hở hơn nhiều, và hoàn toàn đâu phải là để rửa tội cho chúng tôi.
Lúc cha tôi tỉnh lại, ông nhìn vào bờ và nói:
- “Nguy hiểm đấy con ạ! Còn lâu đấy con ạ!”
Nhưng khi người ta còn trẻ thì khó mà tin được là có nguy hiểm. Tôi cố hết sức làm và đã làm tất cả các việc cần thiết trên mặt nước trong những giờ phút nguy hiểm như thế. Trong lúc ấy thì ngọn gió này, cái hơi thở này của bọn quỷ dữ luôn luôn tặng cho mình hàng nghìn cơ hội để được trông thấy ông bà ông vải, luôn luôn đọc kinh siêu độ cho mình một cách không công.
- “Ngồi cho yên, Guydo, cha tôi gượng cười, vừa nói vừa lắc đầu rũ nước. Gãi biển bằng hai cái que diêm thì được tích sự gì? Cố giữ lấy sức, kẻo ở nhà chờ đợi lại mất công toi.”
Những làn sóng xanh biếc cứ chuyền tay nhau chiếc thuyền nhỏ bé của cha con tôi, hệt như trẻ con chuyền bóng. Chúng cứ nhảy qua mạn thuyền mà nhòm ngó, chúng chồm lên đầu chúng tôi mà kêu rầm rĩ và lắc giỡn chúng tôi. Con thuyền có lúc tụt xuống tận đáy vực sâu, có lúc lại leo lên tới đỉnh những ngọn sóng bạc đầu. Bờ biển mỗi lúc một xa và cũng khiêu vũ như chiếc thuyền của chúng tôi. Lúc ấy cha tôi bảo:
- “Con thì có lẽ còn trở lại đất liền, cha thì không đâu! Con hãy lắng nghe cha nói cho con biết về các loại cá và nghề...”
Thế là cha tôi bắt đầu kể lại cho tôi nghe tất cả những điều người được biết về thói quen của các loài cá. Ông dạy tôi nên đánh bắt các thứ cá ấy ở đâu và như thế nào cho được nhiều.
- “Cha ạ, có lẽ chúng ta nên cầu nguyện đi thì hơn?” Tôi nói thế vì đã cảm thấy rằng tình hình đích thực là nguy hiểm. Cha con tôi chẳng khác gì hai con thỏ giữa một đàn chó dái đang nhe nanh khắp chung quanh.
Cha tôi nói:
- “Chúa nhìn thấy hết! Người biết rằng đang có những con người sinh ra cho đất liền sắp chết giữa biển khơi. Trong số đó có một kẻ không còn hy vọng thoát chết muốn truyền lại cho con trai mình mọi điều mình đã biết. Lao động cần cho trái đất và cho con người. Chúa cũng biết như thế...”
Sau khi đã kể hết cho tôi nghe những điều ông đã được biết về nghề, cha tôi lại bắt đầu nói về cách cư xử với con người.
Tôi nói:
- “Bây giờ đâu phải là lúc cha dạy con? Lúc còn trên đất liền sao cha không dạy?”
- “Trên đất liền cha chưa thấy cái chết gần gụi như ở đây.”
Gió cứ gầm thét, sóng biển cứ bắn tung toé, cha tôi phải nói như gào lên cho tôi có thể nghe thấy. Ông nói:
- “Bao giờ cũng phải cư xử như không có ai tốt hơn mà cũng không có ai xấu hơn mình, có thế mới đúng! Một nhà quý tộc cũng như một anh dân chài, một ông mục sư cũng như một người lính, mọi người đều cùng với nhau họp lại thành một khối, một cơ thể. Con cũng như tất cả mọi người khác đều là một phần không thể thiếu được trong cái cơ thể ấy. Không bao giờ nên đối xử với một người nào mà lại nghĩ rằng người ấy có nhiều cái xấu hơn cái tốt, phải nghĩ rằng người ấy có nhiều cái tốt hơn, có như thế mới đúng! Mình mong chờ ở người khác cái gì thì họ sẽ đem lại cho mình cái ấy.”
Cha tôi nói như thế tất nhiên không phải là nói thẳng một hơi, có lẽ ông cũng biết rằng lúc ấy cha tôi phải nói như ra lệnh. Cha con tôi luôn luôn bị tung từ làn sóng nọ sang làn sóng kia. Tôi nghe thấy những lời cha tôi nói qua những tiếng nước gào réo, khi thì ở trên cao, khi thì ở dưới thấp. Nhiều đoạn bị gió cuốn đi mất, nhiều đoạn tôi nghe không hiểu hết. Trong khi cái chết đe dọa mình từng giây từng phút thì đâu phải là lúc học tập, phải không xinho? Lúc đó tôi sợ lắm vì đấy là lần đầu tiên tôi thấy biển điên cuồng rồ dại đến như thế, tôi cứ cảm thấy rằng lúc này mình thật là quá bất lực.
Cái cảm giác ấy đến nay tôi còn nhớ rõ mồn một, nhưng không thể nói được rằng mình đã cảm thấy như thế ngay trong lúc ấy hay mãi về sau, khi hồi tưởng lại những giờ phút ấy thì mới cảm thấy như vậy.
Đến bây giờ tôi còn như trông thấy cha tôi đang ngồi sụp xuống dưới đáy thuyền, hai cánh tay ốm yếu dang rộng, các ngón tay cố bám vào mạn thuyền, cái mũ đã bị cuốn đi mất, sóng quật vào đầu vào vai ông khi thì bên phải, khi thì bên trái, khi thì phía trước, khi thì phía sau. Ông lắc đầu rất mạnh, thở phì phì, thỉnh thoảng lại gào lên với tôi. Người ướt đẫm, cơ thể cha tôi nom bé hẳn lại, hai con mắt mở trừng trừng vì sợ hãi, có lẽ vì đau. Tôi cho là vì đau.
Cha tôi kêu lên với tôi:
- “Con hãy nghe đây! Này, con có nghe thấy không?”
Thỉnh thoảng tôi lại trả lời:
- “Có!”
- “Hãy nhớ lấy: mọi cái gì tốt đẹp đều nhờ con người mà có.”
- “Vâng”, tôi trả lời.
Trên đất liền thì chưa bao giờ cha tôi nói với tôi như thế. Cha tôi vốn tính vui vẻ, hiền như đất, song tôi thấy như ông thường nhìn tôi với nét mặt giễu cợt và thiếu tin tưởng. Cứ như ông vẫn cho rằng tôi còn là một thằng bé con. Có khi tôi lấy thế làm khó chịu, tuổi trẻ thường hay tự ái mà!
Cha tôi kêu lên như thế đã làm tôi đỡ sợ, có lẽ chính vì vậy cho nên tôi còn nhớ kỹ tất cả.
Cụ thuyền chài lặng yên một lát, đưa mắt nhìn mặt biển trắng xoá, mỉm cười rồi nháy mắt nói tiếp:
- Xinho ạ, sau khi đã nhận xét con người, tôi thấy rằng nhớ lại thì cũng như hiểu ra, mà càng hiểu ra thì càng thấy có nhiều cái tốt. Đúng như thế đấy, ông có thể tin như thế!
Phải, chính nhờ thế tôi còn nhớ được bộ mặt thân yêu ướt sũng và cặp mắt mở trừng trừng của cha tôi: cặp mắt ấy nhìn tôi vừa trang nghiêm vừa trìu mến làm cho tôi biết rằng cái số của tôi không phải chết hôm ấy. Sợ thì có sợ, nhưng tôi biết rằng mình sẽ không chết.
Tất nhiên là thuyền có lật. Cả hai cha con tôi đều bị dìm xuống làn nước cuộn sùng sục, tối mắt tối mũi vì bọt biển. Sóng biển tung người chúng tôi lên, ném vào sống thuyền. Trước lúc đó chúng tôi đã buộc vào ghế tất cả những cái gì có thể buộc. Trong tay chúng tôi có những đoạn dây chão chắc chắn, nếu còn sức lực thì còn chưa bị ném ra khỏi thuyền. Nhưng thật khó mà giữ cho mình ngồi được trên mặt nước. Nhiều lần cha tôi hay tôi đã bị vứt lên sống thuyền rồi lại lập tức bị kéo bật ra. Điều khó chịu nhất lúc bấy giờ là đầu óc choáng váng, hai tai như điếc, mắt như mù vì bị ứ nước, bụng thì đã phải uống khá nhiều rồi.
Tình hình như thế kéo dài rất lâu. Khoảng bảy tiếng đồng hồ. Sau đó gió chợt đổi hướng, ùa ùa thổi vào bờ, lôi cha con tôi vào trong đất liền. Tôi mừng rỡ kêu lên:
- “Cha giữ cho chắc nhé!”
Cha tôi cũng kêu lên không biết những gì, nhưng tôi chỉ hiểu có vài tiếng:
- “... Sẽ đập vỡ...”
Cha tôi đã nghĩ tới đá ngầm, nhưng chỗ đá ngầm còn xa cho nên tôi không tin. Nhưng cha tôi lại thạo nghề hơn tôi. Cha con tôi lao đi như bay giữa những trái núi nước, tay cố bám chặt lấy bánh lái như hai con sên, người bị vần quá nhiều nên đã yếu sức và tê dại đi.
Sau một thời gian khá lâu, cuối cùng chúng tôi chợt nhìn thấy những quả núi đá đen ngòm ở ven bờ. Rồi mọi việc xảy ra với một tốc độ không thể nào hình dung nổi. Các ngọn núi ấy cứ lắc la lắc lư chồm tới cha con tôi, đầu chúc về phía trước, sẵn sàng đổ sập xuống đầu cha con tôi.
Rầm, rầm, những đợt sóng trắng xoá tung thân mình cha con tôi lên. Chiếc thuyền bị đập nát như một quả óc chó dưới gót giầy ống. Tôi bị ném ra khỏi thuyền, mắt vẫn còn nhìn thấy những cái cạnh nham nhở đen sì của những quả núi đá, sắc như lưỡi dao. Tôi trông thấy đầu cha tôi ở chỗ cao hơn người tôi, rồi lại thấy ở dưới móng những con quỷ ấy.
Độ hai giờ sau thì người ta lôi được cha tôi ra, sống lưng bị gãy, sọ vỡ toạc, lòi cả óc. Vết thương ở đầu rất lớn, một phần óc toé ra ngoài. Tôi còn nhớ những miếng xám xám còn lại trong vết thương với những tia máu đỏ nom chẳng khác gì đá hoa hay bọt biển vấy máu. Khắp người cha tôi đều đầy những thương tích ghê gớm, nhưng khuôn mặt vẫn còn nguyên vẹn, bình tĩnh, hai con mắt nhắm nghiền.
Còn tôi ấy à? Phải, tôi đã bị vần một trận ra trò. Lúc được kéo lên bờ thì tôi bất tỉnh nhân sự. Cha con tôi đã bị vứt lên đất liền, gần Amanfi, ở một nơi mà tôi không biết, nhưng tất nhiên cũng toàn là anh em bạn chài. Các trường hợp như thế, tuy họ không lấy làm lạ, nhưng đã làm cho họ trở nên nhân hậu. Những con người sống một cuộc đời nguy hiểm thì bao giờ cũng tốt bụng!
Tôi cho rằng tôi không thể nào nói lên được tất cả những điều tôi đã cảm thấy về cha tôi, không thể nói ra tất cả các ý nghĩ mà tôi đã giữ trong bụng năm mươi mốt năm trời. Muốn nói lên được thì cần phải dùng những lời đặc biệt. Thậm chí còn cần phải soạn thành bài ca. Song chúng tôi là những con người giản dị như cá dưới nước, vì thế trong bụng muốn nói ra mà không thể nào nói ra cho hay! Người ta bao giờ cũng cảm xúc và hiểu biết nhiều hơn những điều mình có thể nói ra.
Tất cả chỉ là cha tôi, lúc sắp chết, biết rằng mình không thể nào thoát được, đã không sợ và không quên tôi là con của ông, đã cố thu hết tàn lực và tìm được thời gian truyền lại cho tôi tất cả những điều mà người thấy là quan trọng. Tôi đã sống sáu mươi bảy năm trời trên đời, tôi có thể nói rằng những lời cha tôi dạy tôi đều đúng cả.
Cụ già bỏ chiếc mũ nồi đan tay xuống. Trước kia nó vốn màu đỏ, nhưng nay đã ngả sang màu nâu non. Cụ lấy trong đó ra một cái tẩu, rồi cúi cái đầu trọc sạm đen, cất tiếng nói rắn rỏi:
- Tất cả đều đúng hết, xinho thân mến ạ! Ông muốn thấy con người như thế nào thì nó sẽ như thế. Lấy lòng tốt mà nhìn người khác thì bản thân mình sẽ cảm thấy dễ chịu, mà người ta cũng thế. Nhờ vậy người ta sẽ tốt hơn, và cả bản thân mình cũng sẽ tốt hơn! Thật là giản dị!
 



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận