Biên tập viên
Xuất bản có nghĩa là tổ chức sửa chữa bản thảo, in ấn và phát hành sách với số lượng được hoạch định cho mỗi lần in. Tuy nhiên quản lý một nhà xuất bản chính là quản lý một doanh nghiệp trong đó những công việc như tiếp thị, hạch toán và phát hành cũng được coi trọng không kém so với công việc nội dung (biên tập, sửa bản in...), ít ra là ở số lượng công nhân viên (khoảng 3/4). Do vậy trước hết cán bộ biên tập nói riêng và xuất bản nói chung phải là người nắm vững những đòi hỏi cấp bách về thương mại, hành chính, tài chính, và còn nắm vững cả những kỹ thuật sản xuất và in ấn nữa. Một số cán bộ biên tập chuyên sâu vào công việc xuất bản một loại sách riêng: sách nghệ thuật, truyện tranh, sách kỹ thuật hay tiểu thuyết. Tuy nhiên phần lớn các nhà xuất bản có một ban văn học chung, có nhiệm vụ xuất bản những sáng tác của các tác giả trẻ. Trong lĩnh vực này vai trò của cán bộ xuất bản là phải phát hiện tài năng. Đây là vai trò khó khăn và lý thú không phải lúc nào cũng phù hợp với vai trò của một nhà quản lý. Đôi khi biên tập viên còn bị cuốn hút vào việc thử vận may với một tác phẩm mà theo anh ta là hay, song vẫn còn lưỡng lự khi quyết định xuất bản vì những rủi ro về tài chính có thể có: tác giả chưa nổi tiếng thì tác phẩm chỉ đến được tay một lượng độc giả hạn hẹp... Tuy nhiên mục đích của mọi cán bộ xuất bản chính là bán được ấn phẩm.