Giải mã bí ẩn của ngôn ngữ
Lần đầu tiên các nhà khoa học Anh tìm ra một gene có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển tiếng nói và khả năng ngôn ngữ ở người. Khám phá này không những có ý nghĩa lớn trong việc giải thích “bí mật của tiếng nói”, mà còn giúp chữa trị các dị tật về ngôn ngữ.
Giáo sư Anthony Monaco và cộng sự thuộc Trung tâm Nhân chủng học ở Oxford đã nghiên cứu ADN của 3 thế hệ thuộc một dòng họ mắc tật về ngôn ngữ. Họ đều gặp khó khăn trong việc phát âm và học ngữ pháp. Sau khi đối chiếu ADN, nhóm khoa học đã phát hiện ra “hỏng hóc” ở một gene có tên là FOXP2 trong ADN của tất cả những người này.
Theo giáo sư Monaco, FOXP2 chuyên sản xuất ra một loại protein để kiểm soát hoạt động của các gene ngôn ngữ khác, Khi nó bị hỏng, khả năng ngôn ngữ của người suy giảm hẳn. Khoảng 4% dân số bị trục trặc gene này.
Khả năng ngôn ngữ là đặc thù của con người, làm nên sự khác biệt giữa người với những động vật khác. Các nhà sinh học đều tin rằng, khả năng này ảnh hưởng mạnh bởi di truyền. Tuy nhiên, FOXP2 là bằng chứng đầu tiên cho thấy quả thực có một loại gene đặc thù, ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển ngôn ngữ.
Kết quả nghiên cứu trên cũng có thể mở đường cho việc giải thích câu hỏi: Con người đã học nói như thế nào? Monaco cho biết, hiện các cộng sự của ông đang tìm kiếm loại gene tương tự ở khỉ và vượn người. Nếu họ tìm ra đoạn gene này trong chuỗi ADN của khỉ, rồi đem đối chiếu với ADN của người, hy vọng khi đó, sẽ tìm ra “bí mật của tiếng nói”.
(Theo BBC)