Dung nham gặp nước có thể tạo thành bom tấn
Dung nham và nước không hoà trộn vào nhau. Chúng có thể nổ tung giống như một quả bom khổng lồ, hai nhà địa chất học tuyên bố như vậy sau khi nghiên cứu một hiện tượng núi lửa bất thường ở Montserrat, Tây Ấn.
Tháng 7/2003, một dòng lớn tro bụi và dung nham đỏ ối chảy từ núi lửa Soufrière Hills ở Montserrat chạm xuống biển và tạo ra một vụ nổ hơi nước khổng lồ. Tiến sĩ Marie Edmonds và Richard Herd, thuộc Đài Quan sát Núi lửa Montserrat cho biết vụ nổ đã làm bắn tung các cột nước, tro núi lửa và những mảnh đá vỡ vụn lên một vùng rộng 4 kilomét vuông, giết chết động vật ở cách xa sườn núi lửa 300 mét, làm sém thảm thực vật và làm mềm chất dẻo trong một máy đo địa chấn trong vùng.
“Kiểu dâng trào dung nham này chưa được ghi nhận tại núi lửa Soufrière Hills trước đây: Một đợt dâng trào đáy phát sinh tại ranh giới biển - đất liền, do hậu quả của một vụ tương tác nổ dữ dội giữa dòng dung nham và nước biển”, hai nhà nghiên cứu nhận định.
Họ đề nghị cần đưa những “vụ nổ nước – lửa” như vậy vào bản đồ cảnh báo nguy hiểm của các hòn đảo núi lửa. Thực tế, những hiện tượng như vậy có thể đã gây chết người tại các hòn đảo trên khắp thế giới, mặc dù bằng chứng về những vụ nổ tại các vùng ven biển không tồn tại lâu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu núi lửa đều chắc chắn về điều này. “Tôi cho là hiện tượng đó khá hiếm”, Tiến sĩ Christopher Waythomas thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết. “Trừ những trường hợp đặc biệt, không phải lúc nào cũng xảy ra một vụ nổ lớn”.
Waythomas và cộng sự đã tìm hiểu khía cạnh khác của vấn đề này. Họ xem xét về mặt lý thuyết để tìm hiểu điều gì sẽ khiến một dòng dung nham đổ vào biển gây nên một vụ nổ lớn.
Cách tốt nhất để hình dung là nghĩ về một cái chảo nóng, Waythomas nói. Một vài giọt nước rơi vào chảo sẽ nhảy nhót xung quanh trên lớp hơi nước được hình thành giữa chất lỏng vào mặt chảo. Chỉ khi bạn rót vào quá nhiều nước, và vì thế hơi nước không thể ngăn cách giữa nước và mặt chảo, bạn sẽ thấy một vụ nổ hơi nước làm hất nước ra ngoài.
Trong trường hợp một dòng dung nham chạm mặt biển, thông thường hơi nước sẽ không khó khăn gì để bắt kịp với việc vật liệu nóng rót xuống biển. Nhưng có thể sẽ xảy ra những tình huống hiếm hoi, như đã xảy ra tại núi lửa Soufrière Hills, khi mà dòng dung nham chạm mặt nước với tốc độ đủ lớn, và tính chất của dòng dung nham phù hợp cho việc ranh giới hơi nước bị phá vỡ, toàn bộ khối này sẽ bị bốc bung lên.
(Theo ABC Online)