Trọng tâm của công trình này là phân tích, lý giải những cống hiến của một thiên tài. Để chứng minh Nguyễn Du là thiên tài, lại cần phải làm một sự so sánh thứ ba, tức là so sánh điều Nguyễn Du đã làm được, với điều của những nhà văn khác cũng làm được như thế, và phải là người thiên tài mới làm được. Khi đã phân xuất được một cống hiến nghệ thuật, còn phải lý giải cái cơ sở xã hội của cống hiến ấy, chứng minh nó bằng lý luận phản ánh, chứ không phải chỉ dừng ở chỗ phát hiện, rồi khen ngợi.
Cách làm như vậy, sẽ cung cấp được một cơ sở xét đoán cho phép mọi người thấy cống hiến nghệ thuật là một cái gì khách quan, tính toán được, phân xuất được, và lý giải được. Nó không xem nghệ thuật như một hoạt động siêu tuyệt, không thể hiểu, mà chỉ có thể cảm thụ bằng trực giác, bằng chiêm ngưỡng. Nó xem hoạt động nghệ thuật như một hoạt động sản xuất vật chất. Nó dám đi thẳng vào những công việc bếp núc của nghề làm thơ, chứ không đặt một ranh giới tiên nghiệm không thể vượt qua giữa thủ công với nghệ thuật, lao động với cảm hứng, tính vô tư của thưởng thức thẩm mỹ với tính vụ lợi của thưởng thức giác quan.
Công trình này không tách tác phẩm ra thành hai phần, là nội dung và hình thức. Trong phong cách có nội dung được xây dựng theo cái hình thức riêng thích hợp với phong cách này. Nó có hình thức, nhưng hình thức là để thích hợp với một loại nội dung nhất định, chứ không thích hợp với một nội dung khác. Nói khác đi, khi nó nói đến nội dung thì nó nói luôn cả cách hình thức hoá nội dung, và ngược lại khi nói đến hình thức thì nó nói luôn hình thức này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung đã chọn...