Tài liệu: Khắc phục tâm lý xấu hổ trong giao tiếp như thế nào?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một số bạn gái rất ghét hoặc rất sợ phải đối diện trước một đám đông. Họ không những thấy xấu hổ, ngại ngùng mà còn luôn thấy bất an, muốn bài xích tất cả những gì không thuộc về thế giới riêng của mình
Khắc phục tâm lý xấu hổ trong giao tiếp như thế nào?

Nội dung

Khắc phục tâm lý xấu hổ trong giao tiếp như thế nào?

Tự tin và không quá đề cao bản thân

Một số bạn gái rất ghét hoặc rất sợ phải đối diện trước một đám đông. Họ không những thấy xấu hổ, ngại ngùng mà còn luôn thấy bất an, muốn bài xích tất cả những gì không thuộc về thế giới riêng của mình. Tình trạng không thích ứng được với môi trường tập thể này được gọi là “chứng sợ giao tiếp”.

Chứng sợ giao tiếp là một loại bệnh về tinh thần, nhưng những người do tính cách hướng nội, hay xấu hổ mà ngại giao tiếp, lại hoàn toàn khác với những người thật sự mắc phải căn bệnh này. Những người mắc chứng bệnh sợ giao tiếp thường có cái nhìn tiêu cực đối với tập thể. Họ khó mà nói chuyện với bất kỳ ai trừ những người thân thiết trong gia đình mình. Họ không thể chủ động bước ra khỏi thế giới riêng của mình và cũng không muốn gia nhập vào một tập thể nào khác. Họ luôn cảm thấy không thoải mái khi ở trong đám đông, sợ bị người khác chú ý, sợ bị phê bình, sợ mình có biểu hiện không tốt,...  Những người mắc bệnh ở dạng nhẹ vẫn có thể có cuộc sống bình thường nhưng những người đã mắc bệnh nặng, thì cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Với tâm lý đó, họ sẽ không thể học tập và làm việc bình thường như những người khác được.

“Sợ giao tiếp” là một dạng bệnh tâm lý phức tạp, mức độ nguy hiểm của nó chỉ xếp sau bệnh trầm cảm và bệnh nát rượu. Hơn nữa, trong cuộc sống xã hội hiện đại do các bạn gái đang phải chịu ngày càng nhiều áp lực nên số lượng người mắc bệnh này cũng đang có xu hướng tăng lên. Hơn nữa, vì sợ hãi, ngại gặp người lạ hoặc vì sợ bị gán mác “mắc bệnh về thần kinh” nên hầu như tất cả họ đều không muốn đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị bệnh.

Làm thế nào để biết bạn có mắc bệnh “sợ giáo tiếp” hay không

Theo các bác sĩ tâm lý, bạn có thể tự trắc nghiệm theo ba câu hỏi dưới đây để biết mình có mắc bệnh “sợ giao tiếp” hay không:

(1). Bạn có vì sợ hãi hoặc xấu hổ khi ở trước mặt người khác mà không dám nói chuyện hoặc cùng họ làm chung một việc gì đó hay không?

(2). Bạn có muốn trở thành tiêu điểm của mọi sự chú ý hay không?

(3). Bạn có sợ người khác cảm thấy mình rất ngu dốt hoặc hay xấu hổ hay không?

Nếu bạn rơi vào 2 trong 3 tình huống nêu trên, thì đã đến lúc bạn cần phải thay đổi, điều chỉnh lại mình. Nếu những tình huống giả định trên thật sự khiến bạn chỉ muốn lẩn trốn trong nhà, không muốn tiếp xúc với bất kỳ người lạ nào, thì chắc chắn bạn cần đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Công việc điều trị chứng bệnh “sợ giao tiếp” có thể được chia thành 2 phần lớn, là điều trị bằng tâm lý và điều trị bằng thuốc. Những người mới mắc bệnh hoặc ở dạng nhẹ có thể chỉ cần điều trị bằng tâm lý. Bác sĩ sẽ có những buổi nói chuyện với bạn để từ đó tìm hiểu nguyên nhân thật sự khiến bạn sợ giao tiếp là gì để có hướng tư vấn kịp thời, giúp bạn tăng thêm lòng tự tin. Nếu bệnh của bạn đã ở dạng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng thuốc cho bạn. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần phải làm chính là chấp nhận chính mình.

Cảm giác về bản thân có ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của bạn

Đôi khi chúng ta cảm thấy rất sợ hãi trước những áp lực bên ngoài. Chúng ta cảm thấy cô đơn bởi không thể khẳng định được rằng mình là một người thật sự xuất sắc. Mỗi người đều cần được những người khác thừa nhận và nếu không được như vậy, hẳn bạn sẽ cảm thấy rất sợ hãi, lo lắng.

Một trong những vấn đề khiến các bạn nữ khổ tâm nhất trong cuộc sống chính là sự thiếu tự tin. Họ cho rằng mình không đủ kiên cường, mạnh mẽ, không khiến người khác yêu thích, không đủ thông minh, không có sức hấp dẫn, không được khéo léo và thậm chí mà không đủ dũng cảm,... Nói tóm lại, họ hoàn toàn không hài lòng hay nói cách khác là chán ghét chính mình. Tuy nhiên, không ai trong số họ hiểu thế nào là “đủ” mà chỉ biết mình “không đủ” những phẩm chất trên mà thôi. Mỗi khi nhìn xung quanh, họ lại thấy dường như những người khác đều có những phẩm chất tốt đẹp mà mình ngưỡng mộ: sức hấp dẫn, phong độ, được mọi người yêu mến,... Điều này khiến họ càng thêm sợ hãi, xấu hổ, không dám nói chuyện trước đám đông.

Điều đương nhiên là mỗi người trong chúng ta đều ít nhiều trải qua cảm giác sợ hãi như vậy. Dù bản thân đã thực sự trưởng thành, nhưng mỗi người cũng không thể không sợ hãi hay căng thẳng trước bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, rất nhiều người đã học và vượt qua được sự sợ hãi, căng thẳng đó để trở nên dũng cảm hơn.

Một số người cũng đã học được cách dùng vẻ bề ngoài để che giấu bản tính hay xấu hổ, nhút nhát và chứng minh rằng mình cũng có năng lực, cũng tự tin, cũng có cuộc sống hạnh phúc như tất cả những người khác. Khi nhìn xuyên qua được vẻ bề ngoài đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng, ngoài lớp “vỏ bọc” bên ngoài kia, thì họ cũng có những nguyện vọng giống như bạn: Hy vọng được mọi người yêu mến, tôn trọng. Và cũng giống như bạn, họ cũng lấy làm buồn nếu không thể đạt được mục tiêu của mình.

Nếu nói chuyện với bạn bè về những cảm nhận này, bạn sẽ phát hiện ra rằng chính những người bạn của mình cũng có cảm nhận tương tự. Sau khi biết được như vậy, bạn và những người bạn đó có thể trò chuyện thân mật, thoải mái và cởi mở hơn để làm giảm bớt phần nào cảm giác căng thẳng, sợ hãi của mình.

Điều khó khăn nhất nhưng cũng hiệu quả nhất chính là bạn phải “bắt tay, nói chuyện” được với chính mình. Bạn cần học cách chấp nhận một sự thật là: Bạn không phải là một người hoàn hảo. Cho dù có thật sự xuất sắc ở một mặt nào đó, thì bạn cũng phải thừa nhận rằng: Có một số chuyện mình không thể biết, có một số việc mình không thể làm được. Lúc nào bạn cũng phải ghi nhớ rằng, trên thực tế, bạn không thể biết hết được tất cả mọi chuyện, không thể tự mình làm được công việc của tất cả mọi người. Tuy nhiên, dù thế nào, bạn vẫn là một con người thật đặc biệt và xứng đáng được tôn trọng.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4191-02-633705652960898119/Giao-tiep-voi-nguoi-la/Khac-phuc-tam-ly-x...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận