Tài liệu: Nghiêm khắc với mình

Tài liệu
Nghiêm khắc với mình

Nội dung

NGHIÊM KHẮC VỚI MÌNH

“Nghiêm khắc với mình'' thường đi đôi với ''độ lượng với người '', là một trong những nếp sống có đạo đức. Đó là thái độ cần thiết trong sự rèn luyện tu dưỡng của mỗi người, và cũng là nguyên tắc hành động không thể thiếu được trong cách ứng xử của mọi người.

Mỗi người trong khi tiếp xúc với bè bạn, đồng chí, người thân... rất có thể nảy sinh chuyện này chuyện nọ, hoặc đối với bản thân hoặc đối với người khác. Việc phải làm trước tiên, là phải tự nghiêm khắc với mình, phải ''tiền trách kỷ'' (trách mình trước), phải xem mình có khuyết điểm thiếu sót không, nếu có thì phải dám chịu trách nhiệm và kiên quyết sửa chữa. Còn đối với người thì ta phải độ lượng, khoan dung, không thể cứng nhắc ép buộc người ta tiếp nhận những điều họ không muốn. Đối với khuyết điểm của người khác, cần có thái độ giúp đỡ và thông cảm. Chỉ có nghiêm khắc với mình, độ lượng với người mới có thể giải quyết tốt các mối quan hệ trong giao tiếp, mới có thể tăng cường đoàn kết.

Nghiêm khắc với mình, độ lượng với người còn thể hiện mối quan hệ giữa việc làm và lời nói trong việc giáo dục người khác. Tục ngữ có câu: ''Nói hay không tày làm tốt''. Lý lẽ thì nói rất hay, nhưng bản thân không thực hiện thì làm sao thuyết phục người khác được. Câu chuyện ''Lê nin và người lính gác'' là một ví dụ sống động về đạo lý này: Cách mạng tháng Mười vừa mới giành được thắng lợi, một lần Lênin đi vào điện Kremli thì bị người lính gác vì không biết mặt Lênin đã giữ Người lại đòi kiểm tra giấy ra vào. Đồng chí đi cùng đã trách  chiến sĩ cảnh vệ, rằng đây là Lênin, sao lại không cho vào, trong khi Lênin vẫn nghiêm chỉnh đưa giấy ra vào cho chiến sĩ cảnh vệ kiểm tra. Người nói với đồng chí đi cùng: ''kỷ luật cách mạng, ai cũng phải tuân theo. Tôi cũng vậy thôi''.

Nghiêm khắc với mình, độ lượng với người còn được thể hiện trong cách giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi của bản thân với quyền lợi của người khác. Trong vấn đề này, nguyên tắc cơ bản vẫn là ''người trước ta sau'', khi quyền lợi của cá nhân mâu thuẫn với quyền  lợi của các đồng chí chung quanh, thái độ đúng đắn nhất là nên nghĩ đến người khác trước, chớ nên chỉ tính toán đến lợi riêng cho mình.

Đương nhiên, độ lượng với người phải có nguyên tắc. Khi quyền lợi của  nhân dân, tài sản của Nhà nước bị xâm hại, ta quyết không thể có thái độ thờ ơ, ''độ lượng'' một cách vô nguyên tắc mà phải kiên quyết đấu tranh. Khoan dung nhân từ với kẻ thù là có tội với nhân dân, đó là nguyên tắc mọi người cần nhớ khi ''độ lượng với người''.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/957-02-633371231124741023/Nhung-quy-tac-hanh-vi/Nghiem-khac-voi-minh...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận