CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG
Chế độ Tổng thống là một loại hình tổ chức chính quyền ở các nước theo chế độ cộng hoà mà Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, nắm quyền lực hành chính.
Ở các nước theo chế độ Tổng thống, quyền lực của Tổng thống rất lớn. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ, có trách nhiệm bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ và các bộ trưởng chịu trách nhiệm trước tổng thống. Tổng thống phải báo cáo công việc quốc gia trước quốc hội, không có quyền giải tán quốc hội, nhưng có quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Tổng thống và Quốc hội ràng buộc lẫn nhau. Chế độ Tổng thống này đang được áp dụng ở Mỹ.
Các nước mà Tổng thống là người đứng đầu nhà nước không nhất thiết đều áp dụng chế độ Tổng thống. Ở các nước cộng hoà theo chế độ nghị viện, Tổng thống tuy là người đứng đầu nhà nước, nhưng chính phủ của những nước này lại do chính đảng hoặc liên minh chính đảng nào chiếm đa số trong quốc hội đứng ra tổ chức và chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội chứ không chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Ví dụ, Đức và Italia đều là những nước Cộng hoà theo chế độ nghị viện, Tổng thống tuy là nguyên thủ quốc gia nhưng quyền lực rất hạn chế, công việc lễ nghi là chính.
Nền Cộng hoà thứ năm của Pháp là một chính thể hỗn hợp giữa chế độ Tổng thống và chế độ nghị viện, hỗn hợp giữa chế độ Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và thống soái lực lượng vũ trang, nhiệm kỳ 7 năm, do cử tri trực tiếp bầu ra, có thể liên nhiệm. Hiến pháp trao cho Tổng thống quyền bổ nhiệm và bãi miễn Thủ tướng, phê chuẩn bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng; có quyền giải tán Quốc hội (mỗi năm không được quá một lần) và có thể bỏ qua quốc hội trực tiếp tổ chức trưng cầu dân ý về một số đạo luật xét thấy quan trọng và cần thiết.