Các Công ty vùng đất Ấn thành lập khi nào?
Các công ty vùng đất Ấn do các cường quốc hàng hải châu Âu lập nên vào thế kỷ XVII. Là hiệp hội của các thương gia nhưng cũng là công cụ để khai thác thuộc địa, các tổ chức này cạnh tranh trước hết để có thể độc quyền trong buôn bán với Ấn Độ và các hòn đảo của Ấn Độ dương, và để thành lập những văn phòng chi nhánh rồi kế đến là thiết lập sự có mặt quân sự ở đó.
Từ thế kỷ XV, người Bồ Đào Nha đã khám phá ra con đường biển đi tới Ấn Độ và là những người đầu tiên có độc quyền buôn bán trong vùng biển Ấn Độ dương. Nhưng Công ty Hà Lan trên vùng đất Ấn được thành lập năm 1616 đã nhanh chóng lấy đi của họ quyền kiểm soát các hòn đảo mà ngày nay là nước In-đô-nê-xi-a.
Thực ra, lúc đó tại Ấn Độ, các công ty của người Anh và người Pháp (lần lượt thành lập năm 1600 và năm 1664) đang đối đầu với nhau trong cuộc chinh phục thị trường và đã nhanh chóng đi tới chinh phục Ấn Độ.
Ấn Độ thuộc Pháp (L’Inde Franaise) đã trải qua thời kỳ bành trướng lớn nhất dưới thời Dupleix, người lãnh đạo công ty năm 1742. Nhưng sau cuộc chiến tranh Bảy Năm (1756-1763) giữa người Pháp và Anh đồng thời ở châu Âu, trên biển và trong các thuộc địa của họ, nước Pháp chiến bại chỉ còn giữ được 5 chi nhánh hãng buôn ở Ấn Độ tại các nhượng địa: Chandernagor, Pondichéry, Karikal, Mahé và Yanaon.
Sau khi công ty Pháp trên vùng đất Ấn bị giải thể vào năm 1794, các chi nhánh buôn này trực tiếp do nước Pháp quản lý. Được tự trị từ năm 1939, dần dần nhượng địa đã sáp nhập vào Liên bang Ấn Độ vào khoảng năm 1951 đến năm 1965.