Trung Quốc có nhiều loại trà, trong đó có 4 loại nổi tiếng nhất: trà Long Tỉnh (ở tỉnh Triết Giang), trà Ô Long, trà Thiết Quan Âm (ở tỉnh Phúc Kiến), trà Phổ Nhĩ (ở tỉnh Vân Nam). Trong các loại danh trà kể trên, trà Long Tỉnh được đánh giá cao nhất, có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm và đậm, xưa kia các bậc vua chúa và quý tộc Trung Quốc thích dùng nhất loại trà này.
Trà Long Tỉnh nghĩa là trà rồng nằm trong giếng, được chế biến tại Hàng Châu. Nơi đây thiên nhiên rất đặc trưng, khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào, do đó trở thành một nơi rất thích hợp cho trà xanh sinh trưởng.
Trà Long Tỉnh được vua thời Khang Hy Mãn Thanh phong là hoàng trà, loại trà biểu trưng cho hoàng đế.
Trà Long Tỉnh nước xanh mát, thoang thoảng hương thơm... Trà Long Tỉnh thường được đựng trong hộp giấy sang trọng để dùng làm quà tặng cao cấp cho giới thượng lưu ở Bắc Kinh.
Nghệ thuật uống trà Long Tĩnh
Trà được cho vào từng cốc, lần đầu chỉ rót một ít nước (chỉ nóng 80 độ), sau đó mới rót đầy cốc - cách rót cũng đặc biệt. Cầm chiếc ấm nước rót vào cốc, nhưng khi rót nhún lên nhún xuống đến ba lần, mục đích là để đảo trà cho đều, nếu không khéo tay thì nước nóng có thể văng tung toé trên bàn. Năm phút sau, mới lấy nắp đậy lên cốc. Để tỏ ý cám ơn người pha trà, trước khi uống, nên lấy hai ngón tay trỏ và giữa gõ lên cốc ba lần.
Điều đáng chú ý là người Trung Quốc không uống trà đặc như ở Việt Nam. Họ cho rằng uống trà đặc sẽ dẫn đến sự hưng phấn quá độ ở đại não, làm cho nhịp tim tăng nhanh và do đó không lợi cho sức khoẻ.
Trà Long Tỉnh có nhiều loại, loại rẻ tiền nhất là trà lão bà có thể hái vào bất cứ giờ nào trong ngày, còn quý nhất là trà cô nương, chỉ hái vào lúc 2 - 3 giờ đêm. Theo lời cô, trà Long Tỉnh có thể giữ được một năm rưỡi, còn nếu để trong tủ lạnh có thể giữ được ba năm.
Cũng giống như trà Ô Long, trà Long Tỉnh có thể pha năm lần mà vẫn còn hương vị. Chúng tôi lấy trà khô chưa pha cho vào mồm nhai thử, thấy rất dễ ăn, vừa thơm vừa ngọt, giòn tan trong miệng, nuốt vào rồi mà hương vị còn đọng ở cổ họng rất lâu.