Tài liệu: Ba Lan - Giáo dục Hướng nghiệp cấp cao

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hiện nay có 26 trường hướng nghiệp cấp cao công lập và 124 trường hướng nghiệp cấp cao phi công lập.
Ba Lan - Giáo dục Hướng nghiệp cấp cao

Nội dung

Giáo dục Hướng nghiệp cấp cao

Hiện nay có 26 trường hướng nghiệp cấp cao công lập và 124 trường hướng nghiệp cấp cao phi công lập. Các trường dạng này dành cho những ứng viên đã có bằng tốt nghiệp trung học. Nội dung chương trình giảng dạy tại đây nhằm cung ứng kiến thức và kỹ năng về một nghề cụ thể cho học viên, và phải đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động. Các trường này cũng phải đạt tiêu chuẩn về lực lượng giảng dạy, với số lượng giáo viên phải ở tỉ lệ 1/30 trở lên so với số lượng học viên.

Trong các trường hướng nghiệp cấp cao những ngành học phổ biến nhất là: kinh doanh và quản trị, giáo dục, kỹ thuật, nhân văn. Ngoài ra, các trường dạng này còn phụ trách việc đào tạo tại chức cho những người đang đi làm có nhu cầu nâng cao nghiệp vụ của họ. Chương trình học ở các trường này thường đòi hỏi thời gian từ 3 năm đến 3 năm rưỡi, với số giờ học tối thiểu là 2.200 giờ, chưa kể các tiết thực hành.

Các trường giáo dục cấp cao

Các trường giáo dục cấp cao có cả dạng công lập lẫn tư thục. Việc thành lập hay giải tán một trường giáo dục cấp cao phải được thực hiện thông qua một đạo luật của Quốc hội Ba Lan. Một trường tư thục về giáo dục cấp cao có thể do một cá nhân hay một thực thể pháp lý đứng ra thành lập với sự đồng ý của vị bộ trưởng phụ trách về giáo dục cấp cao. Những cơ sở giáo dục cấp cao công lập đều có mặt ở tất cả những thành phố lớn trong nước. Một số những thành phố này, như Cracow và Warsaw đã vốn có truyền thống lâu đời về học thuật, hình thành một cộng đồng học thuật rất có uy tín.

Trong số các loại trường đang giáo dục cấp cao, những trường đại học thu hút một lượng sinh viên lớn nhất. Trong năm học 2002-2003 có 523.300 sinh viên đăng ký theo học tại các trường này. ở các trường đại học kỹ thuật có khoảng 333.700 sinh viên, các trường nông nghiệp có khoảng 96.200 sinh viên, và ở các trường sư phạm có khoảng 94.700 sinh viên. Các loại trường khác có số lượng sinh viên theo học như sau: 75.600 ở các trường kinh tế, 36.500 ở các học viện y khoa, 23.700 ở các học viện thể dục, 12.700 ở các trường nghệ thuật, 10.000 ở các trường hàng hải, và 9.900 ở các trường thần học. Các trường giáo dục cấp cao phi công lập chiếm một số lượng sinh viên là 432.900 người. Việc tuyển sinh vào các trường này dựa trên cơ sở bằng tốt nghiệp trung học. Thường thì các trường tổ chức một kỳ thi tuyển sinh hoặc một cuộc phỏng vấn các ứng viên. Có những trường chỉ xét hồ sơ và không có kỳ thi tuyển sinh. Từ năm 1990 các trường đều có quyền quyết định về thủ tục tuyển sinh và số lương tuyển sinh cho riêng mình. Thủ tục tuyển sinh có thể giống nhau trong cùng một trường, hoặc có thể khác nhau tùy theo từng ngành học.

Hiện nay các ngành học sau đây có trong danh sách của Bộ Giáo dục: Quản trị, Phân tích Y khoa, Kiến trúc, Kiến trúc Cảnh quan, Thiên văn học, Tự động học và Rô-bốt học, Thông tin Khoa học và Khoa học Thư viện, Sinh vật, Công nghệ Sinh học, Xây dựng, Hóa học, Báo chí và Truyền thông Xã hội, Kinh tế học, Điện tử và Viễn thông, Kỹ thuật Điện tử, Năng lượng, Nghiên cứu về châu Âu, Dược học, Ngữ văn, Ngữ văn Tiếng Ba Lan, Tài chính và Ngân hàng, Vật lý, Vật lý Kỹ thuật, Đo đạc và Nghiên cứu Bản đồ, Địa lý, Địa chất, Quản lý Không gian, Mỏ và Địa chất, Lịch sử, Điện toán, Điện toán và Toán Kinh tế, Hóa học và Kỹ thuật Chế biến, Kỹ thuật Vật liệu, Kỹ thuật Môi trường, Khoa học Y tế, Lâm nghiệp, .Toán, Cơ học và Chế tạo Máy, Luyện kim, Quan hệ Quốc tế, Khoa học Gia đình, Hàng hải, Hải dương học, Công nghệ Biển, Bảo vệ Môi trường, Làm vườn, Sư phạm, Điều dưỡng, Hộ sinh, Khoa học Chính trị, Luật, Tâm lý học, Vật lý Trị liệu, Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Xã hội học, Nha khoa, Công nghệ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Công nghệ Hóa học, Công nghệ Gỗ, Công nghệ Dinh dưỡng, Giám định Hàng hóa, Vận tải, Du lịch và Giải trí, Khoa học Thú y, Công nghệ Vải sợi, Thể dục, Giáo dục Kỹ thuật và Thông tin, Quản lý và Kỹ thuật Sản xuất, Quản lý và Tiếp thị, Y tế, Chăn nuôi, Nghệ thuật Kịch, Trang trí Nội thất, Đồ họa, Đào tạo Nhạc công, Nhạc Jazz và Nhạc Pop, Soạn nhạc và Lý thuyết Âm nhạc, Phục chế Tác phẩm Nghệ thuật, Hội họa, Tổ chức Sản xuất Phim và Chương trình Tivi, Hình ảnh và Nhiếp ảnh trong Phim và Tivi, Đạo diễn Điện ảnh, Đạo diễn Âm thanh, Điêu khắc, Vẽ Phối cảnh, Múa, Nghiên cứu Sân khấu, Hát, Giáo dục âm nhạc, Giáo dục Nghệ thuật, Thiết kế, Khảo cổ, Dân tộc học, Lịch sử Nghệ thuật, Văn hóa, Âm nhạc học, Bảo tồn Văn hóa, Làm giấy và In ấn.

Giáo dục người lớn

Sơ lược lịch sử

Giáo dục người lớn đã có một truyền thống lâu đời tại Ba Lan. Những hình thức giáo dục người lớn căn bản vào thế kỷ 18 là việc dạy chữ cho nông dân, giáo dục y tế, truyền bá cách trồng trọt và những hình thức thủ công mới. Sau khi Ba Lan bị mất độc lập vào cuối thế kỷ 18, việc giáo dục người lớn ngoài nhà trường đã tập trung vào việc bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và truyền thống của Ba Lan. Trường Đại học Tự do Ba Lan, được thành lập năm 1886, đã trở thành đại học mở đầu tiên của nước này. Ngoài công tác giáo dục người lớn, nhà trường còn đào tạo những giáo viên cho giáo dục người lớn, những hiệu trưởng của các trường và những người cổ vũ cho giáo dục.

Sau Thế chiến thứ I, Ba Lan đã giành lại được độc lập. Từ đó, một sự phát triển nhanh chóng trong giáo dục người lớn và những cơ sở hỗ trợ cho công tác này đã được ghi nhận. Chính quyền của tất cả các địa phương đều có trách nhiệm đặt nền tảng và duy trì hoạt động cho các trường nông nghiệp. Năm 1939 đã có 169 trường nông nghiệp địa phương trong 264 quận hành chính.

Văn phòng Trung ương về Khóa học Người lớn đã được hình thành năm 1919. Đến năm 1928 văn phòng này biến thành Học viện Giáo dục Người lớn. Học viện đã xuất bản các loại sách giáo khoa, chương trình học, tài liệu về lý thuyết và giảng dạy, báo chí, và là trung tâm chính cho công tác nghiên cứu về giáo dục người lớn.

Ngay sau Thế chiến thứ II, công tác giáo dục người lớn được tập trung vào việc xóa nạn mù chữ. Đã có 1,2 triệu người được học dể biết đọc và biết viết. Một triệu người lớn đã hoàn tất bậc tiểu học và khoảng 40.000 người tốt nghiệp trung học sơ cấp trong giai đoạn từ 1960 đến 1970. Số lượng công nhân tham dự các lớp trung học và trung học kỹ thuật buổi tối đã gia tăng từ 146.500 người đến 488.000 người.

Hệ thống giáo dục ngoài nhà trường, bao gồm chủ yếu là việc đào tạo tại chức cho các công nhân công nghiệp và nhân viên chính quyền đóng vai trò quan trọng kế tiếp. Các khóa dào tạo tại chức được tổ chức trong các doanh nghiệp. Ngoài ra còn có những trung tâm đào tạo và những cơ sở đặc biệt thực hiện các công tác về giáo dục.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2134-02-633492972285156250/Giao-duc/Giao-duc-Huong-nghiep-cap-cao.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận