Tài liệu: Hoa Kỳ - Hệ thống Giáo dục của Mỹ

Tài liệu
Hoa Kỳ - Hệ thống Giáo dục của Mỹ

Nội dung

Hệ thống Giáo dục của Mỹ

 

GIÁO DỤC TRƯỚC ĐẠI HỌC

Thời gian học:

Tuổi nhập học: 6 tuổi

Tuổi ra trường: 18 tuổi

Cấu trúc Hệ thống Trường lớp:

Trước Tiểu học

Các loại trường ở giai đoạn trước Tiểu học: Trường Mẫu giáo, Vườn trẻ, Các Chương trình Tiền Học đường, Các Trung tâm Chăm sóc trẻ.

Thời gian học: 2 năm

Tuổi: từ 4 đến 6 tuổi

Tiểu học

Loại trường: Trường Tiểu học

Trường Tiểu học ở Mỹ có nhiều dạng, với thời gian học khác nhau: 4 năm, 5 năm, 6 năm hoặc 7 năm.

Trường học 4 năm:

Độ tuổi của học sinh từ 6 đến 10 tuổi, các lớp từ lớp 1 đến lớp 4.

Trường học 5 năm:

Độ tuổi của học sinh từ 6 đến 10 tuổi, các lớp từ lớp l đến lớp 4.

Trường học 6 năm:

Độ 6 tuổi của học sinh từ 6 đến 12 tuổi, các lớp từ lớp 1 đến lớp 6.

Trường học 7 năm:

Độ tuổi của học sinh từ 6 đến 13 tuổi, các lớp từ lớp 1 đến lớp 7.

Trường Trung gian

Đây là dạng trường ở giữa cấp Tiểu học và cấp Trung học. Thời gian học là 3 năm. Độ tuổi của học sinh từ 10 đến 14 tuổi. Các lớp được bố trí tùy theo học sinh ở cấp Tiểu học đã theo dạng trường nào; có 3 dạng: từ lớp 4 đến lớp 6, từ lớp 5 đến lớp 7, hoặc từ lớp 6 đến lớp 8.

Trường Trung học

Thời gian học: 6 năm

Độ tuổi: từ 13 đến 18 tuổi

Bằng cấp: Bằng Tốt nghiệp Trung học (có các dạng: phổ thông/ tiêu chuẩn, hướng nghiệp, danh dự, chuẩn bị cho đại học) .

Cấp Trung học được chia ra: Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông:

Trung học Cơ sở

Thời gian học: từ 2 đến 3 năm

Độ tuổi: từ 13 đến 15 tuổi

Các lớp: từ lớp 7 đến lớp 8, từ lớp 7 đến lớp 9, hoặc từ lớp 8 đến lớp 9

Trung học Phổ thông

Thời gian học: từ 3 đến 4 năm

Độ tuổi: từ 15 đến 18 tuổi

Các lớp: từ lớp 9 đến lớp 12, hoặc từ lớp 10 đến lớp 12

Giáo dục Cấp cao

Ở cấp độ giáo dục cấp cao, Mỹ có các loại trường: đại học nghiên cứu, đại học cấp bằng tiến sĩ, đại học cấp bằng cao học, đại học khoa học nhân văn, các trường chuyên nghiệp và các học viện đặc biệt khác, các trường hướng nghiệp sau trung học và các trường kỹ thuật.

Tương ứng với các loại trường trên có các loại bằng cấp: bằng tú tài, bằng liên kết, bằng cử nhân, chứng chỉ, bằng chuyên môn cấp một, bằng sau cử nhân, bằng cao học, chứng chỉ nghiên cứu nâng cao, bằng tiến sĩ.

GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Tuổi cưỡng bách giáo dục ở Mỹ tùy theo từng bang, phổ biến từ 5 đến 7 tuổi cho đến 16 đến 18 tuổi. Khoảng thời gian của giáo dục Tiểu học cũng dao động từ 4 đến 7 năm. Tùy theo thời gian này mà học sinh sẽ học hoặc không học ở các trường Trung gian (thường kéo dài 3 năm).

Trường Trung học thường có từ lớp 7 đến lớp 12, tùy theo luật lệ và chính sách của từng bang và từng địa phương. Không có một quy định thống nhất nào cho cả nước; tất cả luật lệ và chính sách đều được định hình và thi hành bởi từng bang và từng đơn vị trong số 14.000 khu vực giáo dục địa phương. Tất cả các bang và các khu vực giáo dục đều ấn định lớp cuối cùng của bậc Trung học là lớp 12, và học sinh ra trường đều được cấp bằng Tốt nghiệp Trung học. Văn bằng này được chia thành nhiều loại, như bằng danh dự, bằng chuẩn bị đại học, bằng hướng nghiệp, bằng phổ thông. Có một nội dung chương trình tối thiểu được qui định bởi từng bang cho cấp học này, thường là theo chuẩn của dạng phổ thông. Các dạng hướng nghiệp, chuẩn bị đại học hay danh dự thường có thêm những yêu cầu khác về nội dung chương trình và về tiêu chuẩn tốt nghiệp.

Ngoài ra, đa số các trường ở khu vực và các trường tư thục đều cho phép học sinh tham gia vào chương trình Bố trí nâng cao của Ban Đại học. Chương trình này cho các sinh
viên giỏi được học một số môn mở đầu ở chương trình đại học, do các giáo viên có khả năng phụ trách. Có nhiều trường trung học có chương trình Tú tài Quốc tế để học sinh tùy chọn. Theo chương trình này, học sinh thường phải học thêm một kỳ hè hay một học kỳ bổ sung sau lớp 12.

Danh xưng “Bằng Tốt nghiệp Trung học” và phổ biến nhất trong các trường trung học ở Mỹ. Nội dung chương trình học được ghi rõ trong hồ sơ học sinh, và các điểm số học sinh đạt được sẽ được ghi vào học bạ.

GIÁO DỤC CẤP CAO

Giáo dục cấp cao ở Mỹ còn được gọi là giáo dục sau trung học. Hình thức giáo dục này không được chia thành nhiều dạng (đại học, phi đại học, v.v...) như một số nước khác, và rất đa dạng tùy theo từng trường. Số liệu hiện nay cho thấy có khoảng trên 2.800 trường có cấp bằng Cử nhân hoặc cao hơn; hơn 2.600 trường có ít nhất là một loại văn bằng liên kết nhưng thấp hơn bằng cử nhân; hơn 4.900 trường có chương trình ngắn ngày dưới hai năm và không cấp bằng.

Các trường được chia thành những loại như sau:

Đại học Nghiên cứu

Đây là những cơ sở giáo dục có thể cấp văn bằng tiến sĩ, có một dải rộng các loại chương trình về lý thuyết và ứng dụng.

Đại học cấp bằng Tiến sĩ

Đây cũng là những cơ sở có một dải rộng các loại chương trình, nhưng bằng tiến sĩ không được cấp ở tất cả các lĩnh vực như đối với Đại học Nghiên cứu.

Đại học Cao học

Những cơ sở này có các chương trình về học thuật và về chuyên môn ở cấp độ Cử nhân và Cơ học, và có các bằng cấp chuyên môn, nhưng không cấp bằng tiến sĩ nghiên cứu.

Đại học Tú tài (Đại học Nhân văn)

Những cơ sở này có các chương trình về học thuật và chuyên môn ở cấp độ Cử nhân, không có những bằng cấp cao hơn.

Đại học Liên kết Nhân văn

Đây là những cơ sở có các chương trình về học thuật và chuyên môn, hoặc chương trình chuyên nghiệp ở cấp độ Văn bằng Liên kết, trong đó các trường đại học cộng đồng công lập và các trường đại học thứ cấp công lập hoặc tư thục.

Các trường chuyên môn và các cơ sở đặc biệt khác

Những cơ sở này chỉ có chương trình của một hoặc vài lĩnh vực có liên quan với nhau, hoặc là về chuyên môn hoặc là về học thuật, do đó không đủ mức toàn diện để xếp vào những loại trên. Bằng cấp của các trường này có từ văn bằng liên kết đến Tiến sĩ nghiên cứu (chẳng hạn như các trường độc lập về y khoa, kỹ thuật, nha khoa, luật; các trường dạy nghệ thuật biểu diễn, các trường dòng dạy về thần học, v.v…).

Các trường dạy nghề sau trung học và trường kỹ thuật

Các trường này có những chương trình ngắn ngày với thời gian dưới 2 năm, không cấp bằng đại học mà chỉ cấp các loại chứng chỉ chuyên nghiệp.

Chính quyền liên bang không có quyền hạn đối với việc công nhận các cơ sở giáo dục, các thành viên trong nghề, chưong trình học hay bằng cấp của những cơ sở này. Hầu như tất cả các cơ sở giáo dục sau trung học ở Mỹ đều được cấp giấy Phép bởi chính quyền của bang hay của thành phố để hoạt động dưới sự sở hữu của một đơn vị nhà nước (nếu là trường công lập) hay một tổ chức tư nhân (nếu là trường độc lập); và những trường này có thể được lập ra với mục đích kinh doanh hoặc phi lợi nhuận.

Sự đảm bảo chất lượng của các trường này thông qua những yêu cầu của bang, sự tín nhiệm tự nguyện, và uy tín của trường trong giới đồng nghiệp và trong số những nhà tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp. Sự tín nhiệm ở đây là một quá trình tự điều chỉnh của việc kiểm soát chất lượng bởi cộng đồng giáo dục sau trung học để đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu về năng lực học thuật, khả năng quản trị, và để xúc tiến một sự công nhận qua lại trong phạm vi hệ thống giáo dục. Có 6 hiệp hội đánh giá của các khu vực giữ nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các cơ sở giáo dục trong các bang. Ngoài ra có các hiệp hội đánh giá khác giữ nhiệm vụ đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu cho từng môn học, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên môn và đối với những cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.

CÁC CẤP ĐỘ HỌC TRONG GIÁO DỤC CẤP CAO

Cấp độ sau trung học

Không có sự phân biệt giữa cấp độ “đại học” và cấp độ “phi đại học” ở giáo dục cấp cao tại Mỹ. Cấp độ học vấn được qui định bởi mức độ bằng cấp của từng chương trình cụ thể hơn là bởi loại trường cấp những văn bằng đó. Các chương trình “học nghề sau trung học” bao gồm những loại chương trình về kỹ thuật hoặc chuyên môn nhằm cấp các loại văn bằng, chứng chỉ dưới bằng Cử nhân.

Giáo dục ở cấp độ này bao gồm tất cả những cơ sở chỉ cấp bằng dưới bằng Cử nhân và tất cả các chương trình nhận bằng dưới bằng Cử nhân của những cơ sở khác. Những cơ sở này cũng có thể chia thành các loại như “các cơ sở cấp các loại văn bằng, chứng chỉ cho các chương trình tối thiểu 2 năm nhưng ít hơn 4 năm”, “các cơ sở cấp Văn bằng Liên kết”, “các cơ sở cấp các loại văn bằng, chứng chỉ cho các chương trình tối thiểu l năm nhưng ít hơn 2 năm”, và “cấp các loại văn bằng, chứng chỉ cho các chương trình ít hơn 1 năm”. Các cơ sở cấp Văn bằng Liên kết có thể bao gồm các trường đại học và những cơ sở có các chương trình ngắn ngày và chương trình cấp Văn bằng Liên kết cùng với các chương trình Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ.

Cấp độ Đại học

Đại học cấp một: Văn bằng Liên kết, bằng Cử nhân, Chứng chỉ Nâng cao, chứng chỉ chuyên nghiệp cấp một.

Văn bằng Liên kết là một văn bằng về học thuật hay chuyên môn được cấp ở mức độ giáo dục sau trung học ở Mỹ. Những ứng viên có loại văn bằng này có thể học tiếp một  chương trình văn bằng cấp một khác (chẳng hạn như chương trình Cử nhân), nhưng không thể vào học trực tiếp các chương trình sau đại học. Thời gian của chương trình này thường là 2  năm, nhưng một số chương trình kéo dài lâu hơn. Văn bằng Liên kết có thể được cấp cho những sinh viên tốt nghiệp các chương trình nhân văn hay chương trình tổng quát, hoặc có  thể được cấp cho sinh viên của các ngành chuyên nghiệp.

Chương trình của Văn bằng Liên kết thường có giá trị tương đương với 2 năm của chương trình Cử nhân. Văn bằng này có thể dùng để chuyển tiếp vào chương trình Cử nhân, nhất là khi sự chuyển tiếp đó đã được thoả thuận giữa các trường.

Bằng Cử nhân là loại văn bằng thứ hai được cấp ở giáo dục cấp cao tại Mỹ, và là một trong hai loại văn bằng có thể sử dụng để học tiếp chương trình sau đại học (văn bằng còn lại là bằng chuyên môn cấp một). Chương trình để học lấy bằng Cử nhân thường kéo dài từ 4 đến 5 năm; tùy theo chuyên ngành và tùy theo sinh viên học dạng toàn thời gian hay bán thời gian. Nhiều trường có những chương trình Danh dự để cấp văn bằng Cử nhân. Theo chương trình này sinh viên cần phải hoàn tất những yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như một luận án cấp đại học, một khóa luận danh dự hay một dự án, hoặc học thêm những môn nâng cao, hoặc dự những kỳ thi đặc biệt.

Những loại chứng chỉ nâng cao cần thời gian học thêm dưới 1 năm sau khi lấy bằng Cử nhân. Chứng chỉ này xác nhận cho một ngành phụ hay một khả năng khác có liên quan với ngành chính của sinh viên.

Đối với chương trình của bằng chuyên môn cấp một, sinh viên chỉ được nhận vào sau khi đã hoàn tất hầu hết hay tất cả các môn trong chương trình Cử nhân. Nội dung chương trình này thực chất là ở cấp độ đại học, và văn bằng có giá trị để vào một số ngành nghề cụ thể nào đó. Đôi khi có sự nhầm lẫn vì có một số bằng chuyên môn cấp một sử dụng danh hiệu “tiến sĩ”, mặc dù nó không phải là loại văn bằng nghiên cứu nâng cao. Bằng chuyên môn cấp một thường được cấp cho các ngành như Y khoa, Nha khoa, Thú y, Y khoa Nắn xương, Ngành Đo Thị lực, Ngành Chữa bệnh Chân, Dược khoa, Thần học, và Luật khoa.

Văn bằng Đại học thứ hai: Bằng Cao học, Sau Cao học:

Văn bằng Cao học thể hiện cấp học thứ hai trong giáo dục cấp cao và là văn bằng đầu tiên sau đại học. Bằng Cao học của Mỹ có thể ở dạng nghe giảng (không có luận văn) hoặc dạng nghiên cứu (làm luận văn), và có thể thuộc lĩnh vực học thuật hay lĩnh vực chuyên môn. Hầu hết các chương trình Cao học cần thời gian 2 năm đối với dạng toàn thời gian để hoàn tất, mặc dù thời gian có thể khác nhau tùy theo chuyên ngành. Để lấy văn bằng này sinh viên cần theo học một loạt các môn học theo yêu cầu, và có thể, tùy theo chuyên ngành, hoàn tất một luận văn nghiên cứu, hay một dự án đặc biệt, hay tham dự những kỳ thi của các môn chuyên ngành.

Văn bằng Đại học thứ ba: Bằng Tiến sĩ nghiên cứu

Bằng Tiến sĩ Nghiên cứa thể hiện cấp thứ ba và là cấp cao nhất trong giáo dục cấp cao ở Mỹ, và có thể thuộc lĩnh vực học thuật hay chuyên môn. Văn bằng này không những chỉ đòi hỏi sinh viên lên lớp và tham dự các kỳ thi, mà còn đòi hỏi năng lực độc lập trong việc nghiên cứu. Chương trình Tiến sĩ đòi hỏi sinh viên phải học tập và nghiên cứu về ít nhất một môn chuyên ngành và có năng lực chuyên môn về một số môn khác. Qua hàng loạt những cuộc hội thảo nghiên cứu và những kỳ thi toàn diện, các sinh viên phải chứng tỏ được năng lực nghiên cứu độc đáo của mình hay khả năng thực hành độc lập. Các sinh viên phải chuẩn bị và bảo vệ một luận văn hay dự án trước một hội đồng cấp cao, trong đó có khách mời bên ngoài.

Hầu hết các chương trình Tiến sĩ có thời gian học từ 4 đến 5 năm theo chế độ toàn thời gian nếu vào học với bằng Cử nhân, hoặc thời gian từ 2 đến 3 năm nếu vào học với bằng Cao học. Thời gian cụ thể còn tùy thuộc chuyên ngành và cấu trúc của chương trình. Văn bằng phổ biến nhất đối với các ngành học thuật và việc nghiên cứu lý thuyết về các lĩnh vực chuyên môn là Tiến sĩ Triết học (PhD). Về danh hiệu của bằng, có rất nhiều loại đa dạng, tùy theo từng trường và từng lĩnh học. Đối với các chương trình tiến sĩ chuyên môn, trọng tâm được đặt vào việc nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu lý thuyết, và các danh hiệu bằng cấp cũng rất đa dạng.

ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

Đào tạo Giáo viên Trước Tiểu học và Giáo viên Tiểu học

Những yêu cầu đối với giáo viên mẫu giáo và giáo viên tiểu học do chính quyền của bang qui định. Những ứng viên muốn được đào tạo phải qua nhiều môn thi. Có 4 bang (Alaska, Idaho, Vermont và Wyoming) không đòi hỏi ứng viên phải thi và có 8 bang khác chỉ yêu cầu các kỹ năng tối  thiểu khi nhập học. Có 38 bang yêu cầu các ứng viên phải hoàn tất chương trình ở cấp độ đại học. Khi ra trường sinh viên sẽ được cấp văn bằng Cử nhân kèm với một chứng chỉ. Hầu hết các bang đều có chương trình cấp cao hơn, dựa vào kinh nghiệm và việc đào tạo bổ sung, và các giáo viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Cao học.

Đào tạo Giáo viên Trung học

Các yêu cầu đối với giáo viên trung học cũng giống như đối với giáo viên Tiểu học. Điểm khác biệt chính là các giáo viên Trung học được đào tạo chuyên về một hoặc vài môn về học thuật hay hướng nghiệp và theo đuổi với các môn này trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình. Trong khi đó các giáo viên Tiểu học được đào tạo toàn diện tất cả các môn, đặc biệt là giáo viên dạy các lớp dưới. Ngoài ra còn có những trường chuyên đào tạo các giáo viên đặc biệt để thích ứng với một số đối tượng học sinh nào đó. Có 47 bang có chương trình đào tạo đặc biệt theo từng dạng riêng, chẳng hạn giáo dục cho trẻ điếc, giáo dục cho trẻ thiểu năng về thị giác, v.v… Trong khi yêu cầu tối thiểu về bằng cấp và bằng Cử nhân với ngành giáo dục đặc biệt, hầu hết những giáo viên này đều có bằng Cao học. Đội ngũ nhân viên không giảng dạy ở các trường này cũng phải được đào tạo và công nhận, chẳng hạn như nhân viên hành chính, nhân viên tư vấn, các y tá, nhà tâm lý học, thủ thư, v.v...

Đào tạo Giáo viên Cấp cao

Luật lệ của các bang khác biệt nhau về yêu câu đối với đội ngũ giảng huấn ở cấp sau trung học. Trách nhiệm đưa ra các chuẩn mực và các yêu cầu đối với từng vị trí giảng dạy cũng như việc tuyển dụng giáo viên thuộc về từng trường riêng biệt và từng khoa, ngành của trường đó. Các yêu cầu mà từng trường đưa ra cũng có thể khác biệt tùy theo cấp độ mà giáo viên đó giảng dạy, tùy theo chuyên ngành giảng dạy, tùy theo chương trình giảng dạy có hay không có phần nghiên cứu, và tùy theo lớp giảng dạy là lớp toàn thời gian hay bán thời gian.

Các trường cũng theo các chuẩn mực về giáo viên mà Hiệp hội Công nhận tại địa phương đặt ra. Các giáo viên ở giáo dục cấp cao nói chung thường được yêu cầu phải có những năng lực và học vị cần thiết để đứng lớp, và nếu cần thiết phải hướng dẫn nghiên cứu và tư vấn đối với lĩnh vực mà họ phụ trách.

NHỮNG DẠNG HỌC PHI TRUYỀN THỐNG

Giáo dục Cấp cao Từ xa

Giáo dục từ xa được coi là phương tiện mang giáo dục đến cho những người mà chỗ ở, hoàn cảnh và công việc không cho phép họ đến học trực tiếp tại trường. Đây không được coi là một dạng giáo dục riêng biệt. Hơn nữa, giáo dục từ xa được coi là một phương thức giảng dạy khác với lối học truyền thống tại trường lớp nhưng vẫn là chính thống. Các chương trình giáo dục từ xa ngày một phát triển ở tất cả các cấp độ, qua radio, truyền hình, các trạm vệ tinh, băng hình, máy vi tính, và những phương tiện khác. Nhiều chương trình có cấp chứng chỉ hoặc văn bằng, nhiều chương trình khác nhằm mục đích giáo dục trong thời gian thư nhàn, bồi bổ kiến thức hay đào tạo thêm về một ngành nghề liên quan đến công việc của người học. Những chương trình giáo dục từ xa đều được các hiệp hội công nhận, và nhiều chương trình có chất lượng đã ra đời nhờ những tiến bộ gần đây trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát các môi trường học tập cũng như những công cụ hỗ trợ cho việc học.

Giáo dục Suốt đời

Dạng giáo dục này còn gọi là giáo dục liên tục. Có những chương trình giáo dục liên tục rất mở rộng và tương đương với những bằng cấp của các cơ sở giáo dục chính quy, trong khi có những chương trình khác thì ngắn hạn hơn hoặc chuyên biệt hơn. Giáo dục liên tục có thể thuộc dạng có cơ cấu để cấp phát chứng chỉ hay văn bằng, có thể thuộc dạng không cơ cấu nhằm cung ứng các cơ hội học tập tổng quát hoặc học tập trong lúc nhàn rỗi. Một số chương trình giáo dục liên tục được tổ chức dưới dạng giáo dục từ xa, trong khi một số chương trình khác được tiến hành tại trường hay một chi nhánh của trường.

Khi chương trình này được cung ứng cho những người chuyên môn đã có những loại bằng cấp căn bản, nó thường được gọi là giáo dục chuyên môn liên tục. Việc công nhận và cấp phát bằng cấp cho những chương trình như vậy thường được tiến hành bởi những cơ quan chính quyền về giáo dục cấp cao thông qua các chính sách của trường.

Đào tạo cấp Cao về Ngành nghề

Chương trình loại này thường được coi như một dạng, giáo dục chuyên môn liên tục và được gọi là đào tạo do nhà tuyển dụng tài trợ. Những chương trình này hoặc do các nhà tuyển dụng tổ chức giảng dạy hoặc qua một hợp đồng với một cơ sở giáo dục sau trung học, một hiệp hội chuyên môn, hay một tổ chức tư vấn. Việc đào tạo sẽ được thực hiện ngay tại chỗ làm việc hoặc ở một nơi khác. Các chương trình này có nhiều mức độ, hoặc là những lớp ngắn ngày với mục đích ôn tập hay bồi dưỡng các kỹ năng mới, hoặc có thể là những chương trình dài hạn có cấp bằng.

Việc hoàn tất chương trình và việc cấp bằng đối với chương trình dạng này có thể được công nhận bởi những cơ quan chính quyền về giáo dục cấp cao, thông qua các chính sách của trường. Một dạng giáo dục do nhà tuyển dụng tài trợ rất phổ biến đối với một số trường ở Mỹ, đặc biệt là với những chương trình dưới cấp độ Cử nhân, là đào tạo trong quân đội và sẽ cấp bằng khi cá nhân đó giải ngũ. Các nguyên tắc chỉ đạo cho quá trình đào tạo dạng này do trường học và quân đội cùng phối hợp hình thành.

Các Hình thức Giáo dục Cấp cao Không Chính qui khác

Có nhiều hình thức đa dạng về giáo dục và đào tạo không có cơ cấu chính qui, không cấp phát văn bằng hay chứng chỉ và không có ý định để học viên chuyển trường đến một cơ sở khác cũng như không có sự công nhận về chuyên môn. Những dạng này bao gồm những khóa học và chương trình của các thư viện, các nhà bảo tàng, công viên, các câu lạc bộ dành cho các hội viên và quần chúng. Một số chương trình được cung ứng bởi các nhà tuyển dụng và không có mục đích được công nhận một cách chính qui, chẳng hạn như các cuộc hội thảo và những buổi giới thiệu về những chủ đề liên quan đến công việc và sản phẩm.

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀO GIÁO DỤC CẤP CAO

Đăng ký vào Giáo dục Cấp cao Phi Đại học

Yêu cầu bằng cấp: bằng tốt nghiệp trung học.

Điểm số tối thiểu: điểm số tối thiểu ở trung học tùy thuộc vào tiêu chuẩn và chính sách của từng trường.

Những ngoại lệ:

Chứng chỉ Phát triển Giáo dục Tổng quát (GED) được chính thức công nhận ở tất cả các bang, coi như tương đương với bằng Tốt nghiệp Trung học. Đây là một loại chứng chỉ dành cho người lớn không có điều kiện học trung học theo đúng độ tuổi của mình, và đã hoàn tất một chương trình tương đương với chương trình những năm cuối của bậc trung học. Ngoài ra các trường có thể có những ngoại lệ đối với một số trường hợp nào đó. Ở một số bang, có những trường đại học công lập 2 năm (các trường đại học cộng đồng, các học viện hướng nghiệp hay kỹ thuật) được luật pháp qui định tiếp nhận tất cả mọi ứng viên. Việc tiếp nhận như vậy gọi là đăng ký mở. Các trường theo thể thức đăng ký mở này thường giám sát quá trình học tập của sinh viên và đặt ra những yêu cầu cho các môn học để đạt được những tiêu chuẩn cao khi sinh viên ra trường.

Các kỳ thi tuyển sinh:

Các kỳ thi như Kiểm tra Trình độ (SAT) và Kiểm tra Đại học Hoa Kỳ (ACT) do các cơ sở tư nhân chấm điểm. Thí sinh phải nộp lệ phí để thi. Để được tuyển vào trường, các ứng viên có thể cũng cần phải thi kỳ kiểm tra Thành tích hay kỳ kiểm tra Xếp hạng Nâng cao. Những kỳ thi này nhằm đánh giá trình độ thí sinh ở một số lĩnh vực cụ thể.

Đăng ký vào Giáo dục Cấp cao Đại học

Yêu cầu bằng cấp: bằng tốt nghiệp trung học.

Điểm số tối thiểu: điểm số tối thiểu ở trung học tùy thuộc vào tiêu chuẩn và chính sách của từng trường.

Ngoại lệ:

Ngoại lệ giống như đối với việc đăng ký vào giáo dục cấp cao phi đại học. Ở một số trường hợp, luật pháp yêu cầu nhà trường tiếp nhận tất cả các sinh viên là người ở trong bang. Các trường này sẽ đưa ra các chính sách giám sát quá trình học tập của sinh viên và đặt ra những yêu cầu cho các môn học để đạt được những tiêu chuẩn cao khi sinh viên ra trường.

Chương trình Bố trí Nâng cao cấp Đại học (AP) được nhiều sinh viên và nhà trường tham gia. Chương trình này đưa ra 33 môn thi khác nhau. Các thí sinh chọn một môn để thi, và nếu bài thi đạt điểm từ 3 trở lên (trong thang điểm 5) sẽ được công nhận hoàn tất kỳ thi AP. Nhiều ứng viên vào đại học nộp kèm chứng chỉ AP này cùng với các bằng cấp trung học khác.

Các kỳ thi tuyển sinh:

Các kỳ thi tuyển sinh cũng giống như khi đăng ký vào chương trình giáo dục cấp cao phi đại học.

Việc Đăng ký của Sinh viên Nước ngoài

Sinh viên nước ngoài được định nghĩa như sau: những người vào Hoa Kỳ để theo đuổi một chương trình học với một visa không nhập cư và người đó không có hộ chiếu của Hoa Kỳ. Theo luật liên bang, những sinh viên nước ngoài được xếp vào loại “người nước ngoài không định cư tại Mỹ”.

Nền giáo dục cấp cao ở Mỹ là một hệ thống mở và đa dạng, tiếp nhận tất cả các ứng viên trên khắp thế giới. Cũng giống như những trường hợp đăng ký khác, việc đăng ký của sinh viên nước ngoài được điều khiển bởi từng trường học riêng biệt. Ở cấp độ liên bang không có yêu cầu hay hạn chế gì về mặt quốc gia đối với các sinh viên nước ngoài. Thủ tục đăng ký khác nhau tùy theo từng trường.

Các qui đinh khi nhập học:

Điều đầu tiên một sinh viên nước ngoài cần làm là xác định xem mình muốn đăng ký vào một hay những trường nào. Khi điều này đã được xác định, sinh viên đó phải theo những yêu cầu riêng của các trường này về thủ tục nhập học.

Ngoài ra các sinh viên nước ngoài cũng cần chứng minh, theo yêu cầu cụ thể của từng trường, những điều sau đây:

a/ đã có sự chuẩn bị thích hợp cho việc theo học ngành  mà họ đã chọn

b/ khả năng Anh ngữ đầy đủ để theo đuổi việc học

c/ khả năng tài chính có thể thanh toán học phí và các khoản chi phí khác

d/ trú quán rõ ràng tại quê nhà mà họ sẽ trở về sau khi học xong

Những trung tâm tư vấn ở nước ngoài của Mỹ và các trường học có thể tư vấn cho các sinh viên tương lai về các chi phí và phương thức thanh toán, cũng như về các chế độ học bổng và chế độ hỗ trợ tài chính. Nếu như trường học này đã đảm bảo là ứng viên nước ngoài đó đã hội đủ các điều kiện tuyển sinh bình thường và các điều kiện riêng cho sinh viên nước ngoài, trường đó sẽ cấp Chứng chỉ Hợp lệ cho ứng viên. Chứng chỉ này có giá trị đối với tòa Lãnh sự Mỹ như là bằng chứng hợp lệ để vào học ở Mỹ và là bằng chứng hợp lệ để cấp visa cho ứng viên đó.

SỰ CÔNG NHẬN VỀ HỌC TẬP & BẰNG CẤP

Hoa Kỳ áp dụng một hệ thống tín nhiệm tự nguyện để hình thành và duy trì những tiêu chuẩn cho các trường học và các chương trình học tại đó. Sự tín nhiệm này là một quá trình tự điều chỉnh trong việc kiểm soát chất lượng do cộng đồng giáo dục sau trung học ở Hoa Kỳ tham gia và để đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu về năng lực học thuật, khả năng quản trị và xúc tiến sự công nhận lẫn nhau về chất lượng  trong hệ thống giáo dục. Có hơn 50 hiệp hội được công nhận, có nhiệm vụ đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu cho các trường học và các chương trình.

Việc xác định về chất lượng của một cơ sở nước ngoài cũng như bằng cấp do những cơ sở này cấp và việc định cấp độ của những bầng cấp đó là trách nhiệm đơn thuần của trường đại học Mỹ. Những tiêu chuẩn chung chung và đường lối chỉ đạo thỉnh thoảng được định ra bởi Hội đồng Quốc gia về việc đánh giá các Cơ sở Giáo dục Nước ngoài, nhưng  những tiêu chuẩn này là không bắt buộc và các chính sách của các cơ sở giáo dục có thể khác biệt với nhau. Những cơ sở giáo dục nước ngoài không nhất thiết phải được các hiệp hội Hoa Kỳ công nhận, và thường thì những cơ sở này phải được xét duyệt và công nhận bởi chính quyền của nước sở tại đó. Khi có sự chuyển trường của sinh viên giữa một cơ sở của Mỹ và một cơ sở nước ngoài, các cơ sở này sẽ có sự thỏa thuận với nhau. Việc chuyển đổi sinh viên, giao lưu về chương trình, bằng cấp giữa những cơ sở giáo dục này là được công nhận chính thức, nhưng công việc cụ thể còn tùy vào các chính sách và qui định do các cơ sở đó đưa ra.

Theo luật lệ và chính sách, các cơ sở giáo dục nước ngoài có quyền tự trị và tự quyết định trong việc tuyển sinh và bố trí sinh viên. Những cơ sở này có cả quyền công nhận hay không công nhận những văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở khác. Khi các trường học, các nhà tuyển dụng, những quan chức về nhập cư và lãnh sự và những đơn vị cấp phát giấy phép của bang không thể đưa ra quyết định về việc công nhận các cơ sở giáo dục nước ngoài này, hoặc do thiếu nguồn thông tin hoặc do thiếu chuyên môn, họ có thể dựa vào các dịch vụ đánh giá tư nhân để xem xét những loại văn bằng này và đưa ra lời đề nghị. Những cá nhân cũng có thể nhờ các dịch vụ này đánh giá các loại văn bằng.

Đối với việc vào học ở các cơ sở giáo dục phi đại học, các cơ sở đại học hay sau đại học, từng cơ sở có toàn quyền công nhận hay không công nhận các loại văn bằng, chứng chỉ do các cơ sở khác cấp. Thường thì những cơ sở giáo dục này không phải thỉnh cầu ý kiến của các cấp chính quyền cao hơn.

Những công dân nước ngoài muốn hành nghề tại Mỹ cần phải theo đúng những yêu cầu do từng bang đưa ra hay những qui định về nghề nghiệp, hoặc cả hai. Những sinh viên và những nhà chuyên môn nước ngoài có quan tâm đến các luật lệ và qui định về việc hành nghề ở Mỹ có thể liên hệ với những hiệp hội chuyên môn và các cơ quan cấp giấy phép trong bang. Các hiệp hội chuyên môn có thể công nhận các chương trình giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực mà họ phụ trách, và có thể kiểm soát cũng như tư vấn cho chính quyền của bang trong việc cấp giấy phép hành nghề, đưa ra các tiêu chuẩn và chính sách về chuyên môn, cũng như duyệt các chương trình giáo dục và đào tạo liên tục.

Hầu hết các bang đều có những qui định về các nghề nghiệp trong những luật lệ ở cấp dưới bang; đồng thời các bang này cũng duy trì các văn phòng giám sát những nghề nghiệp đó và các đại biểu có trách nhiệm về vấn đề này trong các hiệp hội chuyên môn. Thường thì những cá nhân muốn hành nghề phải hoàn tất những chương trình giáo dục cụ thể theo qui định, và có nhiều đơn vị cấp giấy phép của bang còn yêu cầu những cá nhân hành nghề phải qua một kỳ thi của bang, hoặc phải qua một kỳ thực tập có giám sát, hoặc cả hai.

HỆ THỐNG CHO ĐIỂM

Hệ thống Cho điểm ở Trường Trung học

Hầu hết các trường trung học sử dụng hệ thống cho điểm theo mẫu tự A, B, C, D, và đôi khi có cả điểm E và F. Mẫu tự I được coi như chưa hoàn tất chương trình. Những mẫu tự này có thể qui ra thành điểm số. Không có một qui định quốc gia nào về các hệ thống cho điểm.

Điểm cao nhất: điểm A (hạng Xuất sắc)

Điểm ở mức ranh giới giữa đậu và rớt: D

Điểm thấp nhất (rớt): F

Hệ thống Cho điểm ở Các Cơ sở Giáo dục Cấp cao

Nhiều cơ sở áp dụng hệ thống cho điểm theo mẫu tự giống như hệ thống của các trường trung học, và cũng có thể chuyển đổi thành điểm số. Hệ thống điểm số có thể ở thang  điểm 5, hoặc 4, hoặc 3. Một số cơ sở không cho điểm và chỉ cho khi nào có yêu cầu. Các hệ thống cho điểm tùy theo từng cơ sở.

Thường thì các cơ sở áp dụng thang điểm như sau:

Mức cao nhất: A hoặc 4,0 (Xuất sắc)

Mức trung gian giữa đậu và rớt: C hoặc 2,0

Mức thấp nhất: D hoặc F, hoặc 1,0 (Rớt)

Những Hệ thống Cho điểm khác

Với những chương trình nghiên cứu cấp cao (Cao học, Tiến sĩ) và các phần thực hành hay dự án thường không được cho điểm bằng chữ hoặc bằng số, mà được đánh giá qua cách danh hiệu như “danh dự”, “đậu”, hoặc “rớt”.

ĐẶC ĐIỂM VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC CỦA MỸ

Chính quyền liên bang không thực hiện các dịch vụ sinh viên. Công việc này được thực hiện bởi một dải rộng các hiệp hội sinh viên, những tổ chức dịch vụ và các đoàn thể hỗ trợ. Những đơn vị này có nhiều loại hình dịch vụ dành cho sinh viên và gia đình của họ. Những đơn vị này bao gồm các hiệp hội về kỷ luật và chuyên môn, những cơ sở tài chính, những hiệp hội y tế, hiệp hội tôn giáo, và các loại hiệp hội khác. Các hiệp hội sinh viên và các văn phòng dịch vụ có mặt ở hầu hết các cơ sở giáo dục sau trung học và các chi nhánh.

Những cơ sở giáo dục cấp cao cũng có các văn phòng tư vấn dành cho sinh viên nước ngoài và các hiệp hội sinh viên nước ngoài để hỗ trợ các nhu cầu đặc biệt của những sinh viên quốc tế và gia đình của họ. Các hiệp hội và các văn phòng địa phương thì cung cấp các loại thông tin.

Ở Mỹ không có những luật lệ cơ bản ở cấp liên bang hay cấp quốc gia nhằm quản trị sự hiện hữu, bản chất hay hoạt động của cộng đồng giáo dục sau trung học. Chính phủ quốc gia không công nhận các cơ sở giáo dục, không điều chỉnh các hoạt động, không thiết lập và giám sát các tiêu chuẩn hay chương trình học, và cũng không hình thành hay chỉ đạo các loại văn bằng do những trường này cấp phát. Trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động của giáo dục cấp cao được phân quyền cho các chính quyền của từng bang. Bộ Giáo dục của liên bang chỉ hạn chế quyền hạn của mình trong những chức năng sau đây:

+ Thu thập và phân phối các loại thông tin và số liệu về nền giáo dục của Mỹ.

+ Cung ứng sự chỉ đạo nhân danh các chính sách và các đề xướng về giáo dục.

+ Quản trị các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên, cho các cơ sở giáo dục và cho chính quyền địa phương các cấp

+ Tiến hành các chương trình hỗ trợ về nghiên cứu và kỹ thuật

+ Quản trị và thi hành các luật lệ của liên bang để đảm bảo quyền bình đẳng về hưởng thụ giáo dục của tất cả các công dân, đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi về tự do học thuật, quyền tự trị của các cơ sở, các loại bằng cấp của những cơ sở này, và đảm bảo quyền lợi của các thành viên trong ngành (sinh viên, giáo viên, ban quản trị) cũng như các tiêu chuẩn đã đặt ra.

NHỮNG THUẬN LỢI TRONG GIÁO DỤC Ở MỸ

Chất lượng

Những trường đại học của Mỹ đã nổi tiếng thế giới về chất lượng của các phương tiện giảng dạy, nguồn tư liệu và đội ngũ giáo viên. Hệ thống tín nhiệm ở đây đảm bảo rằng các cơ sở giáo dục luôn duy trì các chuẩn mực sẵn có của họ.

Chọn lựa

Hệ thống giáo dục của Mỹ là vô địch trên thế giới về các tùy chọn mà nó cung ứng cho sinh viên về loại hình của cơ sở giáo dục, về môi trường học thuật và môi trường xã hội, về yêu cầu tuyển sinh, về chương trình học và các chuyên ngành.

Giá trị

Trong việc đầu tư vào tương lai của người học, các bằng cấp của Mỹ xứng đáng với chi phí được bỏ ra. Ngoài ra có một dải rộng các mức học phí và chi phí khác nhau, cùng với những hỗ trợ về tài chính từ các trường, việc học tập ở Mỹ nằm trong tầm tay đối với nhiều sinh viên quốc tế.

Sự linh hoạt

Một trong những đặc điểm nổi bật của các trường đại học ở Mỹ là sự linh hoạt trong việc chọn lựa các khóa học trong phạm vi một trường, và điều quan trọng hơn nữa là khả năng có thể chuyển trường của các sinh viên. Những sinh viên này có thể hoàn tất hai năm học đầu tiên tại một trường nào đó, đến năm thứ ba chuyển sang một trường khác.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2259-02-633495593148437500/Giao-duc/He-thong-Giao-duc-cua-My.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận