"...Có lẽ, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú nói lên được nhiều điều mà nhà văn cũng không thể hình dung được. Và cũng có lẽ vì thế mà khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Đình Tú có những câu trả lời thật chủ quan. Tự bản thân cuốn tiểu thuyết và nhân vật của nó đã trả lời tất cả các câu hỏi. Và quan trọng là bạn đọc tiếp cận nó ở góc nào. Tốt hay xấu. Đồng cảm hay phản bác. Và lại là những nhóm bạn đọc nào đọc nó, phân tích đến đâu… Việc Tú đặt tựa đề “Phiên bản” cho cuốn tiểu thuyết đã nói lên được ý nghĩa và kết cấu của các cách tiếp cận nhân vật chính. Đúng như tên gọi, nhân vật chính được lột tả bằng các phiên bản khác nhau. Và từ các phiên bản ấy, chân dung một con người được lột tả rõ nét hơn, chân thật và đầy đủ hơn.
Góc lưu manh của một nữ giang hồ ra tay tàn sát không ghê tay, góc nhẹ nhàng, thủ thỉ như lời của một thiếu nữ đang tâm sự với bạn trai mình, góc lại bàng quan như một người bình thường trong cuộc sống với những bon chen cơm – áo – gạo – tiền… Và cũng phải ngần ấy góc tiếp cận, chừng ấy những chi tiết miêu tả cảm xúc, hành động, trạng thái tình cảm, quan hệ cá nhân với cá nhân, mới có thể đưa đến cho bạn đọc cái nhìn tương đối toàn diện về một nhân vật ở vùng đất “dữ” (từ dùng trong “Phiên bản”).
Tôi thích cách Nguyễn Đình Tú sử dụng Kinh thánh trong cuốn tiểu thuyết này. Như lời sám hối muộn màng của nhân vật chính khi tự mình nhìn ra được chính mình qua những phiên bản. Và phải đến khi nhận ra mình là ai, linh hồn nhân vật mới được giải thoát. Triết lý ấy có lẽ đến “Phiên bản” mới được sử dụng thành công như thế. Và câu nói của “thằng Chín tháng” trong cuốn tiểu thuyết gần như là điểm chốt của triết lý phiên bản mà Nguyễn Đình Tú muốn gửi gắm “…Cả hai con người đó trong cô cháu đều không hiểu, không thỏa mãn và không tự lý giải được. Chính vì thế mà cháu muốn gặp cô. Có thể có nhiều con người trong một con người…”. Và đúng là có nhiều con người trong một con người để giây phút cuối cùng, khi đã tìm lại hết được những phiên bản của mình, nhân vật chính đã rơi nước mắt…" - Phạm Thùy Linh