Bạch tuộc đi bằng hai chân
Nếu bạn dùng chân để nguỵ trang, làm cách nào bạn chạy trốn khỏi kẻ thù mà không làm lộ mình? Câu trả lời là, nếu bạn có 8 cái chân, hãy sử dụng 6 cái để trá hình, và đi bộ trên đáy biển bằng 2 chân còn lại.
Đó là hành vi đặc biệt lần đầu tiên quan sát thấy ở hai loài bạch tuộc nhỏ, do nhóm nghiên cứu của Christine Huffard từ Đại học Berkeley, California, Mỹ, thực hiện.
Bất chấp quan niệm cho rằng các cử động 2 chân cần phải có một khung xương cứng để hệ cơ gắn vào, những con bạch tuộc này chỉ sử dụng hệ cơ mềm dẻo nhưng mạnh mẽ ở trên chân sau để bò trên đáy biển.
Mặc dù vậy, kiểu đi 2 chân của hai loài cũng hơi khác nhau. Bạch tuộc marginatus từ Indonesia cuộn cơ thể thành một quả bóng khi đang bò, theo kiểu một quả dừa lăn theo dòng chảy. Trong khi đó, loài aculeatus ở Australia giơ 6 chân lên trời để nguỵ trang thành một bụi cỏ biển, bước đi bằng 2 chân còn lại với vận tốc tới 14 cm mỗi giây, nhanh hơn cả khi dùng nhiều chân.
“Kiểu ngụy trang này rất tốt, nó dễ dàng đánh lừa các loài động vật”, Huffard nói. Bà cho rằng nhiều loài bạch tuộc khác cũng có những cái chân khoẻ đủ để bước đi.
“Tôi chưa bao giờ nghe đến hành vi hơi giống như vậy. Đây là một ví dụ cho thấy chúng ta còn biết quá ít về các sinh vật này”, Steve O'Shea, chuyên gia về động vật thân mềm tại Viện Công nghệ Aucklane ở New Zealand nhận xét.
(Theo New Scientist)