Tài liệu: Những kiến thức cơ bản mà bạn gái cần biết trong giao tiếp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Là những người bạn gái hiện đại, chúng ta càng cần chú ý nhiều hơn đến một số kiến thức cơ bản trong giao tiếp xã hội.
Những kiến thức cơ bản mà bạn gái cần biết trong giao tiếp

Nội dung

Những kiến thức cơ bản mà bạn gái cần biết trong giao tiếp

Là những người bạn gái hiện đại, chúng ta càng cần chú ý nhiều hơn đến một số kiến thức cơ bản trong giao tiếp xã hội. Làm thế nào để trở thành một người được nhiều người khác yêu mến? Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn gái đẹp hơn trong mắt những người xung quanh. Nếu bạn làm đúng theo những bí quyết này, tin chắc bạn sẽ chiếm được thiện cảm của rất nhiều người khác.

- Khi đến thăm bạn bè, bạn cần thông báo trước và hẹn chính xác thời gian tới. Bạn không nên xuất hiện tại nhà một người bạn nào đó với tư cách vị khách “không mời mà tới”. Nếu người bạn đó không thể tiếp đón bạn vào thời gian này, thì cả hai sẽ thấy vô cùng khó xử.

- Không nên lưu lại quá lâu khi ở chơi nhà một người nào đó, nếu không, chủ nhà có thể vì phải tiếp đãi bạn mà ảnh hưởng đến công việc thường ngày của họ. Cho dù họ không nói điều đó ra nhưng chắc chắn trong lòng sẽ cảm thấy rất khó chịu, không được thoải mái. Khi bạn đang nói chuyện với chủ nhà, nếu có một người bạn khác đến chơi, bạn nên khéo léo cáo từ để chủ nhà tiếp đãi người khách mới đến.

- Cần đến đúng giờ nếu bạn được mời đi dự lễ thành hôn của một người bạn nào đó. Khi đến nơi, bạn cũng đừng quên nói lời chúc mừng với cô dâu, chú rể cũng như những người thân của họ.

- Khi đến dự lễ tang của ai đó, bạn cần nhớ ngỏ lời chia buồn, an ủi gia chủ. Bạn cũng cần chú ý không chọn những bộ trang phục có màu sắc lòe loẹt, sặc sỡ khi đi dự lễ tang.

- Khi đến chơi và ở lại nhà ai đó trong một vài ngày, bạn cần tìm hiểu và quan sát xem thói quen sinh hoạt thường ngày của gia chủ để cố gắng thích ứng, cố gắng không làm xáo trộn cuộc sống bình thường của những người trong gia đình họ. Bạn cũng cần cố gắng để thể hiện mình là một người đúng mực, lịch sự, luôn giữ gìn mọi thứ sạch sẽ, ngăn nắp, tránh gây phiền toái cho gia chủ. Khi ra về, đừng quên cảm ơn chủ nhà cũng như tất cả mọi người trong gia đình đã giúp đỡ bạn trong thời gian lưu lại đó.

- Khiêm tốn, lễ độ khi nói chuyện với người lớn tuổi; chân thành, thẳng thắn với bạn bè; luôn giữ thái độ đúng mực với những người bạn khác giới. Khi nói chuyện với bất kỳ người nào, bạn cũng cần giữ lễ nghi cần thiết, không thao thao bất tuyệt và cần chú ý không bình luận về những vấn đề mà mình không hiểu biết nhiều.

- Tuyệt đối không bàn luận đến những vấn đề mang tính cá nhân, riêng tư của người khác trong khi nói chuyện.

- Dù thật sự có tài hơn người, thì khi ở trước mặt những người khác, bạn cũng cần giữ thái độ khiêm tốn, lịch sự, không phô trương những khả năng của mình. Thái độ khiêm tốn luôn giúp bạn chiếm được cảm tình của người khác hơn là sự tự kiêu, cao ngạo. Bạn cũng cần nhớ rằng: Không ai thích kết bạn với một người luôn cho mình là nhất và không coi ai ra gì.

- Bạn không nên tỏ ra quá thân thiết, gần gũi với những người bạn giàu có và cũng không nên thờ ơ, lạnh nhạt với những người bạn nghèo. Chúng ta cần cố gắng để hòa đồng với tất cả mọi người. Quá coi trọng vật chất sẽ chỉ khiến cho những người khác xem nhẹ nhân cách của bạn mà thôi.

- Bạn nên làm gì nếu cảm thấy quá phiền phức vì những cuộc điện thoại gọi đến trong ngày? Một số bạn gái lịch sự thường không biết phải nói thế nào để đối phương biết rằng mình đang bận và họ nên chấm dứt cuộc điện thoại. Thực ra vấn đề này cũng không khó giải quyết. Trong lúc đối phương đang nói, bạn có thể xen ngang rằng: “Xin chờ một chút để mình ra mở cửa. Hình như có ai đó vừa mới đến!”. Lúc này, nếu người gọi tinh ý và hiểu biết thì họ sẽ chủ động dừng cuộc điện thoại. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục nói thì bạn có thể vờ kêu lên rằng: “Thôi chết, tôi quên chưa tắt bếp, đã bắt đầu có mùi khét rồi” và chắc chắn sau đó bạn sẽ không bị làm phiền bởi cuộc điện thoại của người này nữa. Tuy nhiên, dù trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng cần giữ thái độ lịch sự, xin lỗi đối phương trước khi gác máy. Bạn tuyệt đối không nên nổi nóng và gào lên với đối phương trong điện thoại rằng: “Tôi chẳng có chút hứng thú nào để nói chuyện bây giờ cả! Có gì cần thì bạn (anh) nói mau đi”, hoặc “Lại là bạn gọi đến à? Có chuyện gì để ngày mai nói không được sao?”,...

- Bạn làm gì khi không muốn tiếp vị khách vừa đến chơi nhà mình? Bạn sẽ không thể “đuổi khéo” người khách đó ra về bằng cách lao xuống bếp và nói: “Tôi còn có việc phải làm bây giờ”. Cách tốt hơn là bạn nên ăn mặc chỉnh tề một chút khi ra mở cửa đón khách. Thấy bạn trong bộ trang phục lịch sự, gọn gàng như vậy, hẳn người khách sẽ hỏi: “Bạn định đi đâu mà ăn mặc như vậy?”. Lúc đó, bạn có thể trả lời rằng: “Tôi đang định đến chơi nhà ... Chúng ta cùng đi nhé?”. Rất ít người khách còn ý định ở lại nhà bạn sau khi biết bạn cũng đang định đến chơi nhà ai đó vào đúng lúc họ đến.

- Không nên có những hành động khiến người khác nghi ngờ khả năng giao tiếp xã hội của bạn. Bạn luôn tự tin vào khả năng giao tiếp của mình, nhưng đôi khi bạn sẽ tự đánh mất vẻ đẹp đó trong mắt mọi người vì chính những hành động vô tình như thì thầm to nhỏ với một bạn khác khi đang ngồi giữa đám đông hoặc nói chuyện riêng với ai đó bằng một ngôn ngữ khác mà những người còn lại không thể hiểu được. Dù đôi khi những câu chuyện được nói chỉ là bí mật riêng giữa hai bạn nhưng chính những hành động như vậy sẽ khiến bạn bị “mất điểm” về khả năng giao tiếp trước mọi người.

Bạn sẽ làm gì nếu quên mất tên của một ai đó sau khi đã được giới thiệu? Việc gọi nhầm tên người này thành người khác là một biểu hiện rất mất lịch sự trong giao tiếp. Nếu bạn gọi nhầm “cô” thành “bà” thì lại càng xấu hổ hơn.

Trong những trường hợp đó, bạn không nên gọi bừa tên của đối phương nếu không nhớ chính xác. Nếu thẳng thắn thừa nhận: “Đúng vậy chúng ta đã từng gặp nhau rồi. Nhưng, thật xin lỗi quá, hiện giờ thì tôi không thể nhớ được tên của chị”, hoặc bạn dùng cách “lùi để mà tiến!”: “Thật vui quá! Chúng ta lại gặp nhau rồi! Bạn còn nhớ mình chứ?” thì đều rất mất lịch sự với đối phương. Cách làm duy nhất có hiệu quả trong trường hợp này là bạn hãy tự giới thiệu lại một lần nữa. Sau khì nói “Xin chào?”, bạn hãy chủ động giới thiệu luôn: “tôi là …”. Cách nói này vừa lịch sự, vừa thể hiện được sự khiêm nhường của bạn trong giao tiếp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4191-02-633705637634077845/Giao-tiep-voi-nguoi-la/Nhung-kien-thuc-co...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận