Điều chưa biết trong lòng rạn san hô
Các nhà nghiên cứu biển, mới đây, khi lặn sâu xuống những khe hở và ngóc ngách bên dưới bề mặt rạn san hô sặc sỡ ở biển Đỏ, đã tìm thấy một cộng đồng đông đảo các sinh vật biển, mà rất nhiều trong số đó hoàn toàn mới mẻ đối với khoa học.
Mark Wunsch, thuộc Đại học Bremen ở Đức, tác giả của nghiên cứu, cho rằng phát hiện này có thể giải quyết được “Nghịch lý của rạn san hô” mà Charles Darwin nhận định năm 1842. Theo Darwin, rạn san hô, khu vực có sự đa dạng sinh học lớn nhất trong đại dương, lại xuất hiện ở những vùng nước nghèo dinh dưỡng nhất thế giới. Chúng giống như các ốc đảo trong một sa mạc nước. Vì sao vậy?
Giả định của Wunsch là các cư dân trong rạn san hô đã khai thác chất dinh dưỡng trôi nổi từ nước, rồi biến chúng thành thức ăn phù hợp cho san hô.
Wunsch, với thiết bị thăm dò CaveCam có thể đi sâu 4 m vào lòng rạn san hô, đã tìm thấy rằng cấu trúc bên trong rạn có diện tích tiếp xúc lớn hơn nhiều so với bên ngoài, thông thường gấp từ 2,5 đến 7,5 lần. Bám trong các lỗ rỗng và khe hở đó là chật ních các loài hải miên, vi khuẩn và các loài sinh vật kiếm ăn bằng cách lọc nước. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng chúng đã lọc tới 60% các động, thực vật phù du bơi ngang qua.
Và chính các loài hải miên ở đây, sau khi tiêu hoá sinh vật phù du, đã bài tiết ra nitơ và phốt pho làm phì nhiêu rạn san hô, cho phép chúng lớn nhanh trong vùng nước nghèo dưỡng chất này.
Lý giải trên được Jean Vacelet ở Trung tâm Hải dương học Marseilles, Pháp, nhận định là rất đáng tin cậy. Ông nói: “Cho đến nay, tất cả mọi người mới chỉ nghiên cứu phần nhìn thấy của rạn san hô. Phát hiện này có thể mở đường cho các nghiên cứu sau này về những bí ẩn còn giữ kín trong lòng nó”.
(Theo Nature)