Tài liệu: Trồng cỏ trên đất hoang hóa bằng rải lót nilon

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mới đây, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp VN đã nghiên cứu và ứng dụng thành công kỹ thuật trồng cỏ trên đất cát hoang hóa bằng rải lót nilon, về lâu dài giúp chống hạn cho các tỉnh miền Trung
Trồng cỏ trên đất hoang hóa bằng rải lót nilon

Nội dung

Trồng cỏ trên đất hoang hóa bằng rải lót nilon

Mới đây, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp VN đã nghiên cứu và ứng dụng thành công kỹ thuật trồng cỏ trên đất cát hoang hóa bằng rải lót nilon, về lâu dài giúp chống hạn cho các tỉnh miền Trung, đồng thời tận dụng được những diện tích đất hoang.

PGS Tạ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cho biết đây là một phương pháp canh tác rất đơn giản, dễ ứng dụng. Trên các vùng đất cát đang bị hoang hoá, chỉ cần đào các hố cát xuống độ sâu khoảng 40 cm, rộng 4 m, dài 100m để tạo thành các băng canh tác có đế cày, sau đó tiến hành rải một lớp nilon lên bề mặt băng cát đã đào. Tác dụng của việc rải lót nilon là để giữ lượng nước tưới tồn tại cố định trong băng, ngăn không cho nước thấm vào lòng đất. Sau khi rải nilon xong, tiến hành trộn phân chuồng lên các lớp đất và lấp lại (cứ 5 -10 cm lót một lớp phân), nếu thực hiện theo đúng quy trình trên có thể tạo thành các vùng đất cát canh tác giàu chất dinh dưỡng không kém gì so với những chân đất lúa.

Về nguồn nước tưới, trên mỗi một băng canh tác đặt một ống nước dọc theo chiều dài của đường băng và chôn sâu xuống 20 cm. Để tưới tiết kiệm, nên kết hợp lắp đặt các vòi tưới nước theo kiểu phun mưa, cách nhau 5 m. Còn về nguồn nước tưới, chỉ cần đào các hồ chứa nước (lấy từ nguồn nước mưa tự nhiên) có độ sâu từ 5 đến 10 m với dung tích từ 2.000 đến 4.000 m3, mật độ các hồ chứa nên bố trí khoảng 10 ha đào một hồ là vừa.

Với loại băng đất canh tác này, trước mắt, Trung tâm Nghiên cứu Duyên hải Nam Trung Bộ của Viện đã thử nghiệm 6 hecta trồng điều, kết hợp cỏ voi nuôi cừu có sử dụng các băng canh tác và cho kết quả tương đối tốt. Song, theo ông Sơn, loại cây thích hợp nhất là cây cỏ voi đơn thuần để làm thức ăn cho cừu (trên thực tế trong đợt hạn vừa qua có rất nhiều con cừu đã bị chết do không có thức ăn). Cỏ voi vừa có khả năng giữ ẩm tốt cho đất, lại thích nghi được với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Cỏ voi còn cho năng suất rất cao, tới 200-500 tấn/ha (bảo đảm đủ thức ăn cho 10-20 con cừu)

Đến nay, Viện đã triển khai trên quy mô đại trà được 1600 m2 băng canh tác tại thôn Sơn Hạ, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và dự định mở rộng ra 1 hecta cỏ tổng hợp. Ngoài cỏ, cũng có thể trồng thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như đậu đỗ, lạc.

Ông Sơn nhận định công nghệ này có thể ứng dụng vào sản xuất đại trà cho bà con nông dân, vì đơn giản và giá thành cho thiết bị, vật tư rất rẻ. Có thể tận dụng nilon tái chế (thường 5 năm mới phải đạo hố lên để thay lớp nilon khác một lần). Đối với công cụ tưới, nếu bà con không có đủ điều kiện để lắp đặt đường ống nước thì vẫn có thể dùng phương pháp thủ công.

Đặc biệt, qua việc ứng dụng công nghệ này, chúng ta có thể tận dụng và được hàng trăm nghìn ha đất cát hoang hoá tại khu vực duyên hải miền Trung, như ở Ninh Thuận còn tới 120.000 ha, Bình Thuận gần 200.000 ha, mà vẫn đảm bảo được môi trường trong sạch, không gây ô nhiễm khi sản xuất. Công nghệ có thể ứng dụng cho tất cả các diện tích đất cát hoang hóa trên mọi địa hình, kể cả đất đồng bằng cũng như miền núi có độ dốc lớn, bởi khi đã có các lớp nilon bao phủ, lượng nước thất thoát sẽ rất nhỏ.

Theo dự kiến, ngay sau khi sản xuất thử nghiệm thành công, Viện sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ cho bà con nông dân trong thời gian sớm nhất.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945873165348750/The-gioi-dieu-ky/Trong-co-tren-dat-hoang-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận