Người mẹ trẻ và đứa con
Ở những phần trên, chúng tôi đã mô tả tiến trình bình thường của một lần sinh nở. Nhưng không phải bao giờ mọi chuyện cũng thuận lợi như vậy. Nhiều khi cứu được đứa trẻ, nhưng nó lại không hoàn toàn bình thường về mặt thần kinh, do đầu nó bị biến dạng hay chấn thương. Nếu bị biến dạng, sau khi được chăm sóc cẩn thận, đầu nó có thể khôi phục lại hình dạng bình thường. Nhưng nếu bị chấn thương thì khác. Người mẹ và những người thân khác hàng ngày chăm sóc đứa bé có thể không nhận thấy những lệch lạc trong thần kinh. Đứa trẻ lớn lên khá hiếu động, ăn ngon miệng, dường như không khác gì những đứa cùng lứa tuổi. Những triệu chứng đầu tiên cho thấy thần kinh nó bất ổn, có thể mãi khi nó 6 tuổi mới bộc lộ ra, khi lần đầu nó bước qua ngưỡng cửa nhà trường. Điều nguy hiểm nhất là không tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến đứa trẻ học kém đã vội vã áp dụng ngay hình phạt: cấm đi chơi, bắt ngồi học hàng giờ, hoặc hơn thế nữa, quát mắng nó, có khi còn đánh đập nó. Trong trường hợp này thần kinh đứa trẻ có thể bị tổn hại thêm và đó chẳng những nó khó có thể đuổi kịp các lứa tuổi, mà rất có thể còn không thể đuổi kịp.
Vậy làm thế nào? Thứ nhất, nhiều điều phụ thuộc vào các thầy cô giáo, vào sự tiếp xúc sống động giữa cô giáo với cha mẹ của em học sinh kém. Thứ hai, vai trò quyết định đây là thuộc về cha mẹ, thuộc về sự kiên nhẫn và khéo léo của họ biết điều chỉnh hợp lý mặt thần kinh và mặt trí lực của đứa trẻ. Cần nhớ rằng đối với đứa trẻ bị cú sốc mạnh khi ra đời, ta không thể đòi hỏi ngay nó phải học giỏi, vì như vậy là quá sức nó. Nhưng nếu chăm chú và kiên trì rèn giũa nó, và khi cần, nhờ nhà tâm lý học giúp thêm, ta có thể đạt kết quả. Khoảng mười tuổi, đứa trẻ chẳng những học bằng bạn cùng tuổi, mà nhiều khi con học giỏi hơn. Chỉ bằng cách đó mới có thể chấn chỉnh lại thần kinh của đứa trẻ bị tổn thương khi nó ra đời và mới có thể gọi nó là đứa trẻ khoẻ mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.
Tâm lý người mẹ, nhất là của người mẹ trẻ mới sinh nở lần đầu, cũng có những thay đổi nhất định. Sản phụ phải chịu một “tải trọng” thần kinh mới trong mấy tiếng đồng hồ, khi bạn bị tách khỏi đứa trẻ sơ sinh và nó chỉ được đưa tới chỗ bạn để bạn cho bú, rồi nó lại được đưa đi chỗ khác để bạn có thể khôi phục lại sức lực. Cứ như vậy, trong một tuần lễ, cho đến ngày bạn ra khỏi nhà hộ sinh. Những cái ôm đầu tiên của người chồng và những người thân, niềm vui đầu tiên được gặp gỡ với thành viên mới của gia đình, những bó hoa thơm ngát, và tiếp đó là những ngày bình thường mới mẻ mà người phụ nữ hoàn toàn chưa được chuẩn bị về mặt tâm lý để đón nhận. (Ở đây, chủ yếu chúng tôi nói tới người phụ nữ sinh con đầu lòng). Biết làm thế nào với “cái cục đỏ hỏn” đang khóc oa oa kia, quấn tã nó thế nào, và cuối cùng, bao giờ thì cho nó bú? Sẽ rất tốt nếu trong thời kỳ đầu, bên cạnh bạn có một phụ nữ giàu kinh nghiệm - mẹ đẻ hoặc mẹ chồng, để giúp bạn “nhập vai mới”. Nhưng nếu bên cạnh không có người phụ nữ giàu kinh nghiệm như thế? Căn hộ của bạn mau chóng biến thành một xưởng giặt, nào giặt, nào phơi, nào là, và cứ như thế liên tục. Đúng lúc ấy, đứa trẻ “bậy ra” lại khóc toáng lên, thế là bạn phải vứt hết đấy để chạy vào với nó đem nó vào buồng tắm (bạn hãy còn sợ việc tắm cho nó lắm!), rồi lau, rồi quấn tã... chóng cả mặt. Bạn còn đầu óc đâu nghĩ đến chồng - bây giờ anh ấy bị đẩy xuống hàng thứ hai, anh thấy khó chịu, anh đòi phải nấu nướng gì đó cho anh ăn, hoặc anh kiếm cớ lẩn đến chỗ bạn bè. Bởi vậy, không có gì lạ khi người mẹ trẻ không chịu đựng nổi một “tải trọng” thần kinh lớn như vậy. Bạn mau chóng cảm thấy mệt rã rời, lúc nào cũng buồn ngủ, có khi thẫn thờ, dửng dưng với mọi chuyện...
Trong trường hợp đó phải làm thế nào? Chúng tôi không thể đưa ra những lời khuyên có sẵn, tất cả phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể ở trong một gia đình cụ thể. Nhưng chúng tôi có thể có một lời khuyên chung cho cả người mẹ trẻ, cả cho những người xung quanh chị. Trong gia đình mới có thêm đứa con, cần phải tạo ra một khung cảnh tâm lý bình thường, trong đó kết hợp hợp lý giữa nghỉ ngơi với chăm sóc đứa con và cáng đáng việc ở nhà. Chỉ một mình người mẹ thì không thể gánh vác trách nhiệm ấy, ở đây nhiều điều phụ thuộc những người xung quanh, trước hết là người chồng.