Tài liệu: Ba Lan - Những vấn đề về môi trường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ba Lan đã phải chịu nhiều hậu quả giống như các nước Đông Âu khác, do sự thiếu quan tâm đến môi trường trong việc quy hoạch đối với sự phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ba Lan - Những vấn đề về môi trường

Nội dung

Những vấn đề về môi trường

Ba Lan đã phải chịu nhiều hậu quả giống như các nước Đông Âu khác, do sự thiếu quan tâm đến môi trường trong việc quy hoạch đối với sự phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù đã có một số cảnh báo từ thập kỷ 1980, chính quyền vẫn cho rằng các hoạt động kinh tế ở các nước tư bản mới là kẻ thù chính trong vấn đề môi trường. Những cuộc điều tra năm 1989 đã cho thấy những thiệt hại lớn lao đối với chất lượng nước, không khí và đất, và đối với các khu rừng, đặc biệt là chung quanh các trung tâm công nghiệp ở Thượng Silesia và khu vực Krakow. Nhưng bởi vì nền kinh tế ở đây trong hơn 40 năm qua đã lệ thuộc vào việc lạm dụng không ngừng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, những nhà hoạch định môi trường trong đầu thập kỷ 1990 đã phải đối mặt với viễn cảnh suy sụp kinh tế nếu như họ cắt giảm đột ngột các hoạt động công nghiệp gây ra ô nhiễm.

Tình trạng môi trường và sự khủng hoảng

Năm 1991 Ba Lan đã xác định 5 khu vực có thảm họa về sinh thái. Trong số năm khu vực này, khu vành đai công nghiệp có mật độ cao ở vùng Thượng Silesia và bị ô nhiễm nặng nề nhất. Trong khu vực này, những chỉ số sức khỏe như mức độ tử vong của trẻ sơ sinh, các bệnh tuần hoàn và hô hấp, lượng chì trong máu trẻ em, và tỉ lệ mắc bệnh ung thư đều cao hơn so với những khu vực khác ở Ba Lan và đặc biệt cao hơn các chỉ số dành cho Tây Âu. Các chuyên gia tin rằng cho đến năm 1992 người ta vẫn chưa biết hết dược toàn bộ qui mô của những thiệt hại về môi trường tại đây. Tình hình đã bị làm cho trầm trọng thêm bởi sự nhân mãn: 11 % dân số của cả nước sống trong khu vực này. Với mật độ 600 người trên một cây số vuông, khu vực Thượng Silesia đã xếp vào hàng đông dân nhất ở châu Âu. Trong năm 1991 các hoạt động công nghiệp của khu vực này đã cung ứng được 40% tổng lượng điện trong cả nước, trên 75% tổng lượng than cứng và 51 % tổng lượng thép.

Một loạt các số liệu khác nhau đã phản ánh những tác động của sự suy thoái môi trường ở khu vực Thượng Silesia. Năm 1990 tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong là 30 trẻ trên 1.000 ca sinh nở, gấp gần 5 lần so với mức độ ở một số nước Tây Âu; có hơn 12.000 héc ta đất nông nghiệp đã được coi là không còn phù hợp để canh tác nữa vì các chất thải công nghiệp. Trong khoảng từ 1921 đến  1990 số lượng trung bình những ngày có mây trong năm đã tăng từ 10 ngày lên - 183 ngày. Tuổi thọ trung bình dự tính ở miền Nam Ba Lan đã ngắn hơn 4 năm so với các vùng khác trong nước.

Tuy nhiên, nạn ô nhiễm nước và không khí đã ảnh hưởng đến toàn đất nước. Năm 1990 một bản báo cáo đã ghi nhận rằng 65% nước sông ở Ba Lan đã bị ô nhiễm đến mức nước này sẽ làm mòn các thiết bỉ sử dụng trong công nghiệp. Sau khi hấp thu các chất ô nhiễm từ nhiều thành phố nằm bên bờ sông, sông Vistula dã trở thành một nguồn ô nhiễm chính cho biển Baltic. Nước sông cũng không thể sử dụng được trong nông nghiệp. Năm 1990 khoảng một nửa các hồ nước ở Ba Lan đã bị tổn hại do mưa axit, và 95% nước sông được coi là không thể uống được. Do rừng ở Ba Lan chủ yếu là rừng cây có quả hình nón, vốn nhậy cảm với mưa axit, năm  1990 có gần hai phần ba đất rừng ở đây đã chịu tổn hại từ ô nhiễm không khí. Năm 1989 các chuyên gia Ba Lan đã ước tính những tổn thất kinh tế từ những thiệt hại về môi trường là trên 3,4 tỉ USD, trong đó có sự xói mòn đất, những thiệt hại về tài nguyên và thiết bị từ ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước, và những chi phí cho sức khỏe của cộng đồng.

Năm 1988 có khoảng 4,5 triệu héc ta, chiếm 14,3% tổng diện tích đất của Ba Lan, đã chính thức được bảo vệ trong những công viên và những khu bảo tồn quốc gia và địa phương. Nhưng tất cả 14 công viên quốc gia đã bị ô nhiễm không khí.

Một vấn đề đặc biệt về môi trường đã được chính quyền Ba Lan phát hiện khi khảo sát các căn cứ quân sự do quân đội Xô Viết chiếm đóng trong vòng 60 năm. Sự rò rỉ nhiên liệu không được kiểm soát, nước cống không được xử lý, ô nhiễm tiếng ồn từ các căn cứ không quân, và sự hủy diệt thực vật ở diện rộng và những vấn đề nghiêm trọng nhất quan sát được ở đây khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1990. Tuy nhiên chính quyền của thủ tướng Tadeusz Mazowiecki đã chậm trễ trong việc theo đuổi vấn đề này với chính quyền Xô Viết; và năm 1991 Liên Xô vẫn tiếp tục từ chối không trả tiền phạt và phí sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo luật định của Ba Lan. Năm 1992 người Ba Lan đã đưa ra yêu cầu về việc bồi thường này như một trong những thủ tục trong việc rút quân của quân đội Xô Viết.

Các nhóm hoạt động môi trường

Sự bùng nổ các hoạt động chính trị vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 bao cồm cả việc thành lập trên 2.000 tồ chức có những chức năng liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, nền móng cho những nhóm hoạt động này đã được đặt ra năm 1980, khi phong trào Đoàn kết Xanh đã làm áp lực để đóng cửa một nhà máy nhôm ở Krakow. Những tổ chức khác nhau này, vốn xuất hiện sau đó một thập kỷ, đã có thêm nhiều thành công khác, nhưng lại thiếu sự liên kết với nhau và thiếu một mục tiêu chung nhằm lèo lái cho các ảnh hưởng chính trị. Không có tổ chức nào trong số này được thể hiện trong các văn kiện lập pháp vào năm 1992.

Trong số những vấn đè được nêu ra có sự thiếu một kế hoạch quốc gia trong công tác đối phó với các hiểm họa môi trường, việc xây dựng nhà máy luyện than cốc của Tiệp Khắc gần biên giới Ba Lan, việc tiếp tục lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu có nhiều chất lưu huỳnh và nhiều bụi than ở các nhà máy điện, và sự tổn hại nghiêm trọng đến môi trường gây ra bởi quân đội Xô Viết đóng ở Ba Lan. Năm 1986 vụ nổ ở nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô đã khơi dậy các hoạt động môi trường ở Ba Lan. Nhưng các tồ chức môi trường ở đây đã phải đối mặt với nhiều cản trở. Việc tuyển những người tình nguyện, một khía cạnh thiết yếu trong việc phát triển môi trường, đã bị khó khăn vì nhiều người Ba Lan phải làm hai công việc cùng một lúc để sinh tồn.

Chương trình hành động của nhiều tổ chức cũng vẫn còn manh mún và khác biệt với nhau. Trong khi đó, những chính đảng có nhiều ảnh hưởng nhất tại đây cũng bị chia rẽ giữa hai quan điểm trái ngược: một bên biện hộ cho việc duy trì việc làm ưu tiên hơn việc bảo vệ môi trường, và một bên thấy rằng những hoạt động kinh tế không được thay đổi ác là mối nguy hiểm tột bậc cho sức khỏe của các công nhân và xã hội . Thái độ của quần chúng đối với những vấn đề về môi trường cũng khác nhau. Theo một cuộc khảo sát năm 1992, chỉ có 1% người Ba Lan cho rằng môi trường là vấn đê nghiêm trọng nhất của đất nước, mặc dù có 66% xếp những vấn đề về môi trường vào hàng “rất nghiêm trọng”. Trái lại có đến 72% cho rằng những vấn đề về kinh tế mới là nghiêm trọng nhất của đất nước.

Chính sách môi trường của chính quyền

Năm 1985 Ba Lan đã thành lập bộ Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, nhưng cơ quan mới này đã sử dụng rất ít quyền hạn của mình. Chẳng hạn như trong vòng từ 1987 đến 1988 mức đầu tư của chính quyền vào công tác bảo vệ môi trường chỉ tăng 6%. Năm 1990 kế hoạch của chính quyền là đạt dược sự cắt giảm các nguy cơ về môi trường ở mức độ quan trọng trong vòng 3 năm và đạt được mức độ yêu cầu của khối EC trong vòng từ 7 đến 10 năm. Đầu năm 1991 Bộ đã soạn thảo một chính sách mới về sinh thái, trong đó cốt lõi là hủy bỏ cơ sở của chính quyền trước kia trong việc sử dụng tùy tiện các tài nguyên thiên nhiên. Bộ Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên đã chính thức chỉ ra 80 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất và cam kết sẽ đóng cứa các doanh nghiệp này nếu như tình trạng ô nhiễm không được cắt giảm. Lần đầu tiên vai trò soạn thảo chính sách của các tổ chức môi trường phi chính phủ đã được chính thức nhìn nhận. Cuối năm 1991 Đoàn Thanh tra Bảo vệ Môi trường Nhà nước đã được thành lập, với các quyền hạn rộng rãi trong việc chỉnh đốn các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Mức phạt cho việc gây ra các thiệt hại cho môi trường cũng đã được nâng lên.

Cùng lúc đó, các chính sách của chính quyền cũng cẩn thận né tránh các biện pháp sẽ làm hy sinh sự phát triển kinh tế, và những nhà làm chính sách cũng thảo luận về các tiêu chuẩn phù hợp để cân bằng giữa sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn với những lợi ích dài hạn của các chương trình làm sạch môi trường. Theo đó, năm 1990 bộ Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên đã áp dụng chính sách '' phát triển sinh thái '', nhấn mạnh vào các biện pháp hiện đại hóa và tái cấu trúc mà về mặt lý thuyết sẽ cắt giảm sự ô nhiễm trong khi vẫn tiến hành các hoạt động sản xuất. Chính sách này bao gồm việc phổ biến các thông tin đến quần chúng để có được sự chấp nhận hy sinh kinh tế cho việc phát triển môi trường, việc liên kết giữa các luật lệ về môi trường với cơ chế thị trường mới, việc quảng bá sự ý thức ở Tây Âu đối với những tác động liên quốc gia đến tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước ở Ba Lan, và việc áp dụng tư bản và công nghệ nước ngoài trong việc làm sạch môi trường.

Cuối năm 1990, các ngân hàng phương Tây đã bắt đầu mở các khoản tín dụng cho việc bảo vệ môi trường ở Ba Lan, và kế hoạch về các doanh nghiệp sinh thái đa quốc gia có bao gồm cả Ba Lan. Năm 1991 chính quyền Mỹ đã đồng ý xóa bỏ một phần các khoản nợ của Ba Lan để cho nước này đầu tư vào việc kiểm soát ô nhiễm trong nội địa.

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2130-02-633492949426093750/Dia-ly/Nhung-van-de-ve-moi-truong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận