Tài liệu: Các tập tục, nghi lễ và sân khấu Tuồng Huế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng đã mô tả tục thờ ''ông làng'' của tuồng như sau: ''Phía sân khấu là buồng chung của đào kép và người đạo diễn, có kê vài cái tủ đứng,
Các tập tục, nghi lễ và sân khấu Tuồng Huế

Nội dung

Các tập tục, nghi lễ và sân khấu Tuồng Huế

I- Tục thờ ''ông làng''

Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng đã mô tả tục thờ ''ông làng'' của tuồng như sau: ''Phía sân khấu là buồng chung của đào kép và người đạo diễn, có kê vài cái tủ đứng, vài bộ ván, cây móc áo và nhiều rương to. Mỗi bên treo hai trống kỳ. Chính giữa là bàn thờ Tổ. Trên bàn thờ để một cái tráp son, gỗ sơn đỏ, vuông vức, mỗi chiều chừng 5 tấc tay; có 2 cửa mở như một cái tủ, phía trong lót hàng đỏ, có nhiều bực, trong đó thấy mười tượng gỗ nhỏ mặc lễ phục, đầu bịt khăn vái đỏ, mình mặc áo vạt khách, xanh hay lục, quần lụa trắng.

(…)

Trước 10 tượng ấy có hai tượng nữa cùng khăn áo như vậy, nhưng được để hai bên cái ngai trên hai chiếc ghế nhỏ. Người Tàu gọi hai tượng này là hý thần và cũng như trong rạp hát bội Việt Nam, nếu có màn đào đẻ, thì thỉnh hai tượng ấy làm hài nhi.

Hát bội ta gọi những tượng ấy là “ông làng'' và thờ như Tổ. Lúc nghỉ hát, tráp thờ Tổ bỏ màn xuống, không cho nhìn vào trong, nhưng khi diễn tuồng thì kéo màn lên và xông hương trầm nghi ngút, lại cúng trái cây và bánh tráng, kẹo.

Trước khi ra tuồng, kịch sĩ đứng trước bàn thờ xá Tổ như xin ban ơn phù hộ. Vai Quan Vân Trường phải nhớ đất giấy tiền vàng, bạc khấn vái vị thánh này như để xin ban ơn cho phép đóng vai ngài. Họ tin rằng không xin phép trước, người kép sẽ mửa máu''. [1]

Tại sao hai tượng thờ được gọi là “ông làng” hiện nay vẫn chưa được giải thích một cách thỏa đáng. Riêng tục thờ ''ông làng'' ở Huế vẫn có truyền thống thờ tự như đã mô tả. Một tác giả Pháp cũng đã mô tả tục thờ này trong một bài báo như sau:

''Mỗi gánh hát được gia thần phù hộ. Trong ban gọi là Tổ. Ngoài ban gọi là ''ông làng''. Tượng bằng gỗ, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo lụa. Ban hát đi đâu cũng mang theo, mỗi lần di chuyển đều cung kính vái trình. Các tượng thờ ở hậu trường trên một bàn thờ lễ vật. Ai cũng lo mất tượng thần. Rủi ro làm mất, diễn viên sẽ quên vai tuồng của mình và sẽ không còn hát được nữa, nên họ đề phòng cẩn thận. Cấm bán trái thị trong rạp, vì thần ngửi mùi thơm trái thị sẽ bỏ gánh hát mà đi. Bắt gặp ai bán trái thị, họ đuổi ra khỏi rạp liền'' [2]

Truyền thuyết về hai ''ông làng'' mỗi nơi có nguồn khác nhau, riêng ở Huế, truyền thuyết do Đoàn Nồng ghi lại là đáng tin cậy hơn cả:

''Người ta truyền rằng nguyên là hai anh em con vua, còn trẻ con mà ham hát bộ lắm; một hôm đương xem hát vừa có một tai nạn xảy tới, thiên hạ chen nhau đạp chết hai ông hoàng trẻ con ấy; hai ông chết thành thần linh thiêng lắm, lại hay phò hộ con hát. Trước khi ra sân khấu, con hát thắp hương vái trước trang thờ để ngài phò hộ hát cho khỏi quên, khỏi vấp. Vì còn trẻ con nên hai ông ''làng'' còn ham chơi quả thị một thứ quả thơm lắm. Người ta tin rằng hễ có một quả thị trong rạp hát là hát vấp và quên ngay. Con hát chỉ cúng hoa quả, kẹo bánh thôi, có lễ vì hai ông ''làng'' trẻ con, chỉ ưa hoa quả, bánh kẹo''.

Truyền thuyết này rất phù hợp với thời gian và địa điểm phát sinh. Huế vào thế kỷ XVII, XVIII, XIX vốn là chốn kinh kỳ, nghệ thuật hát tuồng đã phát triển, sự kiện hai ông hoàng nhỏ tuổi trốn đi xem hát rồi bị giẫm chết có thể được lưu truyền trong dân gian ở Thuận Hóa. Tục thờ cúng cũng xuất phát từ Huế mà phát triển đi vào các nơi khác.

Sự kiện thờ hai ông hoàng này gợi cho ta tục thờ những người chết vào giờ thiêng, rồi được tôn làm Thành hoàng chia các làng ở các xã miền Bắc trước đây, như tục thờ Thành hoàng ăn trộm, gắp phân v v... do vậy, có thể suy ra, từ ''ông làng'' là một từ có tính cách kính cẩn dành cho những ngươi chết vào giờ thiêng, được tôn làm thần, mà ở các tổ chức phường hát, người ta xem như một tổ chức làng xã. Từ ''ông làng'' có thể mới được khai sinh chăng?

Hay từ ông ''làng'' có thì là tên đọc trại do sự kiêng cữ, tránh gọi tên, từ ''ông hoàng'' thành ''ông hàng'' rồi ''ông làng''?

Chúng tôi chỉ xin nêu một giả thiết mà chưa dám khẳng định nguyên do vì sao từ ''ông làng” lại được ra đời.

II- Bói tuồng đầu năm

Theo Landes, bói tuồng đầu năm là xin keo âm dương trước Tổ để được phép diễn một tuồng vào dịp đầu năm:

''Đầu năm, mặc dầu nghỉ hát, gánh hát nào cũng phải diễn một tuồng. Họ bắt một đứa nhỏ lựa một tuồng sẵn, họ vái Tổ thảy hai đồng tiền lên cao để xin keo. Đồng sắp ngửa là Tổ ưng cho. Hai đồng rớt xuống một mặt là phải xin lại. Đó là bói tuồng đầu năm'' [3]

Trong dịp lễ tết ở Huế, vào những ngày từ mồng l đến mồng 10, dân gian có tục đi bói tuồng. Người xem lựa lúc tuồng đang diễn, bất chợt vào. Hễ gặp cảnh ngộ nào đang diễn trên sân khấu thì xem nội dung lớp đó báo hiệu cho tương lai, vận số của mình trong năm. Do vậy diễn tuồng đầu năm bao giờ cũng đông người xem, một phần do thời điểm thuận lợi cho việc giải trí, một phần do không khí vui chơi trong dịp tết, nhưng một phần cũng do mê tín. Người xem tuồng đặt hết tin tưởng vào sự kiện bắt gặp ở lớp tuồng để đoán vận mệnh đời sống riêng tư.

Nếu gặp lớp tuồng khó giải thích, họ tìm đến những nghệ nhân lớn tuổi để hỏi. Tại gần cửa rạp Đồng Xuân Lâu có nghệ nhân ngồi sẵn để giải thích. Các ông Lớp Nậy, Giáo Sâm, Nghè Huyên, Dương Hoá, Viên Bờ... thường đảm nhận công việc này. Bên cạnh nghệ nhân có lư trầm bốc khói. Sau khi hiểu rõ ý nghĩa, khán giả thường trả công cho các nghệ nhân khá hậu.

III- Xây chầu đại bội[4]

Hàng năm, cứ đến lễ giỗ thần, giỗ thánh, người ta thường cúng vài ba xuất hát bội theo tập quán lưu truyền. Đó cũng là cơ hội để giúp vui cho bà con. Sau lễ cúng thần có lễ xây chầu. Nghi lễ xây chầu đại bội như sau:

Hành lễ:

Chấp sự phải ăn chay, giữ mình tinh khiết, mặc áo rộng xanh, bịt khăn đen, đến trước bàn thần có học trò lễ xướng dâng hương, trà, rượu. Tạ thần xong, chấp sự thỉnh roi chầu để trên bàn thần, theo học trò lễ lên sân khấu đứng trước trống chầu, xây mặt phía bàn thần. Nghe xướng phế cân, chấp sự giở cái khăn đỏ trên mặt trống, cầm lau mặt trống, xếp lại quấn vào khoảng giữa roi chầu.

Đệ nhứt cấp:

Tay mặt cầm roi chầu, tay trái nắm tay áo rộng bên mặt dùng roi chầu làm bút viết trên mặt trống lá bùa: tứ tung ngũ hoành. Tứ tung (4 đường ngang, viết trước), ngũ hoành (5 đường đứng, viết sau)[5]. Dưới lá bùa viết chữ thạnh. Lui lại ba bước (lùi lấy lệ) viết phía dưới đất chữ. Bước tới một bước, đạp lên hai chữ sát quỷ. Cầm roi chầu giằn đầu trống, rồi xướng lớn lên: an xã tắc.

Nhứt kích cổ: Xướng rồi nhịp ba nhịp trên đầu trống, nơi số 1 hình mặt trống dưới đây.

Nhị kích cổ Giằn roi chầu nơi số 2 hên trái, xướng lớn lên: Hôn trung khương thới, rồi nhịp 3 nhịp.

Tam kích cổ: Giằn roi chầu nơi số 3 bên mặt, xướng lớn lên: Lê thứ thái bình, rồi nhịp 3 nhịp.

Võ thái cực: giằn roi chầu ngay giữa thái cực.

Nhứt điểm cổ: Đánh 3 nhịp rồi xướng lớn: Trừ càn khảm

Nhị điểm cổ: Đánh 3 nhịp rồi xướng lớn Lập trung cấn chấn.

Tam điểm cổ: Đánh 3 nhịp rồi xướng lớn Tốn ly khôn đoài Đệ nhị cấp:

Theo lệ xưa, ba hồi trống trong đệ nhị cấp, trước đánh 80 roi, kế 100 roi, sau rốt 120 roi, cộng 300 roi. Đánh bật roi từ phía mặt qua phía trái, nghĩa là từ cửa sanh sang cửa tử tuồng hát. Vừa đánh vừa đếm không cho dư, thiếu. Trước đánh ít, sau đánh nhiều, gọi là tiền bần hậu phú. Ngày nay xây chầu giảm số roi lại, còn 20, 40 và 60, cộng 120 roi.

Nhứt hồi: 20 chùy thúc, dứt, đánh thêm hai dùi nhỏ xuống, rồi xướng lớn: Trừ hung thần án sát.

Nhị hồi: 4 chùy thúc, dứt hồi, đánh thêm hai dùi nhỏ xuống. Nhị hồi không có xướng, chấp sự hoàn y trung lập, bước lên hai bước rồi đứng như lúc đầu.

Tam hồi: 60 chùy thúc, dứt, đánh thêm hai dùi nhỏ xuống rồi xướng lớn lên: Hôn trung hội viên nam nữ đồng thọ, thọ phước. (Hội viên nam nữ đứng hai bên, khăn đen áo dài dạ lớn lên). Xong đánh ba hồi, ba tiếng thì nhạc hát bội dấy lên để hành lễ đại bội.

Lễ đại bội

Do ban hát cứ hành, lễ này gồm 4 lễ chính:

- Xoang nhựt nguyệt (Lưỡng nghi, Âm dương)

- Tam tài (hay tam đa): đa lộc, đa phúc, đa thọ; hay tam tinh: định tinh, hành tinh, vệ tinh

- Tứ thiên vương

- Đại bội (thường quen gọi đứng cái)

Sau rốt có một lễ phụ là lễ ''Gia quan tấn tước'', thường gọi là địa. Đây không phải là ông Địa vì trong lễ này kép mặc cẩm bào, đi bia, mang một cái giá lớn, tròn như mặt địa. Ngày xưa, đi đầu hết là lễ ''Thiên lôi mở cửa trời'' cũng gọi là ''đi điểm hương''. Một kép mặt trắng, râu đen dài, áo mão chỉnh tề, cầm bó nhang ra múa dâng hương. [6]

Xây chầu đại bội là một nghi lề thường được tổ chức cùng với sự trình diễn vài xuất hát tuồng, trong các đình miếu vào dịp lễ thần thánh đế chúc mừng, cầu an. Tại Huế, ở đền bà Thai Dương Thần Nữ (vùng Thai Dương Hạ, Thuận An ) ngày trước, các thuyền buôn vào nam, ra Bắc đều đến khấn Iễ để cầu mong an toàn. Thường lệ hàng năm có tổ chức xây dựng chầu đại bội và hát bội để dâng cúng bà. Có câu hát khách:

Giá cả phải chăng tùy sức chở

Thuyền buôn Nam, Bắc lại về non

Và câu hát nam:

Lạy trời thuận gió một lèo

Xây chầu hát lễ một heo cúng Ngài [7]

Nội dung bài văn Xây chầu đại bột nổi bật sự ca ngợi đất nước thái bình và ca ngợi Nguyễn triều. Rõ ràng đây là tác phẩm của một người Đàng Trong. Qua thời gian và không gian, có một số câu, từ, do nạn tam sao thất bổn, thay đổi ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn giữ được văn phong. Có thể văn bản này được ra đời vào khoảng thế kỷ XVIII, dưới triều các chúa Nguyễn, khi các chúa định đô tại Thuận Hóa. Các sinh hoạt và tập tục về nghệ thuật tuồng ở Huế cho ta thấy rõ đây là vị trí trung tâm của tuồng, có truyền thống tuồng từ thời đại các chúa Nguyễn. Tìm hiểu về tuồng ở các địa phương không thể không tìm về Huế để dò lại cội nguồn phát triển, mạnh mẽ nhất là vào thế kỷ XIX.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4222-02-633711776797330824/Co-so-tap-tuc-lien-he-den-nghe-thuat-tuon...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận