Tài liệu: Hướng đến tương lai

Tài liệu
Hướng đến tương lai

Nội dung

HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Nhà khoa học người Ả Rập Alhazen giả điên để kiến lập ngành quang học hiện đại

 

THÀNH CAIRO

Cairo, thủ đô của nước Ai Cập, nằm bên bờ sông Nile, cách bờ biển Địa Trung Hải 160km về hướng nam. Vào thế kỷ thứ X, thành phố được xây tường bao quanh và trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới Trung Cổ. Tên của thành phố này có từ tiếng Ả Rập al-Qahhirah có nghĩa là “chiến thắng”.

 

THỊ GIÁC

Pythagoras sống từ khoảng năm 580 đến 500 TCN, ông là một trong những người đầu tiên nghĩ về cơ chế hoạt động của mắt. Vào khoảng 200 năm sau, Epicurus nhận ra rằng chúng ta nhìn thấy là do ánh sáng đi vào mắt.

 

Thuật nhiếp ảnh, điện thoại và vô tuyến truyền hình chỉ là một số ít trong những phát minh dựa vào quang học - ngành khoa học của ánh sáng. Qua hàng trăm năm, ngành này vẫn còn nhiều nhầm lẫn. Sau đó, khoảng 1.000 năm trước, một nhà khoa học “điên” người Ả Rập tên là Alhazen đã giúp mọi người nhìn mọi việc rõ ràng hơn.

Chuyện kể rằng Alhazen đã đến Cairo, một đô thị phát triển nhanh vào bậc nhất Ai Cập, để chỉ dẫn cho kẻ chuyên quyền khét tiến độc ác là al-Hakim cách điều khiển dòng chảy của sông Nile. Nhưng ý tưởng của Alhazen đã không thành công và sông Nile vẫn cứ chảy theo dòng như bình thường. Ông nghĩ rằng cách duy nhất để thoát khỏi cơn phẫn nộ của nhà lãnh đạo khủng khiếp này-người đã từng ra lệnh giết sạch những con chó ở Cairo vì không muốn nghe tiếng sủa của chúng là giả điên. May mắn thay, việc này đã thành công và al-Hakim cho phép ông tiếp tục nghiên cứu toán học và vật lý.

Alhazen không còn nghĩ đến việc trị thủy và bắt đầu tìm hiểu về ánh sáng. Điều gì xảy ra khi ông nhìn một vật? Hoặc là những tia thăm dò nhanh xuất phát từ mắt để thăm dò bề mặt của các vật thể như Pythagoras đã nghĩ? Hay triết gia Hy Lạp Epicurus đã đúng khi cho rằng ánh sáng từ những nguồn sáng như mặt trời đã dội ra khỏi các vật thể rồi đi vào mắt?

Đối với một nhà khoa học như Alhazen, thì ý tưởng của Pythagoras có vẻ ngớ ngẩn. Nếu đúng thì tại sao người ta lại không thể nhìn trong bóng tối? Thế nên ông nghiêng về lập luận của Epicurus, nhưng đã đẩy những suy nghĩ của mình đi xa hơn nhiều. Vận dụng khả năng toán học, Alhazen tìm ra nhiều điều mà ngày nay chúng ta đã biết về cách thức ánh sáng phản chiếu từ gương phẳng và gương cong, và bị bẻ cong bởi thủy tinh và bầu khí quyển. Ông cũng đã giải thích lý do tại sao nhìn bằng hai mắt tốt hơn là một.

Alhazen viết tất cả những điều này vào một cuốn sách quan trọng có tên là Quang học, cuốn sách được dịch sang tiếng La tinh và đến với châu Âu vào năm 1.270. Có lẽ chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng khoảng thời gian này, đúng ngay lúc mà kính phóng đại và kính đeo mắt, tiền thân của kính hiển vi và kính thiên văn bắt đầu xuất hiện ở châu Âu.

Kẻ đáng sợ al-Hakim cuối cùng đã biến mất trong một trường hợp khó hiểu trong một đêm vào năm 1.021. Ngay lập tức, Alhazen trở về với trạng thái tỉnh táo của mình, tiếp tục sống thêm 20 năm nữa. Dù là một người thông minh, ông không bao giờ tưởng tượng được lợi ích mà các thành quả của ông sẽ mang lại. Ngay cả mạng Internet ngày nay cũng thừa hưởng những ý tưởng mà Alhazen đă viết ra gần 1.000 năm trước.

 

NHỮNG THẤU KÍNH ĐẮC DỤNG

Những thấu kính dùng để cải thiện thị lực xuất hiện vào cuối thế kỷ XIII, có lẽ là chúng có từ thành quả của Alhazen. Vào thế kỷ XVII, việc làm kính đeo mắt đã đưa đến việc phát triển những thiết bị quang học mạnh hơn. Nhưng những cặp kính đeo mắt và kính phóng đại đơn giản như trong hình vẫn còn cần thiết đối với chúng ta ngày nay.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/220-02-633435183670625000/Thoi-cua-quyen-luc-Khoang-499-nam-TrCN---1...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận