Hành tinh nào lớn nhất?
Hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời là sao Mộc với đường kính là 142800 km. Sao Mộc to tới mức trong lòng nó có thể chứa được hàng nghìn Trái đất. Chỉ mình sao Mộc cũng đã mang trong mình nó một lượng vật chất lớn gấp ba lần toàn bộ các hành tinh còn lại.
Mặc dù rất khổng lồ nhưng sao Mộc lại có tỉ trọng không cao. Nếu cân trên bề mặt Trái đất, một cm3 của hành tinh này chỉ nặng 1,3 gam (nặng hơn một lượng nước có cùng thể tích một chút), trong khi tỉ trọng Trái đất là 5,5 gam.
Sao Mộc bao gồm chủ yếu là khí hyđrô. Nhưng bầu khí quyển bao quanh nó còn chứa cả những khí nặng hơn, có các nguyên tố cơ sở là cácbon và nitơ, như khí mêtan và amôniăc.
Khối lượng khổng lồ của sao Mộc gây nên một trường hấp dẫn vô cùng lớn. Những vệ tinh ở xa hành tinh này nhất là 20 triệu km, gấp 60 lần khoảng cách từ Mặt trăng tới Trái đất của chúng ta! Với một khoảng cách xa như vậy thì Mặt trăng sẽ không còn chịu sức hút của Trái đất nữa.
Trong lòng của sao Mộc rất nóng do áp suất của các lớp vật chất thể lỏng và thể khí bao quanh nó gây nên. Các nhà thiên văn học đã tính được rằng nếu như tỉ trọng của nó lớn hơn 20 lần thì sức nóng trong lòng của nó có thể đủ để thực hiện những phản ứng hạt nhân. Nói cách khác, sao Mộc sẽ bùng cháy để trở thành một ngôi sao chứ không còn là một hành tinh băng giá như hiện nay được. Sao Mộc hiện vẫn đang ở trong tình trạng của một ngôi sao “bất đắc chí”.