Khôi phục mạch máu khủng long
Các nhà kháo cổ đã tách được những cấu trúc mềm, giống như mạch máu, ra khỏi xương của một con khủng long bạo chúa chết cách đây 68 triệu năm. Họ cũng tìm thấy những vi cấu trúc nhỏ màu đỏ, tương tự như những tế bào hồng cầu.
Phát hiện chứng tỏ rằng chúng ta có thể khôi phục các thông tin sinh học từ hàng loạt những vật liệu hoá thạch đã được nhận diện, giúp lần ra dấu vết của các mối quan hệ tiến hoá.
Hầu hết các hoá thạch tìm được tới nay chỉ còn lại các mô cứng, như sọ hoặc xương. Phát hiện về những mô mềm được bảo quản là điều chưa từng có đối với mẫu vật có từ thời đại khủng long.
Chiếc xương chân được lấy từ hoá thạch có tên gọi B-rex, tìm thấy trong một hẻm núi xa xôi ở Nam Dakota (Mỹ) vào năm 2000, do thành viên của nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng miền núi ở Montana thực hiện. Chiếc xương đùi dài 107 cm (nhỏ so với khủng long bạo chúa), được tìm ra trong trạng thái nguyên vẹn, với lòng xương rỗng không chứa khoáng chất. Đây là một điều bất thường với mẫu vật bị hoá thạch lâu như vậy.
Xương tạo thành từ những tế bảo xương, được một mạng lưới các mạch máu nuôi dưỡng. Các tế bào xương này sản ra những protein có nhiệm vụ tích lũy canxi tạo độ vững chắc cho nó. Để tìm hiểu điều gì còn lại ở bên trong khúc xương hoá thạch, Mary H. Schweitzer, công tác tại Đại học bang Bắc Carolina ở Raleigh đã ngâm các mẩu lõi xương vào một dung dịch, nhằm hoà tan hợp chất canxi. Phần còn lại sau quá trình hoà tan là một mô máu mềm dẻo có khả năng đàn hồi lớn”.
Để so sánh, Mary sau đó nghiên cứu xương của đà điểu, loài chim lớn nhất và có họ gần gũi nhất với khủng long bạo chúa. Bà đã phát hiện ra những cấu trúc tương đồng khi loại bỏ canxi khỏi xương đà điểu, và xử lý nó bằng các enzyme để loại bỏ sợi keo dính trong cơ chất xương.
“Nghiên cứu về khủng long cho thấy những thông tin hoá sinh và sinh học có thể được tái tạo từ lượng lớn vật liệu hoá thạch. Đó dường như chắc chắn là các mạch máu”, Angela Milner ở từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, Anh, nhận định.
Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ phân lập protein, và thử giải mã trình tự của nó. So sánh trình tự protein có thể lần ra mối quan hệ của khủng long với các loài dã thú tiền sử khác và với các loài còn sống ngày nay. Schweitzer từ chối thảo luận về ADN vì bà không làm việc theo hướng này, nhưng ADN kém ổn định hơn protein, và vì thế thường bị phân huỷ thành những mẩu nhỏ, ngay cả trong những mô bị đông lạnh vì băng hà.
(Theo New Scientist)