Tài liệu: Campuchia - Lịch sử

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, Vương quốc Campuchia được thành lập từ thế kỉ VII, nhưng từ thế kỉ IX đến thế kỉ XV mới bước vào thời kì cực thịnh.
Campuchia - Lịch sử

Nội dung

Lịch sử

Là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, Vương quốc Campuchia được thành lập từ thế kỉ VII, nhưng từ thế kỉ IX đến thế kỉ XV mới bước vào thời kì cực thịnh. Chính trong thời gian này, nhân dân Campuchia đã để lại cho di sản văn hóa nhân loại kiến trúc Ăngkor Vát, Ăngkor Thom hùng vĩ. Nó trở thành một trong những kì quan thế giới. Đó cũng chính là thời kì mà văn hóa, xã hội và kinh tế đều đạt đến trình độ phát triển.

Cư dân đầu tiên ở Campuchia là tộc người Khmer, một nhánh của người Inđônêdiêng. Vào thế kỉ I, trên vùng đất rộng lớn này đã hình thành một số tiểu quốc.

Từ thế kỉ III đến thế kỉ VI, tiểu quốc Phù Nam trở nên lớn mạnh và làm bá chủ cả vùng.  Năm 514, Rudravacman lên ngôi, nội tình Phù Nam trở nên khủng hoảng. Từ năm 540 đến năm 550, vua Chân Lạp là Bơhavavácman I đem quân đánh Phù Nam, Phù Nam thua trận, suy tàn dần và bị diệt vong vào giữa thế kỉ VI. Vua Chân Lạp thu phục lãnh thổ cũ của Phù Nam.

Đến đầu thế kỉ VIII, vương quốc Chân Lạp rơi vào tình trạng khủng hoảng rối ren. Nhân cơ hội đó, người Giava đã xâm lược và thống trị họ.

Năm 802, Giayavacman II giành được độc lập lên ngôi vua thành lập vương triều Ăngkor thịnh vượng suốt hơn sáu thế kỉ (từ thế kỉ IX đến thế kỉ XV).

Vua Giayavacman II, người mở đầu cho thời kì Ăngkor, đã đặt cơ sở cho việc xây dựng khu vực kinh đô Ăngkor bằng việc tìm những địa điểm xây dựng hoàng cung ở xung quanh Ăngkor, còn Iasôvacman I là người đầu tiên xây dựng kinh đô Ăngkor. Trên núi Bakhèng các đền miếu và cung điện được dựng nên, quan trọng nhất trong các công trình thuỷ lợi là hồ chứa nước phía Đông hoàng cung dài 7 km rộng 1,8 km. Đây là cơ sở để sau này hoàn chỉnh thành khu vực Ăngkor Vát.

Suryavacman I tiếp tục kiến thiết Ăngkor với những công trình đặt cơ sở cho khu vực Ăngkor Thom.

Nhưng sau đó, Vương quốc bị chia rẽ thành ba vùng trong những năm đầu thế kỉ XI. Suryavacman II thống nhất đất nước, lên ngôi vua, mở rộng lãnh thổ, phía Bắc giáp Chămpa, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Pagan (Mianma) và Grahi ở vịnh Banđôn (Malayxia). Suryavacman II tiến hành xây dựng nhiều công trình quan trọng trong đó xuất sắc nhất là Ăngkor Vát, nơi sẽ dùng làm lăng mộ của nhà vua.

Từ 1177-1181, Chân Lạp bị Champa thống trị. Năm 1181, Giayavacman VII khởi nghĩa đánh Champa, chiến thắng oanh liệt nhất là trận thuỷ chiến đánh tan thuỷ quân Chămpa được ghi lại trên các phù điêu quanh tường tháp Bayon và Ban tây Chơma. Sau khi giành thắng lợi, Giayavacman VII xây dựng nhiều đền dài lớn xung quanh kinh đô và hàng trăm đền nhỏ ở các địa phương, đặc biệt nhất là Ăngkor Thom với tường bao quanh chu vi hơn 12c km, có 5 con đường lớn đi từ trung tâm ra 5 cửa. Ở giữa là đường tháp đồ sộ, tạc mặt người quay nhìn bốn phương.

Năm 1283 và 1296, nhà Nguyên hai lần cử phái bộ sang Chân Lạp. Tuy tránh được sự uy hiếp và tàn phá của đế quốc Mông Cổ nhưng vương quốc Chân Lạp lúc này đã suy yếu, nhiều lần bị người Thái xâm lược và cướp phá, đặt ách thống trị lên Ăngkor trong thời gian 1393-1405. Năm 1405, vị vua mới lên ngôi đã lập kinh đô mới ở Phnôm Pênh. Thời kì Ăngkor kết thúc năm 1434.

Từ năm 1473 đến cuối thế kỉ XVI, người Thái lấn chiếm toàn bộ lưu vực sông Mê Nam và vùng cao nguyên Corạt, đẩy biên giới phía Tây và phía Bắc Campuchia về đường biên giới hiện nay.

Từ thế kỉ XVI trở đi chính là giai đoạn mà đất nước Campuchia bị nhiều đế quốc phương Tây nhòm ngó và xâm lược. Nhân dân Campuchia đã phải trải qua những cuộc đấu tranh rất gian khổ, bất khuất để giành lại độc lập vào năm 1945. Vào đầu thế kỉ XVI, người Bồ Đào Nha đã từ căn cứ Mã Lai đến thăm dò Campuchia. Có lúc, người Tây Ba Nha đã đặt được cơ sở vững chắc cho mình ở Campuchia dưới thời vua Rêacchêa II (1598). Sau đó người Hà Lan cũng định xâm nhập vào quốc gia này nhưng thất bại.

Ngay từ giữa thế kỉ XVII, những giáo sĩ người Pháp đã tìm đến đất nước Campuchia. Nhưng đây là một đất nước Phật giáo nên hoạt động lúc đầu của họ không mấy kết quả. Tuy vậy, các giáo sĩ của Pháp vẫn kiên trì thâm nhập đất nước này. Vào giữa thế kỉ XIX, khi vua Ang Dương lên ngôi, vương triều Nôrôđôm bắt đầu thì cũng là lúc Campuchia gặp nhiều khó khăn, nội chiến liên miên làm cho đất nước rối ren. Bên ngoài, phong kiến Xiêm La và triều đình nhà Nguyễn không liên tục chèn ép. Lợi dụng tình hình chính trị bất ổn này, người Pháp đã tìm cách lôi kéo vua Campuchia đi theo Pháp. Chính phủ Pháp đã phái đại xứ toàn quyền đến Campuchia để kí kết hiệp ước với danh nghĩa ''Hiệp ước liên minh và thương mại''. Nhưng thực chất là mở đường cho thực dân Pháp xâm nhập vào Campuchia dần biến nước này thành thuộc địa của Pháp. Ngày 3-6-1864, vua Campuchia nhận vương miện từ tay Đuđa đơ Lagơrê, thừa nhận sự bảo hộ của Pháp. Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Campuchia bắt đầu.

Trong khi đó, phong kiến Xiêm vốn có quyền lợi đặc biệt ở Campuchia, trước việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp, liền gửi thư đe dọa chính phủ Campuchia. Sau khi vua Ang Dương chết, con là Nôrôđôm lên thay, tình hình nội trị và ngoại giao của Campuchia càng ngày càng khó khăn. Trong thời kì này, chủ nghĩa tư bản phương Tây đang tìm mọi cách để xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, chính vì vậy đã xảy ra những cuộc tranh giành rất quyết liệt Phong kiến Xiêm không dễ dàng từ bỏ quyền lợi của mình, trong khi đó trước sự phát triển thế lực của Anh, Pháp cũng không chịu lùi bước. Cuộc tấn công Đà Nẵng (Việt Nam) vào ngày 1-9-1858 báo hiệu cho cuộc chinh phục Đông Dương của thực dân Pháp đã bắt đầu. Cùng với việc ép triều đình nhà Nguyễn kí các hiệp ước đầu hàng, Pháp đã tìm cách buộc chính phủ Campuchia kí kết các hiệp ước bảo hộ dần biến nước này thành thuộc địa. Trong khi đó, cuộc tranh chấp giữa Pháp và phong kiến Xiêm về vấn đề Campuchia vẫn hết sức gay gắt. Sau đó, mâu thuẫn này dần được dàn xếp bằng cách hai nước kí kết một hiệp ước ngày 15-7-1867 phân chia phạm vi ảnh hưởng của chúng, ngang nhiên trà đạp lên quyền lợi dân tộc của nhân dân Campuchia. Sau khi gạt bỏ được ảnh hưởng của Xiêm, thực dân Pháp đã ép chính phủ Campuchia phải kí kết các hiệp ước đầu hàng và đến năm 1884, Pháp đã thực sự đặt được ách thống trị trên đất nước này.

Trước sự đầu hàng nhu nhược của chính phủ Nôđôrôm, nhân dân Campuchia đã anh dũng đứng lên đấu tranh liên tục để chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc. Phong trào đầu tiên nổ ra vào giữa năm 1861 ở tỉnh Kôngpôngsoài và vùng Bắc Biển Hồ, dưới sự lãnh đạo của Xênôngxô và Comheng Giuythêa nhân dân Campuchia đã nổi dậy. Với khí thế mạnh mẽ, tình thần chiến đấu dũng cảm nghĩa quân đã đánh chiếm nhiều vùng quan trọng và chuẩn bị tiến vào thủ đô Uđông. Nhưng sau đó, do không kịp chớp thời cơ nghĩa quân đã bị liên quân của triều đình và phong kiến Xiêm phản công. Nghĩa quân đã phải rút lui khỏi Phnôm Pênh và bị tồn thất hết sức nặng nề. Phong trào chìm lắng một thời gian, vào cuối năm 1876 Hoàng thân Sivôtha đã tập hợp được quần chúng và gây dựng một cuộc khởi nghĩa mới. Nhưng lúc cuộc khởi nghĩa bước vào cao trào thì cũng là lúc thực dân Pháp hoàn thành công cuộc chiếm đóng Campuchia, chính vì thế chúng đã tập trung binh lực để đối phó. Cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Hoàng thân Sivôtha đã bị đàn áp khốc liệt, nhưng thất bại này đã để lại cho nhân dân Campuchia nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá về tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường bất khuất.

Phong trào dấu tranh tiêu biểu thứ hai của nhân dân Campuchia trong giai đoạn này là phong trào do Pucômbô lãnh đạo. Pucômbô ngay từ đầu đã có ý định tập hợp lực lượng mạnh xung quanh mình đã tiến hành một cuộc đọ sức sống mới với kẻ thù dân tộc. Nhưng tháng 4-1865, thực dân Pháp đã biết được ý định đó nên chúng bắt ông đem về giam lỏng ở Sài Gòn. Dưới sự giúp đỡ của những người yêu nước Việt Nam tháng 5-1866 ông đã vượt ngục và trở về gây dựng phong trào.

Với tài năng quân sự sáng suốt của Pucômbô và sự phối hợp của nhân dân Việt Nam ở các tỉnh Tây Ninh, Sài Gòn và đồng bào ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, nghĩa quân đã lớn mạnh nhanh chóng và tổ chức nhiều trận tiến công làm kẻ thù hoảng sợ. Đến giữa năm 1867, tình hình trở nên rất bất lợi cho nghĩa quân. Triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng, cắt ba tỉnh phía Tây Nam kì dâng cho Pháp, làm cho nghĩa quân mất một địa bàn an toàn và nơi cung cấp nhân lực, tài lực đáng kể. Chính vì vậy, nghĩa quân đã phải chuyển hoạt động lên phía rừng núi phía Bắc. Nhưng cũng từ đây, nghĩa quân bước vào một thời kì hoạt động rất khó khăn và liên tục bị kẻ thù truy kích. Ngày 3-12-1867, Pucômbô đã hi sinh, phong trào đấu tranh của nhân dân Campuchia cũng kết thúc. Dù không giành thắng lợi nhưng phong trào đã để lại trong lòng nhân dân Campuchia sự xúc động sâu sắc và trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh bất khuất, khối liên minh chiến đấu tự nhiên giữa dân tộc cùng chung số phận bị xâm lược và nô dịch trên bán đảo Đông Dương.

Năm 1945, Campuchia giành được độc lập, nhưng lại bị thực dân Pháp tái chiếm năm 1946 đến năm 1954 (Pháp tái chiếm 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia). Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954) chính quyền thuộc về vương triều Xihanúc. Tháng 3-1970, Lôn Nôn lật đổ chính quyền Xihanúc. Năm 1975, Pôn Pốt Iêng-Sari đánh bại Lôn Nôn thiết lập chế độ diệt chủng. Năm 1979, nhân dân Campuchia cùng với sự giúp đỡ của quân đội tình nguyện Việt Nam đã đánh đuổi chế độ Pôn Pốt thành lập nước Cộng hoà Nhân dân. Năm 1991, đình chiến ở Campuchia, thoả ước hoà bình được kí kết. Năm 1992: chính phủ liên hiệp Campuchia được thành lập. Năm 1993: Campuchia tiến hành tổng tuyển cử thông qua Hiến pháp mới, nhà nước theo kiểu thể chế quân chủ lập hiến đã được thành lập.

Tháng 9 năm 1993, Quốc vương Norodom Sihanouk nắm quyền lãnh đạo đất nước. Đây là chế độ quân chủ lập hiến và trên thực tế quốc vương không điều hành đất nước. Cuối tháng 10 năm 2004 Norodom Sihanouk truyền ngôi lại cho Thái tử Norodom Sihamoni.

Đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), thủ tướng đương nhiệm là Hun Sen.

Hiện nay, Campuchia là thành viên của Liên hiệp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nước này đã đạt được sự ổn định hướng đối về chính trị trong những năm gần đây, kể từ khi chế độ Khmer đỏ bị tiêu diệt năm 1979.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2947-02-633558845322343750/Lich-su-va-van-hoa-cua-dat-nuoc-chua-Thap...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận