Việt Nam, với một tiềm năng dầu khí dồi dào, đang phát triển mạnh mẽ công nghiệp khai thác, chế biến nguồn tài nguyên quý giá này thành các sản phẩm có giá trị, trong đó có khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Từ nguồn LPG trong nước do các NM chế biến khí Dinh Cố, NM lọc dầu Dung Quất chế biến và cung cấp, các cơ sở sử dụng LPG trong sản xuất và đời sống ngày càng phát triển. LPG là loại nhiên liệu sạch và cao cấp được sử dụng trong sản xuất đã làm thay đổi hình ảnh khói đen luôn gắn liền với các xí nghiệp công nghiệp; sử dụng trong các khu đô thị, khu dân cư, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, hộ gia đình…đã làm thay đổi thói quen tiêu thụ nhiên liệu truyền thống là củi, than ... góp phần đáng kể vào công tác BVMT và sức khỏe nguời dân. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò đóng góp những giá trị KT-XH vô cùng to lớn, quá trình chế biến và sử dụng LPG luôn tiềm ẩn nguy cơ gây SCMT và thực tế trên thế giới đã xảy ra các sự cố rò rỉ, cháy, nổ LPG gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, phá hủy tài sản và gây ô nhiễm môi trường như sự cố nổ TB chứa propane trên đường vận chuyển tại Tây Ban Nha năm 1978 làm chết 200 người và bị thương 120 người [14]; sự cố trật bánh tàu hỏa chở propane (và clorine) gần Toroto, Canada tháng 11/1979 làm 250.000 người phải sơ tán và nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện [14]; sự cố nổ TB chứa LPG ở khu dân cư của thành phố Mexico ngày 19/11/1984 làm chết 450 người, trên 30.000 người mất nhà cửa phải sơ tán [125]; sự cố cháy tàu hoả ngày 20/02/2002 tại Ai Cập làm gần 400 người bị chết, hàng trăm người bị thương do nổ bình LPG để nấu ăn trong toa căng tin [125]; sự cố nổ bình chứa LPG làm sập nhà tại thành phố St. Peterburg – Nga vào ngày 03/06/2003 làm sập toà nhà 9 tầng, gây chết và bị thương nhiều người [125]. Ở Việt Nam, mặc dù các sự cố đã xảy ra trong chế biến và sử dụng LPG chưa mang tính thảm họa nhưng cũng là những dấu hiệu cảnh báo sẽ xảy ra những SCMT nghiêm trọng trong tương lai nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa. Trong thời gian tới, khi các cơ sở lọc hóa dầu trọng điểm của đất nước dần đi vào hoạt động ổn định làm cho lượng LPG được chế biến trong nước ngày càng tăng lên thì số cơ sở sử dụng LPG trong sản xuất và đời sống ngày càng nhiều; trạm cung cấp LPG trung tâm trong khu chung cư cao tầng ngày càng tăng và nhất là khi chủ trương chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu truyền thống (xăng, dầu … ) sang sử dụng LPG cho các phương tiện giao thông vận tải (GTVT) được thực hiện rộng rãi nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn của nước ta, các thiết bị chứa LPG được lắp đặt trong các đô thị, khu dân cư ngày càng nhiều thì nguy cơ xảy ra SCMT trong sử dụng LPG sẽ ngày càng tăng, thiệt hại sẽ ngày càng lớn.
Để quản trị rủi ro (QTRR) trong chế biến và sử dụng hiệu quả, một trong những công việc quan trọng là phải xây dựng được phương pháp đánh giá SCMT một cách định lượng trên cơ sở khoa học, thiết lập quy trình đánh giá sự cố, nêu và phân tích các nguy cơ gây SCMT trong sử dụng LPG, dự báo khả năng xảy ra và mức độ thiệt hại khi sự cố xảy ra, trong đó một chỉ tiêu rất quan trọng là dự báo phạm vi ảnh hưởng thông qua việc xác định khả năng phát tán chất ô nhiễm môi trường sau sự cố. Nhưng xác định khả năng phát tán chất nguy hại bằng cách đo đạc trong thực tế khi một sự cố xảy ra là điều mà chúng ta không mong đợi. Bởi lẽ, SCMT trong sử dụng LPG nếu xảy ra thì thiệt hại mà nó gây ra đối với con người, môi trường sẽ rất lớn; thậm chí còn rất nghiêm trọng như các sự cố đã xảy ra trên thế giới và thiệt hại có thể còn lớn hơn mà chúng ta chưa lường hết. Cùng với việc xác định nguy cơ, mức độ ảnh hưởng, xác suất xảy ra sự cố cần đề ra những giải pháp phòng ngừa sự cố trong chế biến và sử dụng LPG một cách hữu hiệu.
Trên thế giới, các nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển đã có nhiều nghiên cứu về đánh giá SCMT trong chế biến và sử dụng LPG nhưng các nghiên cứu này chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ, định lượng tới các tác động mà SCMT, đặc biệt là sự cố nổ vật lý trong chế biến và sử dụng LPG gây ra. Còn ở Việt Nam, vấn đề này hầu như chỉ được đề cập một cách định tính hoặc chưa đầy đủ về mặt định lượng như đã thể hiện trong các tiêu chuẩn, quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các báo cáo tác động môi trường của các dự án quan trọng trong tồn trữ, phân phối LPG, các cơ sở sử dụng LPG trong sản xuất và đời sống.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá SCMT trong sử dụng LPG, đề ra các giải pháp phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG một cách đồng bộ, hệ thống, bằng nhiều công cụ đa dạng, thích hợp với sự tham gia của các đối tượng liên quan, có khả năng áp dụng trong điều kiện Việt Nam là cần thiết, bởi lẽ, nếu để SCMT xảy ra thì hoặc là không khắc phục được hoặc nếu khắc phục được cũng hết sức tốn kém và khi đó đã tổn thất về nguời, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới môi trường. Luận án được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên.
Nghiên cứu đề xuất phương pháp đánh giá SCMT và giải pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG nhằm hạn chế xảy ra SCMT và giảm thiểu tác động đến con người, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng như các nước có điều kiện tương tự.
Đối tượng nghiên cứu là phương pháp đánh giá SCMT trong sử dụng LPG. Khi thực hiện nghiên cứu này, cần thực hiện trên các đối tượng được khảo sát là LPG và thiết bị chứa LPG:
SCMT trong sử dụng LPG là một lĩnh vực khá rộng và phức tạp, do vậy, luận án thực hiện trong phạm vi nghiên cứu sau:
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), bên cạnh ưu điểm là nhiên liệu sạch và tiện dụng, cũng tiềm ẩn những rủi ro gây ra SCMT trong chế biến và sử dụng, làm thiệt hại về nguời, tài sản và tác động xấu tới môi trường nếu không nhận thức được khả năng xảy ra sự cố và mức độ nguy hiểm của nó để có những biện pháp QTRR, phòng ngừa sự cố. Một trong những biện pháp đó là phải có được phương pháp đánh giá SCMT định lượng, khả thi, phù hợp với đặc điểm trong sử dụng LPG ở Việt Nam.
Đánh giá SCMT là quá trình mang tính hệ thống, cung cấp thông tin tổng hợp, lôgic cho các nhà QLMT, những người ra quyết định trong việc xác định những phương án quản lý phù hợp. Ngoài ra, đánh giá SCMT còn hạn chế lãng phí đối với những nguồn lực phải bỏ ra để giải quyết vấn đề ATMT đối với những rủi ro chấp nhận được.
Đáp ứng yêu cầu đánh giá rủi ro kỹ thuật cho các dự án có sử dụng LPG đang ngày càng phát triển ở nước ta, đề ra các giải pháp phòng ngừa sự cố trong sử dụng LPG ở Việt Nam.
Có thể vận dụng phương pháp đánh giá cho công nghiệp hóa chất, kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí.
Chế biến và sử dụng LPG đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chế biến và sử dụng LPG cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây SCMT nghiêm trọng. Sự cố nổ thiết bị chứa LPG là một trong những sự cố đó. Trong thực tế đã xảy ra nhiều sự cố nổ thiết bị chứa LPG trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường do không lường hết mức độ nguy hại của các rủi ro tiềm ẩn trong chế biến và sử dụng LPG. Do vậy, cần có những nghiên cứu dự báo định lượng đầy đủ hơn về các tác động tiêu cực khi đánh giá rủi ro, đánh giá tác động môi trường trong quy họach, xây dựng cơ sở sử dụng LPG; đề ra giải pháp QTRR, phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG ở Việt Nam, góp phần ổn định trật tự xã hội, phát triển đất nước bền vững.