Tài liệu: New Zealand - Địa lý

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

New Zealand tọa lạc ở phía Nam Thái Bình Dương, trải dài gần theo hướng Bắc - Nam, với hai hòn đảo chính là Đảo Bắc và Đảo Nam có diện tích 266.200 km2. Hai hòn đảo
New Zealand - Địa lý

Nội dung

Địa lý

New Zealand tọa lc ở phía Nam Thái Bình Dương, trải dài gần theo hướng Bắc - Nam, với hai hòn đảo chính là Đảo Bắc và Đảo Nam có diện tích 266.200 km2. Hai hòn đảo này được ngăn cách bởi eo biển Cook. Ngoài ra còn có đảo Stewart ở ngay phía Nam của Đảo Nam và đảo Chatham  cách Christchurch 800 km về phía Đông.

Thành phố lớn nhất của đất nước này, Auckland, tọa lạc ở vùng bán đảo hình thành phần phía Bắc của Đảo Bắc. Phần Phía Nam của Đảo Bắc có những đồng bằng màu mỡ chạy dài đến những đỉnh núi lửa. Đảo Nam có diện tích lớn hơn, mặc chỉ có một phần ba dân số sống tại đây. Dãy núi Southern Alps chạy dài suốt cả hòn đảo, với nơi cao nhất là núi Cook, đỉnh cao nhất của New Zealand.

Hai phần ba của New Zealand là đồi núi, một vùng có những con sông chảy xiết, những hồ sâu vùng núi và những khu rừng cận nhiệt đới. Đất nước này có nhiều địa hình đa dạng chỉ trong vòng một diện tích tương đối nhỏ - đồi núi, hồ nước, sông, vịnh hẹp, hẻm núi, sông băng và núi lửa. Ở đây có một bờ biển dài với nhiều loại bãi biển khác nhau, phần lớn có cát vàng. Tuy nhiên, những bãi biển với cát trắng và nước trong lại chiếm đa số ở vùng cận nhiệt đới phía Bắc (vùng Vịnh Đảo). Những bãi biển cát đen có thể thấy ở cả Đảo Bắc (vùng Taranaki) lẫn Đảo Nam (bờ biển Tây).

Những vùng núi chính thuộc khu vực Đảo Nam (dãy Southern Alps). Ngọn núi cao nhất là núi Cook, với độ cao 3.764 mét. Khu vực Đảo Nam có hai con sông băng là sông Fox và sông Franz Josef. Ở Đảo Bắc có 4 núi lửa chính. Các núi Ruapehu, Ngaurahoe, và Tongariro nằm gần nhau ở trung tâm của Đảo Bắc, trong khi núi Taranaki nằm xa hơn về phía Tây.

Ở Đảo Nam có 8 hồ nước lớn. Hồ lớn nhất ở đây là Te ANau (344 km2), sau đó đến hồ Wakatipu và hồ Wanaka. Hồ nước lớn nhất của New Zealand là hồ Taupo ở Đảo Bắc, với diện tích trên 606 km2, và là miệng của một ngọn núi lửa đã tắt. Vùng trung tâm của Đảo Bắc là một cao nguyên núi lửa với nhiều suối nước nóng, hồ nước bùn và mạch nước phung đặc biệt là quanh vùng Rotorua.

Những động đá vôi ở Waitomo ở bờ biển phía Tây của Đảo Bắc có những hang ngầm với nhiều thạch nhũ và măng đá và hàng đàn những con đom đóm thắp sáng dưới hang sâu.

Đảo Nam có nhiều loại sông đa dạng, từ những con sông rộng và khúc khuỷu chảy qua vùng bằng phẳng của đồng bằng Canterbury, đến những con sông chảy xiết trong những hẻm núi sâu như sông Shotover và sông Clyde ở vùng trung tâm Otago. Sông Waikato ở phía Bắc thì rộng với những khúc quanh không gắt, chảy qua những vùng đồng cỏ phì nhiêu. Sông Wanganui có nhiều bụi rậm hai bên bờ. Những thác lớn có rất nhiều ở đây.

Hầu hết rừng bản xứ của New Zealand đã bị người Âu định cư ở đây đột phá, tuy nhiên vẫn còn những vùng rừng tự nhiên ở bờ biển Tây (Đảo Nam), vùng Nelson và phía Đông của Đảo Bắc. Những rừng thông Caori nguyên thủy của New Zealand (với một số cây lớn nhất thế giới) tọa lạc ở vùng cận nhiệt đới phía Bắc. Những rừng cây ngoại lai, chủ yếu là thông, có thể tìm thấy ở vùng trung tâm Đảo Bắc gần Taupo.

Sự đa dạng của phong cảnh và thực vật ở đây giúp người ta chỉ trong một cuộc hành trình ngắn có thể đi qua nhiều dạng địa hình khác nhau: những đụn cát, những vùng thảo mộc, rừng ven biển, rừng mưa cận nhiệt đới, rừng sồi, bãi lầy, vùng đồng cỏ cận núi, vùng cây bụi, các cánh đồng hoang, vùng đá cằn cỗi, vùng tuyết và băng, và các vùng đồng cỏ.

New Zealand đã tách rời khỏi các lục địa khác từ khoảng 100 triệu năm về trước, do đó có nhiều loại thực vật và động vật cổ xưa vẫn còn tồn tại và phát triển một cách cô lập. Ngoài hệ thực vật và động vật độc đáo là một phong cảnh với sự đa dạng về địa mạo mà ít nơi nào khác có thể sánh kịp. Chỉ trong vài ngày người ta có thể tham quan mọi thứ, từ những rặng núi đến các bãi biển, cho đến những khu rừng mưa sum sê, những dòng sông băng, các vịnh hẹp và những núi lửa đang hoạt động.

Bất kể hàng ngàn năm khai hoang của con người, khoảng một phần tư diện tích của đất nước này vẫn còn là rừng, hầu hết ở các vùng cao. Đa số những khu vực này đã được bảo vệ trong những công viên quốc gia và công viên rừng.

Đặc điểm của rừng New Zealand là loại rừng mưa ôn đới xanh tốt quanh năm với những cây dương xỉ, dây leo và các loại thực vật biểu sinh, trông có dạng như rừng nhiệt đới. Loại cây Caori khổng lồ, nằm trong số những loại cây lớn nhất thế giới, hiện nay chỉ còn ở một số khu vực nhỏ tại Northland và ở bán đảo Coromandel.

New Zealand cũng là mảnh đất độc đáo của các loài chim. Loài nổi tiếng nhất là loại chim không biết bay kiwi đã trở thành biểu tượng của New Zealand. Trong số các loải chim không biết bay khác còn có loài chim weka và loài vẹt đêm kakapo đã có nguy cơ diệt chủng. Một loài chim nổi tiếng khác là loài vẹt keo, nổi tiếng với đặc điểm là không sợ  người và bản tính táo tợn của chúng.

Những nỗ lực to lớn đã được tiến hành để bảo vệ và phát triển những di sản thiên nhiên còn sót lại ở đây. Những hoạt động này bao gồm việc thành lập 13 công viên quốc gia 3 công viên biển, 2 khu vực di sản thế giới, hàng trăm khu vực sinh thái và khu bảo tồn thiên nhiên, một mạng lưới bảo tồn biển và các khu đầm lầy, và việc bảo vệ các dòng sông và hồ nước đặc biệt. Tất cả có khoảng 30% đất của Zealand nằm trong phạm vi được bảo tồn và bảo vệ. Ngoài ra còn có những chương trình nghiên cứu và quản lý nhằm phục hồi các loài vật hiếm và có nguy cơ diệt chủng như kakapo, kokako, kiwi và tuatara.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2139-02-633493177862343750/Dia-ly/Dia-ly.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận