Tài liệu: Cây đèn kỳ diệu

Tài liệu
Cây đèn kỳ diệu

Nội dung

CÂY ĐÈN KỲ DIỆU

Humphry Davy và George Stephenson chiến đấu để cứu mạng các thợ mỏ

 

LÀM THỢ MỎ

Mặt cắt của mỏ Bradley tại Staffordshire năm 1.808 cho thấy những vỉa đá và công việc cùng những nguy hiểm thường gặp của thợ mỏ, như là đá rơi và nước ngập. Những thợ mỏ trước kia phải làm việc hoàn toàn trong bóng tối. Việc đốt nến trong mỏ có thể gây ra những vụ nổ tàn phá khủng khiếp.

 

NHỮNG KẺ TRANH ĐUA

Humphry Davy và George Stephenson là hai mẫu người khác biệt. Davy được sinh ra ở vùng Tây Nam nước Anh, được giáo dục tốt, là một nhà khoa học giỏi và nho nhã. Trong khi Stephenson gốc người Đông Bắc, là một thợ máy mỏ thô lỗ nhưng thực tế, chưa hề đến trường bao giờ.

 

Thứ hai ngày 25 tháng 5 năm 1.812 là một ngày khủng khiếp đối với ngôi làng của những người thợ mỏ ở Felling gần Newcastle, nước Anh. Một vụ nổ lớn bên dưới lòng đất đã giết chết 92 thợ mỏ, trong đó có vài em nhỏ chỉ mới 10 tuổi. Đây là một trong nhiều tai họa gây ra bởi những chiếc đèn thợ mỏ đã làm cho khí mêtan thường được gọi là “khí mỏ” phát nổ. Trước đó 10 năm, chỉ riêng ở vùng đông-bắc đã có 108 thợ mỏ bị chết, nâng tổng số người chết vì nổ khí mỏ lên đến 200 người. Phải có cách nào đó để giải quyết vấn đề này?

Một hội đồng được thành lập để nghiên cứu vấn đề. Họ hỏi ý kiến vị bác sĩ địa phương William Clanny, nhà hóa học Humphry Davy và một người thợ cơ khí mỏ George Stephenson.

Clanny và Stephenson bắt đầu nghiên cứu để làm ra loại đèn an toàn. Clanny ngăn ngừa sự kích nổ từ đèn của ông bằng nước, nhưng thợ mỏ phải bơm không khí vào bằng tay nên không được tiện dụng lắm. Stephenson thử đưa không khí vào qua những lỗ nhỏ, khí mỏ cũng theo vào và bị đốt cháy, nhưng kim loại bao quanh những cái lỗ làm nguội ngọn lửa đã ngăn ngừa được sự nổ. Đèn của Stephenson được đem thử nghiệm vào tháng 10 năm 1.815, và nó đã tỏ ra hữu hiệu.

Tại London, Davy làm những thí nghiệm với khí mỏ. Cũng giống như Stephenson, ông cho không khí vào qua những lỗ nhỏ, nhưng ông nhận ra những lỗ này cần phải nhỏ hơn nhiều. Đèn của ông có lưới gạc bằng đồng bao quanh ngọn lửa và được đem thử nghiệm vào tháng 1 năm 1.816 và đã thành công. Những người chủ mỏ tổ chức một buổi tiệc ăn mừng và thưởng cho Davy một số vật dụng bằng bạc có giá trị gấp 50 lần tiên lương được lãnh trong một năm của một thợ mỏ.

Những người thợ mỏ lại không cảm kích trước sự kiện này. Họ ghen tức với việc một người ở miền Nam lại được chứng nhận là đã phát minh ra cái mà một người trong số họ ở vùng Đông Bắc đã làm được từ trước. Nhiều người đã không thèm dùng đến đèn của Davy và cứ quanh quẩn với loại đèn “geordie”- thiết kế của Stephenson. Davy bảo rằng Stephenson đã ăn cắp ý tưởng của ông và đèn geordie không mấy hiệu quả vì không có tính khoa học.

Về sau, phần lớn đèn của thợ mỏ kết hợp ý tưởng của cả ba nhà phát minh. Ngọn lửa được bao bọc bằng thủy tinh thay vì gạc đồng làm cho đèn sáng hơn, nhưng không khí vẫn phải được đưa vào qua lưới đồng để ngăn ngừa cháy nổ. Vấn đề đã giải quyết xong.

Nhưng có thật đúng như vậy không khi mà điều không may khác lại xảy ra. Được thúc đẩy bởi loại đèn mới, các chủ mỏ lại gửi thợ đi sâu vào những vùng mà trước đây được cho là quá nguy hiểm. Và vì những chiếc đèn này không phải là tuyệt đối an toàn, nên số thợ mỏ bị chết lại nhiều như trước. Có thể Davy và Stephenson đã tranh đua nhau một cách vô ích.

 

NHỮNG CÂY ĐÈN AN TOÀN

Đèn của Davy (bên phải), và của Stephenson (bên trái), là những chiếc đèn an toàn đầu tiên được dùng cho các mỏ than. Nhưng loại đèn của Marsaut (ở giữa) được dùng trong thập niên 1.880 là một trong những loại đèn an toàn nhất phục vụ thành công qua nhiều năm.

BI KỊCH VẪN TIẾP DIỄN

Những vụ nổ giống như trong hình xảy ra vào năm 1.866 tại Barnsley nước Anh, vẫn còn tiếp tục giết chết nhiều thợ mỏ suốt 50 năm sau khi đã phát minh được đèn an toàn.





Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/222-02-633435225628437500/Nhung-thay-doi-mang-tinh-cach-mang-1751-18...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận