CÓ SỰ SỐNG NGOÀI TRÁI ĐẤT HAY KHÔNG?
Nhân loại trên Trái đất vẫn băn khoăn tự hỏi, chẳng lẽ chỉ có một mình chúng ta trong Vũ trụ hay sao? Nếu có những “người” ở ngoài Trái đất thì tìm họ ở đâu, trình độ kỹ thuật và văn minh của họ như thế nào? Những câu hỏi này thường được coi là trong phạm vi của triết học và siêu hình học. Sự tìm kiếm những nền văn minh khác trong Vũ trụ không được coi là một vấn đề ưu tiên, vì từ lâu các nhà thiên văn vẫn cho rằng kỹ thuật của nền văn minh trên Trái đất chưa phát triển đủ để thiết lập liên lạc với chúng. Mãi đến năm 1971, các nhà khoa học Liên Xô và Mỹ mới tổ chức tại đài thiên văn Biurakhan ở Acmênia một hội thảo chuyên đề “liên lạc với những nền văn minh ngoài Trái đất” dùng những viễn kính có tầm nhìn xa. Kỳ họp của Hội đồng Thiên văn Quốc tế năm 1979 tại Montreal (Canada), đã đề cập vấn đề “chiến lược tìm kiếm sự sống trong Vũ trụ''.
Vũ trụ có hàng trăm tỷ Thiên hà, mỗi Thiên hà có hàng chục tỷ sao, mỗi hệ sao có hàng chục hành tinh. Nếu hệ sao nào cũng như hệ Mặt trời thì phải có hằng hà sa số hành tinh như Trái đất, trên đó có đủ loại sinh vật, từ vi sinh vật đến loài người có trí thông minh. Trên thực tế, chưa có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh là có sinh vật hay một nền văn minh trên những hành tinh khác. Vì khoảng cách giữa các sao rất lớn nên sự liên lạc bằng tàu Vũ trụ khó thực hiện được. Với kỹ thuật hiện đại, tàu phóng ra với tốc độ cao, 8km/s, phải mất 150 nghìn năm mới tới ngôi sao gần nhất, Alpha Xentauri, ở cách xa ta 4 năm ánh sáng! Bức xạ vô tuyến truyền từ ngôi sao với tốc độ ánh sáng (300 nghìn kilômet/giây) cũng phải mất 4 năm mới tới Trái đất. Vì vậy, sự chinh phục các hành tinh trong dải Ngân hà và sự tiếp xúc trực tiếp với những văn minh khác dùng phương tiện giao thông bằng tàu Vũ trụ như ''đã bay'' là một vấn đề viển vông đối với phương tiện của những nền văn minh tương tự như trên Trái đất của chúng ta hiện nay.
Chỉ dùng kỹ thuật viễn thông mới có triển vọng bắt được liên lạc với chúng vì tín hiệu vô tuyến truyền qua không trung với tốc độ ánh sáng và không bị hấp thụ bởi các lớp bụi trong môi trường giữa các sao. Tín hiệu mạnh như những tín hiệu radar của những hệ thống viễn thông trên Trái đất, nếu phát ra từ những hệ sao cách xa ta 15 năm ánh sáng, có thể phát hiện được bằng các vô tuyến viễn kính. Cho tới nay, các nhà vô tuyến thiên văn chưa thu được tín hiệu nào phát ra từ nền văn minh trong Vũ trụ, tuy họ đã nhiều lần mừng hụt. Lúc đầu họ đã tưởng nhầm là bức xạ phát ra đều đặn theo chu kỳ của pulsar và quada là những tín hiệu của những nền văn minh khác. Việc phát hiện những sinh vật hay những nền văn minh ngoài Trái đất là một vấn đề nan giải. Các nhà Vật lý thiên văn đành dựa trên thống kê để ước lượng khả năng có sự sống ngoài Trái đất. Để sự tìm kiếm có hiệu quả, họ chú ý đến những nền văn minh có phát triển kỹ thuật cao ít nhất bằng kỹ thuật hiện đại của nhân loại trên Trái đất. Chỉ có những nền văn minh đó mới có khả năng ''liên lạc'' với chúng ta. Sự ước tính đã dựa trên ''phương trình Drake'' (Đrêcơ). Phương trình rất đơn giản này là một tích số gồm có 7 hệ số do ông Drake đặt ra vào năm 1960 để tính số lượng của nền văn minh trong dải Ngân hà:
![](/upload/s/20141023/6101f908d02a152900363410c9572c22image001.gif)
N là số những nền văn minh trong dải Ngân hà.
T là tỷ số sinh sản của sao trong Ngân hà. Tỷ số này tuỳ thuộc quá trình biến hoá của sao theo khối lượng. Những sao nặng bằng năm mười lần Mặt trời tiêu thụ nhanh năng lượng nên chỉ sống được từ vài chục triệu đến vài trăm triệu năm. Mặt trời sống được 10 tỷ năm. Tuổi Mặt trời hiện nay là 5 tỷ năm. Trong các Thiên hà có cánh tay xoắn ốc như dải Ngân hà, tỷ số sao trẻ cao nhất trong những cánh tay xoắn ốc, nơi có nhiều khí và bụi.
Sht là số sao loại Mặt trời có khả năng có hành tinh. Có những sao không có hành tinh quay chung quanh.
Ssv là số hành tinh trong những hệ sao trên, có môi trường thích hợp với sự sống của sinh vật. Hành tinh phải có một vị trí tối ưu trong hệ sao, cho nhiệt độ được ôn hoà để sự sống được nảy nở. Khối lượng của hành tinh cũng phải đủ lớn để trường hấp dẫn đủ mạnh để giữ được khí quyển không bay đi.
Sss là phần của những hành tinh có khả năng có sinh vật trong đó sự sống được phát triển thực sự. Thành phần hoá học của khí quyển cũng là một yếu tố quan trọng cho sự sống.
Svm là phần của những hành tinh có sự sống thực sự, trong đó có một nền văn minh đang phát triển. Quá trình tiến triển của sự sống là một hiện tượng lâu dài. Những phản ứng hoá học tạo ra sinh vật trên Trái đất đã tiến hành trong hơn 4 tỷ năm.
Sll là phần của những xã hội văn minh có khả năng liên lạc với những nền văn minh khác. Sự phát triển nền văn minh như trên Trái đất hiện nay là một quá trình lâu dài. Sự sống bắt đầu cách đây 3 tỷ năm dưới hình thức những vi sinh vật. Loài người mới xuất hiện cách đây khoảng một triệu năm. Nhân loại mới bắt đầu đề cập đến những vấn đề khoa học cách đây khoảng 2 nghìn năm. Nền văn minh kỹ thuật mới phát triển mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XX. Các nhà khoa học phải đợi tới những năm 60, thời điểm kỹ thuật của nhân loại vừa đạt được trình độ đủ cao, mới nghĩ tới vấn đề thiết lập liên lạc với những nền văn minh khác trong Vũ trụ.
Stt là tuổi thọ của những xã hội văn minh đó. Khi một nền văn minh được phát triển đến một điểm cao, nó có thể tự huỷ bằng những vũ khí hoặc những tai nạn có sức tàn phá khủng khiếp gây ra bởi chính nền văn minh đó. Những tai biến thiên nhiên như những vụ sao nổ, hoặc sự va chạm với những thiên thạch, tuy là những sự kiện hiếm có, cũng có thể tiêu diệt một nền văn minh. Những hệ số trên không được ấn định và N là một số nào giữa một (tức là chỉ có nhân loại trên Trái đất) và mười tỷ! Nghĩa là N là một ẩn số! Tuy nhiên, nếu N lớn quá thì trên những hành tinh trong những hệ sao gần hệ Mặt trời có khả năng có “người” ở. Trong trường hợp này, Trái đất chúng ta đã bị ''dân'' ở những hệ sao lân cận có trình độ kỹ thuật cao xâm chiếm từ lâu. Nói chung, số nền văn minh trong dải Ngân hà không được biết rõ. Có giả thuyết cho rằng sự sống nảy nở cùng một lúc cách đây 4 tỷ năm, trong tất cả dải Ngân hà và các thiên hà khác, đặc biệt trên những hành tinh có điều kiện lý hoá thích hợp nhất cho sinh vật. Tuy nhiên, quá trình tiến hoá của mỗi nền văn minh khác biệt nhau.