Tài liệu: Bí ẩn về tiếng nói động vật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nếu cho rằng tiếng nói là độc quyền của loài người, bạn đã sai lầm. Nhà bác học Pháp Percon de Jamblu, trong cuốn “Ngôn ngữ của loài vật,, viết năm 1984, đã liệt kê một loạt các tín hiệu - từ mà khỉ thường dùng.
Bí ẩn về tiếng nói động vật

Nội dung

Bí ẩn về tiếng nói động vật

Nếu cho rằng tiếng nói là độc quyền của loài người, bạn đã sai lầm. Nhà bác học Pháp Percon de Jamblu, trong cuốn “Ngôn ngữ của loài vật,, viết năm 1984, đã liệt kê một loạt các tín hiệu - từ mà khỉ thường dùng.

Ví dụ “kech”, nghĩa là “tôi cảm thấy tốt hơn”, “okoko” là “tôi thấy sợ”, “úik-úik” là “dứt khoát đòi gì đó”, hay “gepokiki” là “tín hiệu báo động”.

Nhà bác học người Đức Georg Schweedetski, sau nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ của khỉ, đã đi đến kết luận là ngôn ngữ cổ xưa của nhiều dân tộc như Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác nữa bắt nguồn từ những cách phối hợp của khỉ. Ví dụ, từ Trung Quốc cổ “mang” có nghĩa là sự phẫn nộ, “gang” là điều độc ác và có thể là chúng bắt nguồn từ các tiếng “mưgac”, “ưgac” mà qua đó khỉ muốn biểu thị sự tức giận và căm phẫn.

Ngoài lưỡi, các động vật còn có các phương thức biểu hiện khác thông qua tư thế, động tác... Mùi cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Có cả những kênh liên lạc khác ít được nghiên cứu như định vị điện tử ở một số loài cá hay định vị siêu âm ở dơi, tín hiệu tần số cao ở cá heo hay tín hiệu hồng ngoại ở voi và cá voi...

Những kẻ ít lời

Nếu sử dụng các thiết bị đo cực nhạy đặt trong nước, bạn sẽ thấy câu ví “câm như cá” là hoàn toàn sai lầm. Cá cũng ho, hắt xì hơi hay thở khò khè nếu chúng thấy khó chịu với nhiệt độ nước. Ngược lại, chúng sung sướng chép miệng và rên nếu tất cả đều ổn. Đôi khi chúng phát ra những tiếng nghe như tiếng gầm gừ, hí, sủa, kêu và thậm chí giống tiếng ủn ỉn nữa. Có loại cá có âm vực đặc biệt rộng, giống như cả dàn giao hưởng - có cả tiếng trầm như ghi - ta bass, tiếng như chuông kêu và tiếng thụ cầm lớn... Tuy nhiên, không con cá nào nói như tiếng người.

Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên vì ngay cả động vật gần với người hơn cả là khỉ cũng chả thốt được lời nào. Thay vào đó, con cháu của tổ tiên của loài người này có những động tác, cử chỉ, tiếng kêu thét và biểu hiện trên mặt mang nhiều ý nghĩa.

Chó biết đọc và khỉ dùng... computer

Trong một số hồi ký của những diễn viên dạy thú nổi tiếng có nhiều chi tiết nói về việc nếu muốn thì có thể dạy cho bất cứ động vật nào biết nói, đọc, viết như người. Nhiều nghệ sĩ tài ba dạy được các con thú của mình làm được những động tác rất khéo léo và thông minh, như đi trên dây, chơi nhạc cụ... Trong nhiều năm, người ta thường cho rằng động vật dù có thông minh và tài năng đến mấy thì suy nghĩ của chúng vẫn rất đơn giản và thô thiển, thường là lặp lại theo thói quen chứ không do tư duy. Nhưng, dần dần có những sự kiện khiến các nhà bác học phải suy nghĩ. Ví dụ vào đầu thế kỷ 20, ở Đức có một con chó biết đọc, tên là Ralp. Bằng cách đập chân, nó có thể chỉ ra những từ và câu hoàn chỉnh.

Người ta cũng được biết có những con khỉ “thiên tài” với khả năng đánh máy được các bức thư, trả lời được các câu hỏi phức tạp. Thêm vào đó, nếu việc trả lời gặp khó khăn, các chú khỉ được quyền sử dụng sách tra cứu. Chúng vui vẻ thực hiện việc đó. Còn giờ đây, chúng đã chuyển sang... máy tính cá nhân.

Năm 1960, Garder, một cặp vợ chồng người Mỹ là chuyên gia tâm lý động vật, đã nhận nuôi dạy một con khỉ cái 11 tháng tuổi có biệt hiệu Uosho và huấn luyện nó bằng động tác của những người câm điếc. Con khỉ nắm bắt hệ thống giao tiếp khá nhanh và biết cách tự sử dụng hệ thống đó. Nó biết chỉ cho “cha mẹ nuôi” món gì nó muốn ăn trong bữa tối hay muốn dạo chơi ở đâu.

Có thật sự cần tiếng nói?

Không chỉ có những động vật được coi là khôn như chó, khỉ, người ta còn bắt gặp tư duy logic trên nhiều động vật khác. Ở Bacu (thủ đô Azerbaizan) cho tới gần đây, trong gia đình Babaev có con mèo Mesi. Khi xem chương trình của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Chulpan Zeinalova, Mesi nói rất to: “Ôi, thật tuyệt”. Khi người ta hỏi khách đến thăm ai, nó trả lời rất tự tin; “Đến thăm tôi”. Còn khi được hỏi “Ai đem thức ăn đến cho Mesi”, nó trả lời: “Bà”. Mesi có trí nhớ tốt và trong các câu nói của mình thể hiện ý nghĩ rất cụ thể. Điều dường như không thể có này lại là sự thực, sau khi hàng chục chuyên gia từ nhiều nước khác nhau đã kiểm tra nó và không thể giải thích nhất quán hiện tượng này.

Một số động vật, do đặc điểm sinh lý, có thể dễ dàng lặp lại tiếng người nói, nhưng khi đó chúng không đem lại cho chúng ta thông tin nào cả, chẳng hạn vẹt. Còn một số khác không có tài bắt chước nhưng chúng lại có gì để nói với chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng chó hiểu tất cả nhưng không thể nói.

Các nghiên cứu gần đây dường như đã đi tới nhận định rằng con người không phải là đế vương của thiên nhiên và không chỉ có mình con người trên hành tinh này có trí tuệ, như lâu nay người ta vẫn quan niệm. Một nhân viên tại Đại học Tổng hợp Matxcơva đưa ra giả thuyết “trí tuệ dự trữ”: Bên cạnh các bản năng và phản xạ, động vật có cách cư xử trí tuệ. Vấn đề là ở chỗ động vật có cần nói không, vì chúng giao tiếp với nhau rất tốt mà không cần lời nói nào.

(Theo Trud)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633942454975447197/The-gioi-dieu-ky/Bi-an-ve-tieng-noi-dong-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận