Đi thăm người bệnh như thế nào?
Khi có một người bạn thân nào đó bị bệnh, phải nằm viện, hẳn là bạn rất lo lắng muốn đến thăm để xem tình hình cụ thể của họ thế nào, có nguy hiểm gì không. Nhưng bạn nên biết, đi thăm bệnh nhân trong bệnh viện cũng cần tuân theo một số lễ nghi nhất định. Nếu không hiểu rõ những lễ nghi này, e rằng bạn sẽ chỉ làm cho không khí ở đó thêm lộn xộn, làm người bệnh mệt hơn mà thôi.
Hỏi thăm tình trạng của người bệnh

Trước khi vào viện thăm người đó, bạn nên hỏi người nhà của họ để xem tình hình bệnh tật của bạn mình ra sao rồi mới quyết định đến thăm. Mỗi người có một bệnh khác nhau, có người cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng; có người lại không muốn người khác nhìn thấy mình trong tình trạng bệnh tật như vậy. Vì vậy, bạn cần xác định chính xác thời gian có thể đến thăm để vừa gặp được bạn mình, lại vừa không làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người bệnh.
Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ xem mình “có thể ở lại được trong khoảng thời gian bao lâu?”. Phòng bệnh không phải là nơi để bạn có thể thoải mái nói chuyện với bạn bè, người bệnh cũng không đủ sức khỏe để tiếp chuyện bạn quá lâu. Vì vậy, tốt nhất là bạn chỉ nên lưu lại trong khoảng từ 15 - 20 phút để vừa không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người bệnh, vừa không làm phiền đến người nhà và những người khác ở trong phòng.
Trò chuyện với người bệnh
Khi đến thăm người bệnh trong bệnh viện, bạn cần ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, không trang điểm quá cầu kỳ, không gây ồn ào, huyên náo để tránh làm ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác. Đây là những lễ nghi cơ bản nhất khi đến thăm người bệnh trong bệnh viện mà bất kỳ một bạn gái nào cũng phải biết và làm theo.
Khi gặp người bệnh, bạn không nên tỏ ra lo lắng hoặc quá bi quan về tình trạng hiện giờ của người đó. Đôi khi, những sự lo lắng, quan tâm quá mức sẽ càng gây cho người bệnh những áp lực tâm lý nặng nề. Tốt nhất là bạn chỉ nên nói với người bệnh về những chuyện vui, những câu động viên, an ủi nhẹ nhàng như: “Bạn hồi phục nhanh như thế này là tốt rồi? Cố gắng nghỉ ngơi cho mau khỏe nhé!”.
Một điều nữa bạn cũng cần lưu ý là không nên hỏi quá kỹ về tình hình bệnh tật của người bệnh. Nếu thực sự muốn biết về điều này, bạn có thể tìm hiểu thông qua các bác sĩ, y tá hoặc người nhà của họ.
Đôi khi, việc bạn quá hào hứng kể lại mọi chuyện diễn ra ở trường hoặc ở công ty khi người bệnh vắng mặt lại là một sự giày vò đối với họ. Nếu không khéo léo, bạn sẽ khiến người bệnh có cảm giác lạc lõng, giống như đang bị cả thế giới bỏ rơi vậy. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý cũng như quá trình hồi phục của người bệnh. Vì vậy, khi trò chuyện với người bệnh, bạn cũng cần hết sức lưu ý để lựa chọn chủ đề và phương thức thích hợp.
Tặng quà cho người bệnh
Để thể hiện tấm lòng, sự quan tâm của mình đối với người bệnh, bạn có thể mang theo một chút quà nhỏ khi tới thăm họ trong bệnh viện.
- Hoa. Một bó hoa được bó cẩn thận, chu đáo hoặc một lẵng hoa thật đẹp sẽ mang lại cho người bệnh cảm giác thoải mái, vui vẻ.
Bạn cũng cần lưu ý rằng: Hoa tuy đẹp, nhưng không phải loại hoa nào cũng có thể mang tặng cho người bệnh. Những loại hoa có mùi hương quá nồng như hoa loa kèn, hoa lan, ... đều không thích hợp để cắm trong một phòng bệnh chật chội. Những loại hoa chuyên dùng cho việc tang lễ như hoa huệ tuyệt đối không phù hợp để mang tặng người bệnh. Bạn cũng không nên tặng người bệnh những loại hoa có màu sắc quá chói, để tránh gây kích thích về thị giác khiến người bệnh căng thẳng, khó chịu.
Ngoài ra, bạn cũng không nên mang theo bình cắm hoa vì có thể gián tiếp mang vi khuẩn vào phòng bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
- Trái cây, bánh ngọt. Đây đều là những đồ ăn nhẹ nhàng, bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, bạn cũng cần hết sức lưu ý vì có thể có một số thứ mà người bệnh phải kiêng, không được ăn. Trước đó, bạn nên hỏi người nhà xem người bệnh có thể ăn được những món gì để chuẩn bị món quà phù hợp nhất với họ.
Thông thường, những người bị sốt nóng luôn cần được ăn đồ mát để bù nước, nên bạn có thể chọn hoa quả tươi hoặc trái cây đóng hộp, nước hoa quả ép,... Nếu người bệnh đang trong quá trình hồi phục sức khỏe, bạn có thể mang tặng những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ hấp thu. Nếu người bệnh bị sốt vì viêm tuyến nước bọt, bạn cần chú ý không mang tặng họ những đồ ăn hoặc hoa quả có vị chua để tránh bị đau trong khi ăn, khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.
Với những người bị bệnh kiết lỵ hoặc viêm đường ruột, bạn không nên mang tặng những món đồ ăn hoặc hoa quả có tính lạnh, cứng, nhiều dầu mỡ và dễ gây đầy bụng. Hãy tặng họ những đồ ăn dễ tiêu, nhẹ bụng và có tác dụng sát khuẩn đường ruột như sữa bột dễ tan, bánh quy sô-đa, . . .
Với những người bệnh bị viêm loét dạ dày hoặc phải mổ dạ dày, bạn có thể tặng họ bánh mì có vị mặn, ruốc gà, ruốc cá, nước quả đóng chai vì những đồ ăn này giúp trung hòa xít trong dạ dày, bảo vệ niêm mạc đường ruột, rất an toàn và thích hợp với người bệnh. Cũng cần chú ý không nên tặng cho những người bị mổ dạ dày những đồ ăn có quá nhiều nước.
Những người bị bệnh gan mạn tính, bệnh sỏi thận hoặc bệnh ung thư ở giai đoạn đầu rất cần bồi bổ bằng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như sữa bột, mật ong, chuối tiêu, lê, thịt gà, đầu cá đóng hộp. Với những người bị bệnh sỏi, bạn có thể tặng họ những đồ ăn nhiều canxi như sườn hoặc cá hồi đóng hộp.
- Sách báo, tạp chí, đĩa nhạc. Nằm bệnh viện lâu, người bệnh thường cảm thấy buồn chán, cô đơn. Vì thế, bạn có thể mua tặng họ những cuốn sách báo, tạp chí hoặc đĩa nhạc mà họ yêu thích để giúp họ thư giãn, thoải mái hơn về tinh thần.