Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:
Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được gọi là “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.
- Quyền đăng ký nhãn hiệu:
+ Tổ chức hoặc cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc kinh doanh;
+ Tổ chức hoặc cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên;
+ Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn thuộc về tổ chức, cá nhân đại diện cho tập thể các cá nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tương ứng.
+ Quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, có thể được chuyển giao cho cá nhân hoặc các chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn.
Cần làm gì trước khi đăng ký nhãn hiệu:
Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu
Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu đã thuộc quyền của người khác :
+ Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc được coi là nổi tiếng hoặc được thừa nhận rộng rãi;
+ Trùng hoặc tương tự với những đối tượng đã thuộc quyền của người khác, gồm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả.
+ Trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của việt nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền).
Mỗi một nhãn hiệu dùng cho một sản phẩm, dịch vụ nhất định chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất - là người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Vì vậy, để tránh đầu tư công sức và chi phí vô ích, trước khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp cần biết chắc nhãn hiệu mà mình muốn đăng ký chưa thuộc về người khác hoặc chưa có người nào khác nộp đơn đăng ký. Người nộp đơn có thể tự tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:
+ Công báo sở hữu công nghiệp do cục sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;
+ Đăng bạ quốc gia và đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại cục sở hữu trí tuệ);
+ Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên mạng internet
Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của cục sở hữu trí tuệ, với điều kiện phải nộp tiền phí dịch vụ theo quy định của bộ tài chính.
Quá trình thẩm định nhãn hiệu:
- Thẩm định hình thức
Đơn yêu cầu cấp giáy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá phải được xét nghiệm hình thức nhằm xác định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ hay không. Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ thì cục sở hữu trí tuệ xác nhận ngày nộp đơn hợp lệ số đơn hợp lệ ngày ưu tiên của đơn và thông báo cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn.
Các yêu cầu của đơn hợp lệ gồm có: các yêu cầu chung,các yêu cầu cụ thể về hình thức và yêu cầu về tính thống nhất của đơn sở hữu công nghiệp.
Thời hạn xét nghiệm hình thức là 01 tháng kể từ ngày đơn đến cục sở hữu trí tuệ.
- Công bố đơn
Các đơn nhãn hiệu hợp lệ đều được cục sở hữu trí tuệ công bố trên công báo sở hữu công nghiệp. công báo này được ấn hành hàng tháng. bất cứ ai có nhu cầu có thể yêu cầu cục sở hữu trí tuệ cung cấp bản in công báo và phải trả tiền mua công báo.
- Thẩm định nội dung
Việc thẩm định nội dung được tiến hành khi đơn đã được chấp nhận là đơn hợp lệ và người nộp đơn đã nộp lệ phí xét nghiệm nội dung theo quy định. thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là 06 tháng tính từ ngày công bố.
Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ là để xác định đối tượng nêu trong đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ mà luật pháp quy định hay không.
- Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đăng bạ
Căn cứ vào kết quả thẩm định nội dung, nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ thì cục sở hữu trí tuệ thông báo cho người nộp đơn kết quả thẩm định và yêu cầu nộp lệ phí đăng bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, lệ phí công bố văn bằng bảo hộ.
Nếu người nộp đơn nộp các lệ phí nêu trên, thì cục sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn, đăng bạ và công bố văn bằng bảo hộ. Nếu người nộp đơn không nộp lệ phí theo yêu cầu, thì đơn coi như bị rút bỏ.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến cấp văn bằng bảo hộ:
- Người có quyền khiếu nại:
Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Bất người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp văn bằng và phải nộp lệ phí khiếu nại theo quy định.
- Thủ tục khiếu nại:
Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản,trong đó phải nêu rõ họ,tên và địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; số đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ liên quan; tên đối tượng cần được bảo hộ nêu trong đơn; nội dung, lý lẽ, dẫn chứng minh hoạ cho lý lẽ khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc huỷ bỏ quyết định hoặc kết luận liên quan;
Đơn khiếu nại phải được nộp cho cục sở hữu trí tuệ trong thời hạn quy định.
Đơn khiếu nại nộp sau thời hạn nêu trên không được xem xét.
Trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được khiếu nại, cục sở hữu trí tuệ phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại.
Nếu không đồng ý với ý kiến trả lời của cục sở hữu trí tuệ, người khiếu nại có quyền khiếu nại với bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Trường hợp khiếu nại với bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ, trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được đơn khiếu nại, bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ phải thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại. Nếu không đồng ý với giải quyết của bộ trưởng bộ khoa học và công nghệ, người khiếu nại coa quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.