Tài liệu: Một số điều bạn gái cần lưu ý trong giao tiếp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mỗi khi giải quyết một việc gì đó, chúng ta bao giờ cũng bắt đầu từ những tình tiết nhỏ nhất. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua những lễ nghi nhỏ trong giao tiếp.
Một số điều bạn gái cần lưu ý trong giao tiếp

Nội dung

Một số điều bạn gái cần lưu ý trong giao tiếp

Mỗi khi giải quyết một việc gì đó, chúng ta bao giờ cũng bắt đầu từ những tình tiết nhỏ nhất. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua những lễ nghi nhỏ trong giao tiếp. Một số người thường mắc sai lầm chỉ vì luôn chú trọng đến cái lớn mà coi nhẹ những chi tiết nhỏ nên dẫn đến kết quả là, cả việc lớn bị ảnh hưởng hoặc bị chậm lại. Bạn hãy nhớ rằng: Câu nói “việc lớn bắt nguồn từ việc nhỏ” không bao giờ là sai cả.

Chúng ta cần coi trọng những tiểu tiết trong khi nói chuyện với người khác. Như vậy không có nghĩa là bạn phải tìm mọi cách để lấy lòng họ mà chỉ cần cố gắng tỏ ra tôn trọng đối phương và giữ phép lịch sự trong mọi hoàn cảnh là được.

Ví dụ: Trong khi nói chuyện với một người bạn, dù cảm thấy ý kiến của họ là hoàn toàn vô lý hoặc có sai sót thì bạn cũng không nên lên tiếng phê phán ngay lúc đó. Nếu đó là việc không mấy quan trọng, bạn hãy cố gắng nhẫn nhịn để tỏ ý tôn trọng đối phương hoặc thậm chí là khuyến khích để đối phương tiếp tục phát biểu ý kiến của mình.

Trong khi đối phương đang nói, bạn có thể chen vào vài câu tỏ ý tán thưởng. Không phải bạn đang cố tình đề cao đối phương mà bởi bất cứ ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn được người khác khen ngợi. Trong khi nói chuyện, bạn có thể “tùy cơ ứng biến” để hô ứng với đối phương, nói về những chủ đề cả hai cùng thấy hứng thú và không nên đề cập đến những điểm yếu với đối phương. Đây là một số lễ nghi nhỏ trong giao tiếp mà mỗi người chúng ta đều cần chú ý.

Nắm vững 5 phút đầu tiên của mỗi cuộc nói chuyện

Bạn cần bao nhiêu phút trong lần gặp mặt đầu tiên để xác định xem người đối diện có thể trở thành bạn của mình hay không? Một tiến sĩ người Mỹ đã từng phát biểu trong một cuốn sách rằng: Điểm mấu chốt của mỗi cuộc nói chuyện đều nằm ở ngay trong 5 phút đầu tiên hai bên tiếp xúc với nhau. Ông cho rằng: 5 phút tiếp xúc đầu tiên giữa hai người sẽ chủ yếu là nói chuyện. Trong khi nói chuyện, bạn cần phải cảm thấy có hứng thú với bất cứ chuyện gì đối phương đề cập đến. Cho dù đối phương làm nghề gì, nói theo cách nào thì bạn cũng cần kiên nhẫn trong khi nói chuyện với họ. Nếu làm được như vậy, chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều bạn tốt trong cuộc sống. Có thể bạn cũng sẽ nhận ra rằng, mỗi người đều có những biểu hiện khác nhau trong lần gặp gỡ đầu tiên với một người nào đó. Một số người đã trở thành bạn của bạn, nhưng bạn thấy 5 phút đầu tiên cuộc trao đổi của hai người rất tẻ nhạt. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng đôi khi sự thiếu kiên nhẫn đã khiến bạn để mất những người bạn có khả năng giúp đỡ mình nhiều nhất. Chính bạn cũng có thể tưởng tượng được rằng, nếu gặp gỡ ai đó trong lần đầu tiên mà đã có ấn tượng không tốt thì hẳn là chúng ta sẽ không muốn phải gặp lại và cả hai sẽ khó mà trở thành những người bạn tốt của nhau được.

Thường thì chúng ta luôn thấy có hứng thú với những người thích mình. Trong 5 phút đầu nói chuyện với những người lần đầu tiên gặp mặt, bạn cần cố gắng thể hiện sự thân thiện và tự tin của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần thể hiện được mong muốn, khát vọng được thông cảm, tha thứ và trở thành bạn của tất cả mọi người. Mỗi khi nghe đối phương nói đến các giải thưởng mà họ đã từng đạt được, bạn hãy nói một cách khiêm tốn rằng “anh thật giỏi quá, tôi vẫn còn kém xa!”. Bạn cũng nên dùng các cách kín đáo, tế nhị để thể hiện những ưu điểm của mình. Mỗi khi nghe thấy đối phương nói điều gì đó không thuận tai, không đúng, bạn không nên để lộ sự không bằng lòng hoặc giải thích quá nhiều. Khi trả lời câu hỏi, cần thể hiện sự thân thiện, gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Một điều nữa bạn cũng cần hết sức lưu ý là trong 5 phút đầu tiên của cuộc nói chuyện, bạn không nên biểu diễn bất cứ trò chơi nào cho người đối diện xem và cũng không nên than nghèo kể khổ hay nói dài dòng, lôi thôi về một vấn đề gì đó. Những biểu hiện này có thể khiến bạn mất đi một người bạn tốt ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên.

“Nói chuyện” bằng ánh mắt

Hẳn là bạn sẽ cảm thấy mất tự nhiên và không thoải mái nếu người đang nói chuyện với mình lại cúi mặt nhìn xuống bàn hoặc đưa mắt nhìn ra cửa sổ.

Trong trường hợp đó, bạn có tin tưởng hoàn toàn vào những nội dung mà đối phương đang nói với mình không? Dù đối phương không hề có tính toán gì khác thì những biểu hiện đó cũng khiến bạn phải đặt câu hỏi: “Liệu những điều anh ta nói có thật hay không?” hoặc “Anh ta còn có ý gì khác ngoài những lời anh ta nói nữa không nhỉ?”...

Ánh mắt nhìn thường có sức hút rất lớn với người đối diện. Vì vậy, khi muốn nhấn mạnh một điều gì đó với đối phương, bạn đừng quên nhìn thẳng vào họ và không thay đổi hướng nhìn cho đến khi trình bày xong vấn đề. Ngoài ra, khi đối phương nói, bạn cũng cần nhìn họ một cách chăm chú, đôi khi bày tỏ sự đồng tình của mình với quan điểm của đối phương để thể hiện là mình đang rất chú ý lắng nghe.

Một số người lại cho rằng nếu cứ nhìn chằm chằm vào đối phương trong khi nói chuyện sẽ khiến cho họ mất tự nhiên và trở nên bối rối hơn. Nếu thuộc tuýp người này, bạn hãy cố gắng rèn luyện cho mình sự dũng cảm, nhìn thẳng vào đối phương trong khi đang nói đến những vấn đề quan trọng. Một điều nữa cần lưu ý là, bạn nên cố gắng để cả hai người luôn được thoải mái về tinh thần, không nên tạo cho đối phương bất kỳ một áp lực nào trong khi nói chuyện.

Hô ứng với đối phương trong khi nói chuyện

Trong khi nghe đối phương nói chuyện, nếu bạn có thể hô ứng kịp thời với người đó thì cuộc nói chuyện sẽ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, phần hô ứng của bạn cũng không nên đi quá đà. Nếu như với mỗi câu nói của đối phương, bạn đều thốt lên “ồ”, “à” hoặc không hề phản ứng gì cả thì cũng đều khiến đối phương cảm thấy buồn tẻ, chán nản.

Nói chuyện cũng giống như việc tập bóng của các cầu thủ trên sân vậy. Mỗi cầu thủ không những cần phải biết nhận bóng, mà còn phải biết cách chuyền bóng đi sao cho chính xác, đạt hiệu quả cao. Bạn cũng nên trình bày thêm ý kiến của mình vào những lúc cần thiết. Đồng thời, bạn cũng đừng quên bày tỏ cảm nhận của mình về chủ đề mà đối phương đang nói tới: “Tôi rất hứng thú với câu chuyện mà bạn vừa kể!”...

Nói những chuyện phù hợp với hoàn cảnh

Một cô gái thông minh sẽ luôn biết lắng nghe trước khi nói. Đồng thời, cô gái đó cũng biết dựa vào phản ứng của đối phương để điều chỉnh nội dung nói chuyện một cách phù hợp chứ không chỉ chú ý đến việc nói sao cho mình cảm thấy thoải mái nhất.

Phong độ thể hiện trong ngôn từ và cử chỉ

Ngôn từ và cử chỉ trong khi nói chuyện sẽ thể hiện phong độ của bạn. Phong độ là một yếu tố không thể coi nhẹ trong khi nói chuyện.

Phong độ là sự thể hiện bên ngoài của đạo đức, tình cảm, khi chất, tính cách cũng như trình độ văn hóa của một người nào đó, đồng thời cũng là điểm để giúp người khác hiểu rõ hơn về họ. Ngoài ra, muốn người khác tiếp thu, thấu hiểu và đồng cảm với những câu chuyện của mình, bạn gái cũng cần cố gắng để lại ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc với người đó. Vì vậy, chúng ta lại càng không thể không coi trọng phong độ khi nói chuyện.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4191-02-633705643242525873/Giao-tiep-voi-nguoi-la/Mot-so-dieu-ban-ga...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận