Tài liệu: Câu chuyện về người sáng tạo đồng hồ Gimiko

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trở thành triệu phú, có xe hơi riêng lúc mới 26 tuổi, năm 30 tuổi, Lê Trung Hiếu đã giàu có nổi tiếng khắp miền Trung
Câu chuyện về người sáng tạo đồng hồ Gimiko

Nội dung

Câu chuyện về người sáng tạo đồng hồ Gimiko

Trở thành triệu phú, có xe hơi riêng lúc mới 26 tuổi, năm 30 tuổi, Lê Trung Hiếu đã giàu có nổi tiếng khắp miền Trung. Thời cuộc xoay vần, đến năm 40 tuổi ông lại trắng tay. Cứ ngỡ đã là quá muộn để bắt đầu trở lại...

Sinh ra trong một gia đình có đến 7 anh em, Lê Trung Hiếu lại là anh cả. Nghề đóng sửa giày của cha không cáng đáng nổi 8-9 miệng ăn. Lê Trung Hiếu học một buổi, một buổi đi làm công, lại còn cố gắng đi học tiếng Anh. Không có tiền đóng học phí, 3 tháng đóng được một tháng, đuổi tới đuổi lui nhiều lần đến nỗi nhà trường xiêu lòng trước cậu học trò hiếu học, cho học không tốn tiền.

Năm 17 tuổi, ham thích việc tỉ mỉ, chính xác, anh thanh niên Lê Trung Hiếu học thêm nghề sửa đồng hồ để mong phụ giúp gia đình và anh học rất nhanh, chỉ mất 3 tháng trong khi người khác phải học đến 3 năm. Được hỏi bí quyết rút ngắn thời gian, ông nói: dù là nghề gì, muốn học cho giỏi, trước hết phải biết quan sát, xem người thầy cầm dụng cụ có hợp lý chưa, kế đến là xác định các thao tác đưa ra nhằm mục đích gì. Thứ 3 phải sử dụng dụng cụ thật nhuần nhuyễn. Cuối cùng, cải tiến cho tinh gọn những gì đã quan sát”.

Năm 18 tuổi, vừa có học lực lại vừa có nghề sửa đồng hồ khá giỏi nhưng Lê Trung Hiếu vẫn chưa làm nên “ngô khoai”. Một ngày, ông cụ thân sinh của Hiếu bảo “chẳng thấy con làm nên trò trống chi”. Vậy là chàng trai tự ái, bỏ nhà ra đi và không quên nói với bạn bè “sẽ trở về với sự nghiệp trong tay”. Làm việc cho hãng RMK (Mỹ) rồi đi dạy Anh văn, vẫn chưa thể làm giàu. Ở Sài Gòn thấy khó “cạnh tranh”, anh thanh niên Lê Trung Hiếu bèn mạo hiểm ra miền Trung tìm đường làm ăn. Tại vùng đất miền Trung nghèo khổ, anh Hiếu nhận ra những mặt hàng nhu yếu phẩm được tiêu thụ rất mạnh nhưng lại thường thiếu hàng vì khâu phân phối không thông suốt. Vậy là vào cuộc. Nói đúng ra, chỉ là mua đi bán lại nhưng anh đã biết mua và bán những cái mà người ta cần bán và cần mua. Bắt đúng mạch thị trường, chỉ vài năm sau, Hiếu đã là triệu phú thời ấy, có xe hơi riêng lúc mới 26 tuổi. Năm 30 tuổi, Lê Trung Hiếu đã giàu có nổi tiếng ở miền Trung.

Năm 1969, vì thời cuộc, Hiếu vào Sài Gòn, nhận thấy đường Tạ Thu Thâu có vị trí rất hay nhưng lại không có ai kinh doanh, người ta chỉ đi lại mua bán nhiều ở đường Phan Bội Châu. Anh mạnh dạn thuê nhà ở Tạ Thu Thâu để kinh doanh vải ngoại nhập và nội địa các loại. Chuyện mua bán vậy mà phát đạt, lôi kéo nhiều người khác nhảy vào kinh doanh, biến con đường Tạ Thu Thâu trở nên tấp nập kẻ mua người bán. Khi có nhiều người cạnh tranh, mãi lực không “ngon” như lúc đầu, anh lại bỏ kinh doanh vải, tham gia thành lập Công ty Thực phẩm Hà Tiên, kinh doanh xuất nhập khẩu thuỷ hải sản cho đến ngày 30/4/1975.

Sau 1975, bà con, bè bạn của ông Lê Trung Hiếu lần lượt đi định cư ở nước ngoài. Bản thân ông Hiếu cũng bị một áp lực rất nặng từ trong gia tộc về chuyện phải ra đi. Vậy mà ông chọn ở lại bởi theo ông, cuộc sống giàu sang, của cải đầy nhà nhưng sống ở nơi không phải quê hương mình thì thật khó. Vả lại, ngay tại quê hương, ông cũng đang là người thành đạt, giàu có, là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thực phẩm Hà Tiên (Hatico), một công ty đang ăn nên làm ra, chuyên xuất đi Nhật các mật hàng thuỷ hải sản như tôm đông lạnh, cá ngừ sấy khô, mực…

Nhưng đời sống ngày càng khó khăn hơn, hoạt động kinh doanh của Hatico bị đình trệ, công ty ngưng hoạt động và giải thể. Ông Hiếu phải sử dụng đến nghề sở trường của mình là sửa đồng hồ để kiếm sống với một điểm nhỏ sửa đồng hồ trên đường Bùi Thị Xuân.

Cuộc sống đầy những bất ngờ. Vào một ngày năm 1978, toàn bộ tài sản, nhà cửa, vốn liếng... của ông bị kê biên, tịch thu vì có người cho là ông “lọt lưới” trong đợt cải tạo tư sản lần 1. Cả gia đình ông phải rời thành phố đến vùng kinh tế mới với hai bàn tay trắng.

Đối với người khác phải làm lại từ đầu có lẽ là điều không dễ, nhất là khi họ đã bước vào tuổi 40. Tuy nhiên, với ông Hiếu, ông không nản lòng, cũng không ân hận về quyết định ở lại, và cho rằng còn bàn tay và khối óc, vẫn có thể gây dựng lại.

Tại vùng kinh tế mới, ông Hiếu làm công cho một anh thợ sửa đồng hồ khác vì đồ nghề sửa đồng hồ cũng đã bị tịch thu. Được ít lâu, với đồng tiền ky cóp được, ông mua đồ nghề và... ra riêng. Những năm đầu giải phóng, đặc biệt là ở vung kinh tế mới, cái ăn còn khó, nói chi đến... đồng hồ đeo tay. May mắn là nơi ông ở gần một doanh trại bộ đội. Hầu như anh bộ đội nào cũng có đồng hồ, đa số là đồng hồ Liên Xô, vậy là có mối đều đều. Và tay nghề của ông Hiếu nổi tiếng đến độ hầu như mọi người có đồng hồ ở vùng kinh tế mới này đều là khách hàng của ông. Khách hàng “mê” ông vì ông trân trọng, nâng niu đồng hồ của khách và sửa chúng một cách say mê. Thêm vào đó, ông định bệnh nhanh, chính xác, từng động tác tháo ráp, gắp vít, chấm dầu đều gọn, dứt khoát, không thừa.

Đến năm thứ 4 định cư ở đây, tiếng tăm về đồng hồ Lê Trung Hiếu bay xa. Năm 1982 một công ty quốc doanh ở quận 1 mời ông về phụ trách ngành sản xuất, lắp ráp đồng hồ. Năm 1986, với chủ trương mở cửa của Nhà nước, ông Hiếu cảm nhận đã đến thời điểm “có thể làm cái gì đó”. Năm 1987, ông xin nghỉ quốc doanh để ra làm tư nhân nhưng mãi đến năm 1989, tổ hợp sản xuất đồng hồ Gimiko, tổ hợp đầu tiên ở thành phố, mới ra đời từ vốn tự có của 7 người chí thú làm ăn góp lại. Muốn phát triển thì vốn là yếu tố hàng đầu nhưng đó cũng là khó khăn lớn nhất của Gimiko bởi vay ngân hàng không được (không có tài sản thế chấp), bạn bè thân thì không còn ai ở Việt Nam. Thôi thì chấp nhận phát triển chậm, làm từ từ, lấy lãi làm vốn, tích lũy dần.

Máy đồng hồ Gimiko nhập nước ngoài nên tạm ổn. Vỏ đồng hồ, thời gian đầu lấy gỗ mít làm, thuê thợ ở Lái Thiêu gia ông. Công nghệ tẩm sấy lúc ấy chưa có, nhiều đồng hồ gỗ mít xuất đi nước ngoài bị ảnh hưởng thời tiết nên co rút, cong vênh làm Gimiko hơi bị... tai tiếng. Rút kinh nghiệm, ông Hiếu nghiên cứu chuyển sang vỏ nhựa, nguyên liệu lại không có, phải mua nhựa phế liệu các loại (vỏ tivi, tủ lạnh,...) về ép lại rồi sơn mới. Khách hàng chấp nhận. Năm 1983, nhiều cơ sở đồng hồ khác ra đời, tạo nên sự cạnh tranh khá gay gắt. Nhưng “ác” nhất là tình trạng ăn cắp mẫu mã rất dữ dội, bảo hộ quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp còn là chuyện... tương lai. Gimiko có mẫu mã mới là bị ăn cắp ngay. Trong tình thế như vậy, Gimiko buộc phải cải tiến liên tục từ quản lý sản xuất đến cung cách phục vụ, thiết kế mẫu mã... Từ một loại đồng hồ treo tường và để bàn đơn giản, Giám đốc Lê Trung Hiếu đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, rồi có thêm đồng hồ Gimiko báo giờ bằng tiếng Việt, bằng tiếng gà gáy, loại đồng hồ có quả lắc...

Nhìn lại quãng đường đã qua, ông Lê Trung Hiếu tâm đắc một điều: “Trong hoàn cảnh nào cũng phải biết cách làm việc, biết tìm đường đi thích hợp cho mình”? Mặt khác, ông Hiếu cũng quan niệm “hiện tại chỉ là một phần của tương lai”? Do đó, muốn có tương lai tốt đẹp thì phải làm tốt công việc của hiện tại.

(Theo TBKTSG)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633945848815973750/The-gioi-dieu-ky/Cau-chuyen-ve-nguoi-sang...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận