Tài liệu: Làm cách nào bò sát sống sót qua kỳ tuyệt chủng lớn nhất?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khoảng 251 triệu năm trước đây, vào cuối kỷ Péc - mi, trái đất đang trong thời kỳ hưng thịnh với sự sống sinh sôi, nảy nở khắp nơi.
Làm cách nào bò sát sống sót qua kỳ tuyệt chủng lớn nhất?

Nội dung

Làm cách nào bò sát sống sót
qua kỳ tuyệt chủng lớn nhất?

Móc xích dữ liệu về hoá thạch của các loài bò sát đã sống sót qua lần tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử trái đất, các nhà khoa học nhận định thảm kịch này ảnh hưởng tới sự sống dưới đại dương mạnh mẽ hơn nhiều tới sinh vật trên đất liền. Và có lẽ, thiên thạch không phải là “kẻ chủ mưu” của đại họa đó.

Khoảng 251 triệu năm trước đây, vào cuối kỷ Péc - mi, trái đất đang trong thời kỳ hưng thịnh với sự sống sinh sôi, nảy nở khắp nơi. Kế đó, sa mạc bao phủ trên một lục địa rộng lớn, nhưng vẫn không ngăn cản được lưỡng cư và bò sát bành trướng trên đất liền, trong khi huệ biển, cúc biển, san hô và cá vẫn tiếp tục thống lĩnh đại dương.

Nhưng, điều gì đã xảy ra ở thời điểm này? Bí ẩn vẫn nằm im cho đến tận hôm nay. Người ta chỉ biết rằng, ngay sau đó là thảm họa tuyệt chủng lần thứ ba, và là lớn nhất trong lịch sử trái đất từ xưa đến nay, kéo theo sự biến mất của 96% số loài sinh vật biển và 3/4 số loài động vật có xương sống trên đất liền. Sự kiện này nghiêm trọng đến mức được gán cho cái tên “bà mẹ của các cuộc tuyệt chủng vĩ đại”.

Thiên thạch bị phủ nhận

Nhiều nhà khoa học giả thuyết rằng, một thiên thạch hoặc sao chổi có kích cỡ 12 km đã va vào hành tinh chúng ta, giải phóng năng lượng tương đương 1 triệu lần trận động đất lớn nhất ghi lại được trong thế kỷ 20, gây ra đợt tuyệt chủng này.

Bác lại giả thuyết trên, Tiến sĩ Sean Modesto, nhà khảo cổ tại Bảo tàng Ontario ở Toronto, Canada, nhận định, nếu đúng là có thiên thạch gây nên tác động vĩ đại như thế, nó sẽ triệt hạ hầu hết sinh vật trên đất liền cũng như sống dưới biển. Nhưng phát hiện mới đây của ông lại không cho kết quả tương tự. Ông và cộng sự đã nghiên cứu hoá thạch của một nhóm nhỏ bò sát giống thằn lằn, được gọi là Procolophonoid, sinh trưởng trên đất liền ở kỷ Péc - mi. Theo các phân tích, 4 trong 6 loài được nghiên cứu đã xoay xở thoát khỏi vụ tuyệt chủng khủng khiếp để sống tới tận kỷ Triat (thời kỳ mở đầu kỷ nguyên của khủng long). Trong khi đó, cũng tại thời điểm này có đến 90% sinh vật biển bị tuyệt diệt.

“Vụ tuyệt chủng lớn tại ranh giới kỷ Péc-mi - Triat không tiêu diệt nhiều sinh vật trên đất liền như với sinh vật biển. Và do đó, chắc hẳn phải có một nguyên nhân nào khác, mà không phải là thiên thạch, gây ra thảm cảnh này”, Tiến sĩ Modesto nói.

Theo các nhà khoa học, có thể chính các tác động của môi trường như sự lên xuồng thất thường của mực nước biển, sóng thần, trái đất lạnh đi hay ấm lên, mưa axit hoặc các hoạt động núi lửa... có thể đồng thời tác động, gây nên lần tuyệt chủng vĩ đại đó. Và bò sát, những kẻ biết đào hang, đã tìm ra phương án thoát thân kỳ diệu bằng cách ẩn mình trong lòng đất, chờ thời cơ thuận lợi hơn.

(Theo BBC)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4701-26-633942464477790947/The-gioi-dieu-ky/Lam-cach-nao-bo-sat-song...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận